Lịch sử là nguồn cảm hứng mạnh mẽ của nhà văn Đặng Ngọc Hưng, là điều đã thôi thúc anh cầm bút viết khi đã bước sang tuổi 37. Sau tiểu thuyết lịch sử “Hùng binh” (Giải B Sách Quốc gia năm 2019), lần này với truyện vừa “Khu tập thể đường tàu” (NXB Trẻ, 2025), nhà văn tiếp tục đưa chúng ta trở về một thời kỳ khác trong lịch sử: thời bao cấp ở miền Bắc.
Câu chuyện của “Khu tập thể đường tàu” bắt nguồn từ một sự kiện: Ngày 26/11/1974, cầu Thăng Long, công trình cầu vượt sông lớn nhất Đông Nam Á vào thời điểm đó, chính thức được khởi công. Hàng vạn cán bộ, công nhân viên từ khắp mọi nơi được điều động tới công trường. Khu tập thể của những người thợ xây cầu được hình thành. Đó là các khu tập thể nằm lọt thỏm giữa làng mạc và cánh đồng, nhà ở xen giữa các nhà máy, kho xưởng và đường tàu… Nhà văn Đặng Ngọc Hưng dẫn chúng ta băng qua hơn 50 năm ngược về quá khứ, bước vào các khu tập thể này, quan sát cuộc sống của những con người tham dự vào công cuộc xây dựng “công trình thế kỷ”.
“Khu tập thể đường tàu” được giới thiệu là “truyện thiếu nhi” dành cho người lớn. Nhà văn kể về một thời đã xa từ góc độ một đứa trẻ, dùng cái nhìn trong trẻo, hồn nhiên của trẻ thơ để tái hiện một đoạn ký ức của người dân nước ta. Nhờ vậy mà câu chuyện được kể một cách tự nhiên, chân thật, không đao to búa lớn, cũng không phán xét.
Tập truyện vừa này là những câu chuyện nhỏ về tuổi thơ của năm cậu bé tuổi Nhâm Tí học cùng lớp và sống trong cùng khu tập thể ấy. Thông qua câu chuyện của những đứa trẻ, chúng ta phảng phất thấy được cuộc sống thời bao cấp, một thời điểm khó khăn của đất nước, nhưng không thiếu tình yêu thương, sự đùm bọc và san sẻ.
Những câu chuyện trong trẻo, tự nhiên như hơi thở nhưng không kém phần “lầy lội”. Nhà văn Đặng Ngọc Hưng có lối viết giản dị và trực tiếp. Ngay từ trang đầu tiên, anh đã đưa chúng ta bước thẳng vào khu tập thể đường tàu. Đó là: “Một khu tập thể thấp tầng, nằm trải dài và trơ trọi ở giữa những cánh đồng lúa rộng bát ngát của mấy hợp tác xã nông nghiệp lân cận”, “một khu dân cư nửa quê nửa tỉnh, nửa thành phố nửa nông thôn”.
Cấu trúc và kiến trúc khu tập thể được mô tả một cách chi tiết, sống động, giúp người đọc có trải nghiệm như đang bước đi giữa không gian đó, đi qua các hội trường, nhà ray, nhà Cuba, những bụi dong riềng và hàng cây thanh táo, chứng kiến các cuộc sinh hoạt đoàn của thanh niên, thấy họ mắc màn ngủ, khiêng võng cho những bà mẹ trẻ mới sinh con.
Tràn ngập hơi thở của đời sống, nhưng cũng có những khoảnh khắc khu tập thể hiện lên rất thơ mộng: “Mỗi khi màn đêm buông xuống, khu tập thể cứ như là một ốc đảo, lấp lánh, huyền ảo giữa không gian tối tăm trải dài tưởng như vô tận”.
Bằng lối tự sự chân thật, chân phương, xuyên suốt các trang sách, ta có cảm giác như nhà văn Đặng Ngọc Hưng đang kể câu chuyện của chính mình. Chúng ta như được sống tại khu tập thể, cùng nhân vật chính đi học mẫu giáo, phụ các cô cho bọn chíp hôi há “mồm cá ngão” ra ăn, chơi trò bắn pháo binh trên hành lang, lén người lớn nếm vị ngọt từ mật hoa dong riềng và thanh táo.
Theo sự lớn lên của đứa trẻ, nhà văn Đặng Ngọc Hưng dẫn chúng ta đi qua những kỷ niệm thân thương, từ trò bắt chuồn chuồn nuôi kiến đen, bắt châu chấu làm món tôm bay, con đường đến lớp bổ túc đầy ma trơi, dưới ánh trăng được bố dắt tay đi trên tà vẹt đường tàu, ngày đầu tiên đi học, con đường đến lớp được đánh dấu bằng… bãi “mìn” phân trâu, hay câu hát trêu những cụ già trồng cây cho bóng mát. Lối viết mộc mạc của nhà văn làm ta có cảm giác như đó là ký ức của chính mình. Nhưng có lẽ đúng là thế. Đó là ký ức chung của một thế hệ, ký ức gắn với ruộng đồng, thôn quê. Tất cả những ai từng có những tháng năm xa xưa như thế, qua trang văn có thể quay về.
Bằng ngòi bút kể chuyện giản dị và chân thực, nhà văn Đặng Ngọc Hưng đã tái hiện cuộc sống thời bao cấp tại khu tập thể đường tàu, giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử dân tộc, tìm về những ký ức tập thể thân thương, và cảm nhận cái ấm áp của nghĩa tình người Việt. Truyện dài “Khu tập thể đường tàu” là một “truyện thiếu nhi” xuất sắc dành cho người lớn, đưa người lớn trở về với những tình cảm hồn nhiên nhất, chân thành nhất và cũng đẹp đẽ nhất trong mỗi con người.