Tin đạo diễn Hồ Quang Minh qua đời loang đi rất muộn. Một phần là bởi những ngày tháng này, bão lũ ập xuống miền Trung khiến dư luận quan tâm, đổ dồn; nhưng một phần khác, quan trọng hơn, nó đến từ chủ ý của ông vào những ngày tháng cuối đời. Khi biết mình không chiến thắng được bệnh tật, đạo diễn đã dặn người thân khi ông qua đời, không làm cáo phó và hãy rải tro cốt tan vào lòng đất Mẹ…
1. Đồng hành với đạo diễn Hồ Quang Minh trong nhiều bộ phim nổi tiếng, nhà quay phim Trần Hùng kể rằng, cách đây khoảng ba tuần, một chiều muộn, ông bất ngờ nhận được điện thoại của đạo diễn Hồ Quang Minh. Không còn thấy cái giọng hồ hởi, khỏe khoắn như mọi bận. Chỉ thấy đầu dây bên kia là giọng nói hụt hơi rất yếu. “Anh nói rất khó thở và yếu lắm. Không biết thế nào? Anh bảo là có thể phải dời cõi vì không còn đủ sức. Anh muốn báo cho Hùng là người duy nhất, để Hùng không bị bất ngờ. Anh cũng không muốn Hùng nói với ai. Cứ như anh đi xa thôi Hùng nhé”- Trần Hùng chia sẻ.
Lâu nay tên tuổi của đạo diễn Hồ Quang Minh ít được nhắc tới. Giữa ồn ào của showbiz, giữa sự lên ngôi của phim thị trường, phim theo mùa vụ và sự tung hô có phần hơi lố về những gương mặt đạo diễn trẻ ăn khách, thì cái tên Hồ Quang Minh có phần lặng lẽ. Song với người làm nghề điện ảnh chân chính, Hồ Quang Minh là một nhân cách đáng trọng, một tên tuổi đạo diễn để lại dấu ấn sắc nét. Những bộ phim do Hồ Quang Minh đạo diễn, như “Phường tôi” (tên tiếng Pháp “Mon Quartier”), phim tài liệu 28 phút, video, 1982; “Con thú tật nguyền” (tựa đề tiếng Anh và Pháp “Karma”), phim nhựa 35mm, 1985; “Trang giấy trắng” (tựa tiếng Pháp “Page Blanche”), phim nhựa 35 mm, 1991; “Bụi hồng” (tựa nước ngoài từ tiếng Phạn “Gate Gate Paragate”), phim nhựa 35 mm, 1996; và đặc biệt là “Thời xa vắng” (tựa tiếng Anh “A Time Far Past”, tựa tiếng Pháp “Le Temps Révolu”), 2003 đã định vị một cái tên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.
“Những tác phẩm của anh từ phim truyện đầu tay “Con thú tật nguyền” cho đến “Bụi hồng”, “Trang giấy trắng”, “Thời xa vắng” đều thể hiện trình độ tay nghề cao, đặc biệt sử dụng ngôn ngữ điện ảnh rất chắc tay”- đạo diễn Đào Bá Sơn nhận xét.
2. Có thể nói, các đạo diễn Việt kiều như Trần Anh Hùng (“Xích lô”, “Mùa hè chiều thẳng đứng”), Hồ Quang Minh (“Thời xa vắng”), Đoàn Minh Phượng (“Hạt mưa rơi bao lâu”), Nguyễn Võ Nghiêm Minh (“Mùa len trâu”), Lưu Huỳnh (“Áo lụa Hà Đông”, “Huyền thoại bất tử”)… đã mang tới cho điện ảnh Việt Nam những tác phẩm ấn tượng, và giúp điện ảnh Việt đến với nhiều liên hoan phim (LHP) quốc tế.
Với riêng đạo diễn Hồ Quang Minh, khi bộ phim “Thời xa vắng” dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Lựu ra mắt đã gây tiếng vang lớn, và tham gia nhiều LHP. Phim đã được vinh danh tại LHP Thượng Hải, LHP Munich, LHP châu Á (năm 2005). Và Hồ Phương Dung - nữ diễn viên vào vai cô Tuyết của phim cũng từng nhận giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Singapore.
Tôi biết, nhờ vào phim “Thời xa vắng”, một “câu chuyện Việt Nam” đã khiến nhiều khán giả quốc tế ám ảnh. Có được kết quả đó, ngoài một tình yêu với tác phẩm văn học, còn là công sức của đạo diễn và êkip làm phim không quản khó quản khổ, từ kịch bản, quay phim, diễn viên cho tới lùng sục khắp các làng quê để chọn ra những bối cảnh như ý. Cả khi không tìm được bối cảnh tốt, thì lại miệt mài tạo dựng.
Tôi nhớ, đạo diễn Hồ Quang Minh có lần tâm sự rằng: “Dù lớn lên ở nước ngoài, tôi vẫn là người gắn bó với văn hóa, cuộc sống ở Việt Nam, và rất tôn trọng những gì thuộc về lịch sử, dù là những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Đừng nghĩ rằng những cẩu thả về chi tiết không thể phá hỏng một bộ phim. Không khí của phim rất quan trọng, không chỉ là hơi thở cuộc sống nông thôn hay sự chân thực ở thời điểm lịch sử, mà là tổng thể của phim nói chung. Tôi muốn có một bối cảnh chân thực hết mức”.
Và ông cũng đã nói rõ căn nguyên làm bộ phim đáng nhớ ấy. Đó là vào năm 1988, khi đang ở Thụy Sĩ, được tin nhà văn Lê Lựu ra mắt cuốn tiểu thuyết “Thời xa vắng”, ông đọc và “phải lòng” ngay. “Tôi lập tức liên lạc với tác giả “xí phần”, để khi về nước chuyển thể thành phim. Tôi tự chuyển thể kịch bản từ tác phẩm văn học của nhà văn Lê Lựu, nên nhất định phim sẽ có những biến đổi theo cách của tôi. Ban đầu, tôi gặp vấn đề về kinh phí, đến năm 1996, tài chính ổn định thì tôi mới có kịch bản “Thời xa vắng” trong tay…”.
Có kịch bản rồi, nhưng phải qua hàng chục lần chỉnh đi sửa lại, trong đó còn lấy thêm cả chất liệu trong truyện ngắn “Bến sông” của nhà văn Lê Lựu, cuối cùng kịch bản phim “Thời xa vắng” mới xong. Và phải tới năm 2003, bộ phim “Thời xa vắng” mới được bấm máy…
Quan tâm số phận con người sống trong xã hội, phim của Hồ Quang Minh khiến người ta ám ảnh về những thân phận. Không chỉ ở “Thời xa vắng” mà cả ở “Bụi hồng”- phim được giải Bông sen bạc (không có Bông sen vàng) năm 1996, thậm chí cả “Trang giấy trắng”…
3. Đạo diễn Hồ Quang Minh sinh ngày 15/4/1949 tại Hà Nội. Thời trẻ, Hồ Quang Minh du học tại Liên Xô (cũ). Với tình yêu điện ảnh mãnh liệt, thời kỳ đầu mới chập chững vào nghề, Hồ Quang Minh đã sang Pháp làm trợ lý cho bộ phim “Poussière d’Empire” (“Đế chế tàn vụn”) của đạo diễn Lê Lâm. Sau đó, ông tiếp tục sang Thụy Sĩ học và nhập quốc tịch tại đây.
Sau hơn nửa thế kỷ sống ở Thụy Sĩ, đầu năm 2020, thấy sức khỏe không còn tốt, ông quyết định cùng vợ là diễn viên Hồ Phương Dung - “cô Tuyết” của phim “Thời xa vắng” trở về Việt Nam sinh sống.
Hơn nửa năm sống trên quê hương, lặng lẽ chống lại bệnh hiểm nghèo, đạo diễn Hồ Quang Minh đã qua đời ở tuổi 71. Ông đã ra đi thanh thản trong vòng tay của người thân. Và tâm nguyện sau cuối của ông khi nằm xuống: không muốn cúng bái, lễ lạt, phát tang, thậm chí cũng không muốn làm cáo phó. Ông muốn lặng lẽ ra đi, tro cốt mình được rải xuống biển khơi, để tan hòa vào lòng đất Mẹ.
Có lẽ vì thế, ông ra đi hôm 16/10 nhưng phải mấy ngày sau, nhiều đồng nghiệp mới biết, khi đó tin tức ông mất mới được lan đi trong giới truyền thông. Em gái của đạo diễn lý giải: “Anh quyết định như vậy từ lâu rồi vì anh không thích hình thức. Trước đây, anh lên núi sống ẩn dật. Khi bệnh, anh giấu mọi người để được yên và không làm ai bận lòng. Nguyện vọng của anh là được rải tro ngoài biển khơi…”.
Trước sự ra đi của đạo diễn Hồ Quang Minh, đạo diễn Việt Linh ngậm ngùi: “Biết anh trọng bệnh từ lâu, tôi vẫn không tránh được bàng hoàng khi nghe anh mất. Thân quen, gặp gỡ nhiều lần, dù ở các liên hoan phim quốc tế rình rang hay ở những cuộc giao lưu nhỏ; người đạo diễn tài hoa, khả kính này vẫn để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc, hiểu biết và nhiệt huyết”.