Nổi lên so với các địa phương khác trong cả nước về nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng và đặc trưng. Tuy nhiên, thực tế phát triển du lịch của Thanh Hóa cho thấy hoạt động du lịch còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Để khắc phục tình trạng này, cần thiết phải có những giải pháp đồng bộ nhằm “đánh thức” vốn tiềm năng du lịch của tỉnh.
Tiềm năng chờ đánh thức
Có thể nói, Thanh Hóa nổi lên so với các địa phương trong cả nước về nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng và rất đặc trưng.
Thực tế cho thấy, về tài nguyên du lịch tự nhiên, đặc điểm nổi bật của Thanh Hóa là địa hình đa dạng từ núi cao qua miền đồng bằng và kéo dài ra biển, trong đó địa hình miền biển đặc biệt thuận lợi cho phát triển du lịch. Với đường bờ biển dài 102 km, bãi biển tương đối bằng phẳng hình thành nhiều bãi tự nhiên đẹp như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hoà… Ngoài khơi vùng biển còn có một số đảo nhỏ, không xa bờ đã tô điểm thêm cho vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên như: Hòn Mê, Hòn Nẹ, Đảo Nghi Sơn…
Ở vùng núi đá vôi còn có nhiều hang động karster rất đẹp gắn với các truyền thuyết, di tích lịch sử văn hóa như động Từ Thức (Nga Sơn) với vẻ đẹp huyền ảo, hấp dẫn du khách hay động Long Quang trên núi Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), động Hồ Công, Tiên Sơn (huyện Vĩnh Lộc), quần thể hang động kỳ thú ở huyện Quan Sơn như động Bo Cúng, Nang Non…; hang Con Moong (huyện Thạch Thành), Lò Cao kháng chiến Hải Vân (Như Thanh)… là những điểm du lịch kỳ thú ngày càng hấp dẫn du khách đến với du lịch mạo hiểm ở Thanh Hóa.
Đặc biệt, Thanh Hóa có VQG Bến En (Như Thanh), cách thành phố Thanh Hóa chừng 40 km về phía Tây - Nam. Đây là một trong những điểm được xếp vào danh sách 10 VQG bảo tồn thiên nhiên quý hiếm của Việt Nam. Với tổng diện tích trên 16.000 ha, trong đó diện tích rừng nguyên sinh có tới gần 9.000 ha và hệ động thực vật phong phú, bao gồm 462 loài thực vật, 246 loài động vật và hàng trăm loài côn trùng khác. Tại khu BTTN Pù Hu, Pù Luông (trên địa bàn huyện Quan Hóa, Bá Thước) có diện tích 16.700 ha, với 92% là diện tích tự nhiên và có đến 1.109 loài thực vật, 598 loài động vật… cũng đang hứa hẹn sẽ trở thành những khu du lịch sinh thái hấp dẫn của tỉnh…
Tuy nhiên, thực tế phát triển du lịch của Thanh Hóa cho thấy hoạt động du lịch còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sẵn có.
Để tiềm năng du lịch được “khai mở”
Về lâu dài, để du lịch Thanh Hóa phát triển theo những quan điểm và đạt được những mục đích đã đề ra, đặc biệt khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh sẵn có, trong Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những giải pháp phát triển du lịch cụ thể.
Trong đó, một số nhóm giải pháp trọng tâm như: Giải pháp về cơ chế, chính sách phát triển du lịch; giải pháp phát triển thị trường - sản phẩm du lịch; giải pháp xúc tiến, quáng bá du lịch và giải pháp bảo vệ môi trường cần được gấp rút triển khai, thực hiện sâu rộng.
Trao đổi về vấn đề này, bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL cho biết, một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay của du lịch Thanh Hóa là sản phẩm du lịch còn nghèo nàn và tính mùa vụ của hoạt động du lịch. Để khắc phục những hạn chế này, trước mắt tỉnh ta đã và đang tập trung đẩy mạnh thực hiện 2 giải pháp then chốt đó là: đa dạng hóa sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Trong đó, chất lượng sản phẩm du lịch là một yếu tố quan trọng trong cạnh tranh với sản phẩm du lịch chất lượng cao, giúp cho du lịch có thể đạt được hiệu quả kinh doanh.