Ngày 3/11, thông tin từ Bảo tàng Hà Tĩnh cho hay, trong quá trình đào đất để trồng cây, người dân địa phương tình cờ phát hiện một nhóm hiện vật cổ có niên đại từ thế kỷ 14-15.
Bộ đĩa cổ này có niên đại thời Trần-Lê ở thế kỷ 14-15.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hải (ngụ tại xóm Cứu Quốc, xã Thuần Thiện, Can Lộc, Hà Tĩnh) trong quá trình đào đất trồng cây trên khuôn viên ngôi chùa cổ có tên An Lạc Tự, tình cờ phát hiện nhóm hiện vật cổ quý hiếm.
Nhóm hiện vật trên bao gồm 6 chiếc đĩa, có kích thước to, nhỏ khác nhau, đĩa lớn nhất có kích thước đường kính miệng 16cm, đáy 5cm, phủ lớp men hoa nâu (men chảy) đặc trưng thời Trần (thế kỷ 13-14), với các hoạ tiết hình tròn đồng tâm cách điệu, xương gốm màu trắng ngà, với hoạ tiết hoa văn hình người cách điệu.
Ngoài ra còn có chiếc đĩa cổ thời Lê (thế kỷ 15), được phủ men trắng ngà, hoa văn xanh lam với đường tròn đồng tâm khép kín…
Được biết, ngôi chùa cổ này đã bị phế tích, nằm dưới chân dãy núi Hồng Lĩnh về phía Đông Nam, cạnh chùa là mộ của Đại tướng quân Hà Mại với căn cứ kháng chiến thời Hậu Trần chống quân Minh xâm lược.
Cận cảnh bộ đĩa cổ.
Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh thông tin, sẽ tổ chức thám sát địa điểm được cho là căn cứ kháng chiến chống quân Minh xâm lược ở vào cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15 thời hậu Trần… nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu khảo cổ và các vấn đề về lịch sử của vương triều Trần-Lê đối với lịch sử quốc gia Đại Việt trong tiến trình phát triển lịch sử dân tộc.