Nếu như muốn giảm thiểu chuyện bạo lực về tinh thần này chỉ có các cơ quan nhà nước, phải công bố thông tin chính thống, để thông tin tốt át thông tin xấu- GS. TS Bùi Thị An
Bà Bùi Thị An.
PV: Thưa bà, bà nhìn nhận như thế nào về cách ứng xử bằng bạo lực của một bộ phận người Việt hiện nay khi xảy ra va chạm?
PGS TS Bùi Thị An: Giai đoạn hiện nay chúng ta đang nhức nhối với những suy đồi về đạo đức. Trong đó có ứng xử với nhau trong cộng đồng, ứng xử trong cơ quan, trong gia đình, trường học. Ở đâu cũng đều có hiện tượng phản đạo đức.
Mấy hôm nay, tôi theo dõi trên báo chí thấy có vụ việc đánh nhau giữa thanh niên Việt Nam với đôi bạn trẻ người nước ngoài chỉ vì va chạm trên đường. Mới đây nhất là vụ đánh nhau ở Vĩnh Phúc. Chỉ một chút không kiềm chế được bản thân, đã cho phép mình hành xử dã man, dẫn đến giết người. Điều đó thực sự không thể chấp nhận được. Tôi đọc mà cảm thấy xót xa.
Có thể nói, trong giai đoạn này chỗ nào cũng có thể xảy ra đánh nhau. Vùng nào cũng có đánh nhau, từ vùng sâu vùng xa tới Hà Nội, hay TP. Hồ Chí Minh. Ngay cả học sinh nữ cũng đánh nhau, bảo mẫu đánh trẻ con, khi đi ra ngoài gặp nhau xảy ra xích mích, hơi chút là “sửng cồ” lên đánh nhau… có khi còn dẫn đến cả án mạng. Những hiện tượng đó báo động cho chuyện đạo đức, chứ không chỉ dừng ở cách ứng xử.
Theo tôi đây là vấn đề khá nhức nhối, thực sự cần được báo động. Trong trường học, gia đình cũng đã bắt đầu để ý đến câu chuyện bạo lực này. Nhưng những cố gắng trong giai đoạn vừa qua chưa được nhiều nên vẫn cứ liên tục xảy ra các vụ việc đáng tiếc.
Vậy theo bà, đâu là nguyên nhân chủ yếu?
- Theo tôi, có nguyên nhân là quản lý xã hội của chúngta chưa thực sự nghiêm lắm. Trong các quán ăn, nhà hàng bày bán rượu, bia, các chất kích thích rất nhiều nhưng không quản hết được.
Nếu nói, hiện tượng này xảy ra là tổng thể của các nguyên nhân thì cũng đúng. Cho nên chúng ta phải rà soát lại trách nhiệm từng bộ, ngành. Trong giáo dục, y tế, trường học… đều phải rà soát lại. Trong bệnh viện, đôi khi bác sĩ “sửng cồ” với bệnh nhân, hay người nhà bệnh nhân “sửng cồ” một cách vô cớ với bác sĩ. Rồi trong trường học, thầy giáo đánh học sinh, học sinh đánh thầy giáo, học sinh nữ đánh học sinh nam... cũng thường xuyên xảy ra. Họ đều không ngồi lại để nói chuyện được với nhau mà phải dùng vũ lực. Vì vậy, tôi nghĩ toàn bộ hệ thống phải cùng vào cuộc.
Trước hết, phải thể hiện sự nghiêm khắc đầu tiên trong các cơ quan nhà nước. Các cán bộ viên chức công chức, cách ứng xử của họ với dân phải thay đổi. Về mặt hình thức một số nơi đã tốt hơn, gặp người dân thì chào hỏi nhưng thực sự trong lòng họ có thoải mái không là vấn đề cần phải giải quyết từ gốc trong cơ quan nhà nước. Trong tất cả những nơi thể hiện sự tiếp xúc với dân chúng, những nơi công cộng như sân bay, bến xe, bến tàu, trên đường đi lại cũng cần được quản lý. Bởi ở đó không thiếu các vụ đánh nhau…
Bên cạnh việc giáo dục, các đồng chí được phân trách nhiệm phụ trách quản địa phương, quản các nhà hàng phải quản chặt tổng thể xem họ kinh doanh cái gì, mọi thứ đều phải siết chặt lại. Sau đó là có chế tài xử lý. Anh nào chuyên gây gổ thì phải xử lý mạnh chứ không phải cho qua 1 lần, rồi cho qua mãi. Như vậy thì dần dần sẽ trở lại có một quan hệ cộng đồng văn minh.
Nhiều người nói hiện tượng này ngày một nhiều do áp lực cuộc sống, áp lực của đồng tiền. Tôi đồng ý. Nhưng không thể lấy lí do đó để bao biện cho hành động bạo lực. Cho nên tôi vẫn nghĩ trách nhiệm của nhà quản lý là rất quan trọng. Cái chính là tại sao để cho thanh niên bây giờ dùng được tất cả các loại kích thích. Đây chính là một trong những nguyên do gây nên thảm họa trong ứng xử.
Có một cách bạo lực khác, không đau về thể xác nhưng lại đau ở tinh thần. Đó là công kích một cá nhân nào đó trên mạng mạng xã hội, lôi kéo nhiều người vào để “đánh” một người. Quan điểm của bà về cách ứng xử này?
- Đúng. Hiện nay hiện tượng bạo lực này có khá nhiều. Tôi nghĩ cách giải quyết chỉ có thể là giáo dục. Giáo dục để họ trở thành những người có nhân cách, có trách nhiệm với lời nói của mình. Những người này, hoặc là nói vô trách nhiệm vu khống cho người khác, hoặc có thể họ nói thực nhưng nói theo cách thiếu nhân văn, cố tình đá xoáy người khác, thì cũng là hình thức không tốt. Trong trường hợp này chỉ có cách tốt nhất là giáo dục, để nâng cao tinh thần trách nhiệm, phẩm cách, chứ không còn cách nào, vì không cấm được. Chỉ khi nào họ thấy việc họ làm vô lý, trái với đạo đức thì tự rút kinh nghiệm.
Nếu như muốn giảm thiểu chuyện bạo lực về tinh thần này chỉ có các cơ quan nhà nước, phải công bố thông tin chính thống, để thông tin tốt át thông tin xấu.
Xin cám ơn bà!