Đánh thức tài nguyên ven sông của 'siêu đô thị'

LÊ ANH 21/08/2023 08:45

Theo đánh giá của chính quyền TP Hồ Chí Minh, sông Sài Gòn có độ dài khoảng 256 km, trong đó riêng đoạn chảy qua TPHCM là hơn 80 km, được nhận định sẽ giúp siêu đô thị này có tiềm năng vô cùng lớn để nâng tầm vị thế “đầu tàu” kinh tế phía Nam của cả nước.

TP Hồ Chí Minh đã cải tạo khu vực bến Bạch Đằng và cầu Ba Son (quận 1) trở thành trung tâm mở hướng sông thu hút du lịch bậc nhất thành phố.

Tài nguyên ven sông “ngủ quên”

Xét về hạ tầng giao thông, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM cho biết, kể từ năm 2008, TPHCM đã rất quan tâm đến vấn đề quy hoạch đô thị ven sông với việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 1. Các năm sau đó liên tiếp xây dựng các cầu Phú Mỹ, hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn và mới đây năm 2022 thành phố khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 (nay là cầu Ba Son) để nối trung tâm TPHCM với Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Hiện nay, các công trình lớn khác như cầu Thủ Thiêm 4 đang trong quá trình lập dự án, thiết kế, xúc tiến đầu tư...

Có thể nói, nhiều công trình, hạ tầng giao thông quan trọng của TPHCM đã và đang được triển khai để hoàn thiện mạng lưới giao thông ven sông, mở ra tiềm năng phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ. Qua đó, tận dụng và khai thác tối đa tài nguyên, lợi thế của sông Sài Gòn.

Nói về tiềm năng phát triển dịch vụ, du lịch ven sông, ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) TPHCM, cho biết, hiện nay chính quyền thành phố đã phê duyệt đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TPHCM, giai đoạn 2020-2045”. Trong đó, riêng giai đoạn từ nay đến 2025 sẽ ưu tiên xây dựng và hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng công trình dịch vụ công cộng thí điểm, hạ tầng xanh đa chức năng; lập và điều chỉnh quy hoạch các khu vực trọng điểm và hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông tại các khu vực hiện hữu, tiềm năng. Cũng theo ông Nhã, giai đoạn tiếp theo TPHCM cũng đã có kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật, đô thị dọc sông Sài Gòn, song song với việc điều chỉnh quy hoạch toàn TPHCM theo từng giai đoạn phát triển để phù hợp với thực tiễn.

Liên quan đến các tiềm năng địa kinh tế của hạ tầng giao thông dọc sông Sài Gòn, TS Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện cơ chế đặc thù phát triển TPHCM, cho rằng, các tiềm năng về dịch vụ, du lịch, thương mại… sẽ giúp kinh tế ven sông TPHCM phát triển đặc sắc. Trong đó, thành phố nên nghiên cứu tận dụng vị trí của cảng Nhà Rồng - Khánh Hội hiện nay để xây dựng, phát triển thành một cảng du lịch tàu biển đón du khách trong và ngoài nước. Mục tiêu xa hơn là biến một khu vực sông (kết nối giữa trung tâm TPHCM và TP Thủ Đức) trở thành trung tâm hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ, kinh tế ven sông về đêm của cả nước và khu vực.

Kinh tế ven sông - Tầm nhìn đến năm 2045

Liên quan đến quy hoạch dài hạn của TPHCM về kinh tế ven sông, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hiện nay mong muốn lớn nhất của TPHCM là xây một tuyến đường chạy dọc sông Sài Gòn từ khu vực trung tâm (quận 1) đến huyện Củ Chi nhằm khai thác, tận dụng tốt hơn lợi thế, tiềm năng kinh tế và bảo tồn nét đẹp sông Sài Gòn. Hiện nay, UBND TPHCM cũng đã phê duyệt đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TPHCM, giai đoạn 2020-2045”. Trong đó, các mục tiêu khai thác khu vực bờ Đông từ cầu Sài Gòn đến cầu đảo Kim Cương (TP Thủ Đức) và bờ Tây từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận (quận 7 và huyện Nhà Bè) sẽ được TPHCM ưu tiên thực hiện trước cho một tầm nhìn dài hạn.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, tương lai các ngành kinh tế dịch vụ có tiềm năng phát triển ven sông, bao gồm: hạ tầng giao thông, vận tải đường thủy; du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử, làng nghề; du lịch đường thủy; các hệ sinh thái dịch vụ; kinh tế sáng tạo;... cũng sẽ được phát triển mạnh mẽ nhờ lợi thế về tài nguyên và địa kinh tế ven sông của TPHCM hiện nay.

Để đạt được các mục tiêu đề ra trong phát triển kinh tế ven sông, hiện tại Đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TPHCM, giai đoạn 2020-2045” được UBND TPHCM phê duyệt, hiện đã hoàn thành 40% khối lượng công việc cho giai đoạn 2021-2025. Trong đó, các hạng mục rà soát quỹ đất dọc hành lang sông; phương án tạo quỹ đất và chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư thông qua chỉ tiêu quy hoạch và các yêu cầu kèm theo; xây dựng hạ tầng xanh (bờ kè, kết nối hạ tầng giao thông, công viên cây xanh, khu vực di sản, văn hóa,…) đã và đang được TPHCM kêu gọi đầu tư bằng nhiều hình thức (ngân sách, xã hội hóa,…). Song song đó, TPHCM cũng chủ động hợp tác với các tổ chức, vận dụng kinh nghiệm của các nước phát triển về quy hoạch và quản lý đầu tư hành lang sông Sài Gòn; phát triển du lịch đường thủy, xây dựng hạ tầng xanh dọc sông Sài Gòn để chuẩn bị sẵn sàng cho việc khai thác mạnh mẽ kinh tế ven sông kể từ năm 2045.

Theo lãnh đạo UBND TPHCM, để quá trình triển khai Đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TPHCM, giai đoạn 2020-2045” đạt hiệu quả cao nhất, thành phố cũng sẽ tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành giữa Sở Du lịch, Sở NNPTNT và Sở GTVT, trong đó có cơ chế chia sẻ dữ liệu, chiến lược phát triển và kêu gọi đầu tư; tổ chức triển khai thí điểm xây dựng hạ tầng xanh, kè dọc sông... nhằm phát huy kinh tế dịch vụ và nâng cao hạ tầng xã hội phục vụ người dân. Quá trình này cũng sẽ đảm bảo cải thiện các môi trường tự nhiên, phát huy tiềm năng trong các giá trị văn hóa, đặc trưng ven sông, hướng tới mục tiêu giảm phát thải carbon, thích ứng biến đổi khí hậu... để phát triển đô thị bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đánh thức tài nguyên ven sông của 'siêu đô thị'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO