Trong ký ức của người dân thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Khu kinh tế Vũng Áng từng là nơi nghèo nàn, lạc hậu. Đất cát bạc màu, lại là vùng “chảo lửa, túi mưa” nên kinh tế kém phát triển, cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trải qua những thăng trầm, giờ đây, khu kinh tế Vũng Áng có sự “lột xác” ngoạn mục.
Qua thuở bần hàn
Theo chân lão ngư Nguyễn Văn Mạnh, chúng tôi đến làng chài nhỏ còn sót lại của xã Kỳ Lợi, nơi đây chỉ cách tường rào Formosa vài bước chân. Thuyền thúng, thuyền không gắn máy nằm tấp bờ nhan nhản. Một số thuyền gắn máy công suất lớn rẽ sóng vươn khơi, tiếng nổ râm ran một vùng.
Ông Mạnh hướng ánh mắt về khu vực vừa giải phóng mặt bằng, nói: “Cả làng đã dời lên khu tái định cư phía bên kia QL1A để nhường đất cho dự án. Sắp tới, cả gia đình tôi không sống bằng nghề chài lưới nữa…”.
Trong ký ức của ông Mạnh, những năm 90 của thế kỷ XX trở về trước, vùng bãi ngang xã Kỳ Lợi sống trong những ngôi nhà lụp xụp, chen chúc vì đất chật người đông, cuộc sống chỉ dựa vào con tôm, con cá. Không có tiền đóng tàu lớn để đánh bắt xa bờ, người dân chỉ biết đi “lộng” (đánh bắt gần bờ). Trai tráng đi biển, phụ nữ trẻ em ở nhà chờ khi thuyền về ra gỡ lưới, đưa đi bán, kiếm đồng vào đồng ra. Đất cằn sỏi đá, làm nông không được mùa, làm ngư thì nguy hiểm, biển lặng thì chớ, biển động mất mạng như chơi. Đã vậy, dân biển lại đông con. Cái nghèo, cái đói cứ bám riết lấy người dân làng chài.
Không chỉ Kỳ Lợi mà các xã Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Thịnh, Kỳ Nam… của thị xã Kỳ Anh xưa kia cũng chung số phận. Để thoát cảnh đói nghèo, người dân ngược xuôi khắp nơi kiếm tiền, kiếm gạo. Lúc đó, dân chúng tôi xách bị đi xin ăn nhiều vô kể” - ông Mạnh kể.
Theo lão ngư gạo cội, làng kế bên đã nhường đất cho dự án Formosa lên tái định cư ở bên kia QL1A cách đây 6-7 năm, giờ ai cũng thoát cảnh nhà tranh vách đất. “Nhà nào cũng có 400m2 đất tái định cư, họ xây nhà bằng, nhà tầng để ở. Chỉ còn một số người chạy xe máy về đây đi biển, còn lại vào làm công nhân cho Formosa và các công ty khác ở khu kinh tế (KKT), lương từ 10 triệu trở lên. Một số có tiền đền bù nên đầu tư mở cửa hàng buôn bán, dịch vụ. Ai cũng khấm khá hẳn lên” - ông Mạnh nói.
Cùng với quá trình di dời, tái định cư, hạ tầng ở KKT được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Cũng từ dây, các loại hình dịch vụ như khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, karaoke, massage, cắt tóc, gội đầu, cà phê... mọc lên. Vùng quê nghèo nàn, lạc hậu đã lùi vào dĩ vãng.
Cú “trượt” khó quên
KKT sầm uất hôm nay bước ra từ một vùng đất cằn cỗi, đá sỏi nhiều hơn đất. Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố, KKT này mới có sự trỗi dậy như ngày hôm nay.
Nhớ lại những ngày đầu “khai sinh” KKT Vũng Áng, ông Đặng Văn Thành - Bí thư Thị ủy thị xã Kỳ Anh cho biết, năm 1997, tỉnh Hà Tĩnh quyết định thành lập Ban chuẩn bị dự án khu công nghiệp (KCN) cảng biển Vũng Áng. Sau đó, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ Quyết ra định thành lập KKT Vũng Áng (Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg) với tổng diện tích 22.781 ha, bao gồm 9 xã, phường nằm ở phía Nam thị xã Kỳ Anh.
KKT này có địa thế nổi trội hơn hẳn so với các KKT khác. Lưng tựa vào núi, mặt hướng ra biển Đông, nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây rất thuận lợi cho sự giao thương. Từ KKT Vũng Áng, theo QL1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam có thể kết nối với mọi vùng trong cả nước. Ngoài ra, theo QL8A và QL12 kết nối với đường Hồ Chí Minh là tuyến đường bộ ngắn nhất từ cảng biển Việt Nam đến Lào và các tỉnh Đông Bắc - Thái Lan.
Bên cạnh đó, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương có lợi thế độ sâu tự nhiên lớn, hàng năm độ sa bồi ít nên có thể tiếp nhận được các tàu có trọng tải lớn đến 350.000 DWT, gồm bến cảng tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng... Cụm cảng này còn có luồng hàng hải ngắn (cách phao số 0 khoảng 1,7 hải lý), thuận lợi để kết nối với các tuyến giao thông hàng hải quốc tế đến các nước Nam Á, Bắc Mỹ và Châu Âu.
“Để có một KKT rộng lớn, phát triển như ngày hôm nay, trước hết phải kể đến công lao, sự hy sinh của người dân thị xã Kỳ Anh và chúng ta phải ghi nhận điều đó. Mặc dù được bồi thường, tái định cư nhưng việc dời bỏ nhà cửa đã định cư bao nhiêu năm để đến nơi khác sinh sống không phải là việc dễ dàng” - ông Thành nói.
Trong quá trình hình thành và phát triển của KKT Vũng Áng, giai đoạn 2016-2017 được xem là “nốt trầm” và để lại nhiều bài học kinh nghiệm xương máu. Sự cố môi trường biển xảy ra, Formosa tạm dừng hoạt động, hàng chục dự án “chết yểu”, đời sống người dân và các dịch vụ “ăn theo” cũng ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, sau cú “trượt ngã” đó, Formosa cũng như chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh đã nỗ lực khắc phục sự cố, vượt qua những đợt “sóng” suy thoái. Giờ đây, Formosa trở thành “đầu kéo” phát triển ở KKT Vũng Áng. Chính sách thu hút đầu tư cải thiện tích cực, KKT Vũng Áng bắt đầu trỗi dậy.
Khởi sắc
Hiện KKT Vũng Áng đã thu hút 151 dự án đầu tư, gồm 94 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 59.802 tỷ đồng, 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 13,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động.
Ngay đầu nhiệm kỳ 2021-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển KKT Vũng Áng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát mà nghị quyết đề ra là: Xây dựng KKT Vũng Áng với các trụ cột là công nghiệp luyện kim, năng lượng, chế biến, chế tạo; trung tâm logistics và dịch vụ cảng biển; phát triển thương mại, dịch vụ, tạo nền tảng vững chắc…Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh sẽ là “đòn bẩy” đưa KKT Vũng Áng phát triển lên tầm cao mới.
“Hà Tĩnh cùng với Nghệ An và Thanh Hóa phải trở thành cực tăng trưởng mới của cả nước, đẩy mạnh hơn nữa các nền tảng phát triển theo mô hình “cỗ xe tam mã”: Sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu. Đặc biệt Hà Tĩnh phải đi đầu trong chuyển đổi số, tăng cường áp dụng công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao năng suất lao động. Trong thu hút đầu tư, cần đề cao tính chọn lọc để có những dự án tốt, hiệu quả; trong đó phải chú trọng đến phát triển nội lực, các doanh nghiệp nội địa” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.