Đạo diễn Hoàng Ngọc Sơn phụ trách sản xuất những chương trình truyền hình tên tuổi như “Tinh hoa Nghề Việt”, “Khám phá Việt Nam”, “Chuyện đêm muộn”…
Đạo diễn Hoàng Ngọc Sơn.
Anh chia sẻ:
“Từ khi bắt đầu cảm nhận được vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống và cho đến khi bắt đầu tích lũy được một số vốn liếng nhất định về thẩm mỹ, tôi luôn muốn cống hiến và thể hiện thị hiếu về cái đẹp của tôi trong công việc. Ngoài công việc sáng tạo cá nhân thì trong những chương trình truyền hình đã và đang làm, tôi đặc biệt hứng thú với talkshow “Chuyện đêm muộn” - là nơi tôi gửi gắm và thu lượm được rất nhiều điều mà tôi chưa từng được biết tới. Mỗi khách mời, mỗi câu chuyện đều là một màu sắc, một vẻ đẹp tiềm ẩn đánh thức tư duy sáng tạo của tôi. Họ đem đến cho tôi những góc nhìn đa chiều, đôi khi sự lạc quan xen lẫn phiền muộn, nhưng điều đó không quan trọng, tôi sẵn sàng đón nhận hết, bới nó bồi đắp thêm cho tôi và cả những cộng sự khác kinh nghiệm sống và sự nghiêm túc trong công việc. Qua đó, phản ánh sự cộng hưởng và mối quan hệ qua lại mang thiên hướng tích cực giữa nhà sản xuất và khách mời. Tôi thầm cảm ơn công việc của mình, những người tiền nghiệm, những cộng sự đã và đang giúp đỡ tôi trên con đường đã chọn”.
Trước khi làm một việc gì đó, Sơn luôn hướng tới đầu tiên là sự tử tế cùng những điều tốt đẹp. “Đôi khi cũng phải đánh đổi nhiều để nhận được những điều đẹp đẽ ấy. Trong guồng quay của công việc, không hẳn là bạn nhận được hiệu quả tức thì, đó là cả một quá trình bền bỉ, sàng lọc những điều tốt đẹp. Trong chương trình tôi chủ nhiệm, tôi thường ưu tiên chọn lựa những khách mời có lối sống tích cực, ảnh hưởng tốt tới cộng đồng và đôi khi phải hàm chứa cả tính mô phạm. Có thể tiêu chí đó khá khắt khe và gây khó khăn cho tôi, nhưng đổi lại tự khắc tôi sẽ kiểm điểm và trăn trở để sàng lọc ra những thứ tốt đẹp nhất với mình”.
Câu tục ngữ “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” làm Sơn thấy tâm đắc. Anh nhận thấy rằng, bản thân thật may mắn khi đã chọn đúng nghề, và nhiều duyên lành tới, giúp anh học hỏi, tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Mỗi nơi Sơn qua, mỗi người anh gặp đều đem đến cho anh những giá trị nhất định:
“Tôi đã từng khóc thật ngon lành qua lời tự sự chân thành của khách mời, hay tự vấn lương tâm khi đã hiểu lầm người mà mình đang đối thoại… bởi vậy, sự tử tế đến từ những điều bất ngờ nhất, nhỏ nhặt nhất mà bất giác bạn hay tôi sẽ tự nhận ra trong quá trình làm việc. Như đã nói, đó là mối quan hệ cộng sinh, người ta cho tôi sự tử tế, đem đến cho tôi những món quà tinh thần, tạo cho tôi nguồn cảm hứng sáng tạo, và tôi cũng sẽ truyền sự tử tế đó cho nhiều người khác. Tôi là người cảm tính, đôi khi cảm xúc tiêu cực hay lấn át lý trí khiến tôi nhất thời đánh mất đi sự tử tế của bản thân, vì vậy, mỗi khi gặp được một ai đó truyền năng lượng tích cực cho tôi, tôi sẽ nhận làm một việc nào đó chỉ vì “thích”, chỉ vì cảm kích, và sau mỗi lần như vậy tôi coi đó là chất xúc tác để biến cái tôi cá nhân hòa nhập với thị hiếu công chúng một cách tử tế và an toàn nhất”.
Sự tử tế có lúc nào đó ít đi, thì theo Sơn, nên được hiểu một cách nhẹ nhàng rằng nó chỉ tạm cất đi trong góc lương tri nào đó của con người:
“Mỗi cá nhân khác nhau, sẽ có những hoàn cảnh sống, yếu tố ngoại quan tác động khiến họ buộc lòng phải giấu diếm, che đậy sự tử tế, thậm chí sẽ có những trường hợp quên hẳn đi khái niệm “thế nào là sự tử tế”. Một số khác sẽ thể hiện sự chân thành một cách thầm kín và tinh tế… Vì thế, đừng nên cố gắng tìm kiếm sự tử tế hoặc đặt quá nhiều kỳ vọng về một xã hội hoàn toàn tử tế, mọi sự xảy ra chỉ là tương đối… Mỗi ngày trôi qua, mỗi phút giây chúng ta đang sống, hãy làm mọi điều để tạo ra sự tử tế một cách chân thành nhất, không giấu diếm, không lảng tránh trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng. Như vậy là bạn đã góp phần lan tỏa sự tử tế từ số ít thành số nhiều rồi”.
Với Sơn, anh không đánh giá cao những ai nghi ngờ lòng tốt của người khác: “Vốn dĩ trong mỗi chúng ta, luôn có sự đa nghi bất chấp mọi hoàn cảnh, chỉ là việc chúng ta vận hành sự đa nghi đó thế nào, tiết chế nó ra làm sao để biến nó thành nguồn năng lượng tích cực mà thôi. Cũng như những trả lời ở trên, sự nghi ngờ sinh ra khi trong xã hội nói chung vẫn tồn tại đầy rẫy những điều tiêu cực. Trong nghệ thuật nói riêng, tôi thấy việc thể hiện lòng tốt không đúng chỗ đôi khi lại có những hệ lụy nhất định, ví dụ việc tư vấn chiến lược hay cách thức làm việc mà vô tình không diễn ra như mong đợi sẽ bị đánh đồng là xúi dại, là chơi đểu, ranh giới giữa lòng tốt và sự ban ơn thật quá mong manh, mấy ai đủ tự tin mà vỗ ngực rằng “tôi là người tốt”, cái đó hãy để dư luận tự đánh giá và cảm nhận… vậy nên cách thể hiện lòng tốt cũng còn tùy thuộc từng hoàn cảnh và mục đích công việc”.
Trong mỗi việc làm của mình, Sơn ủng hộ việc lan tỏa sự tử tế. Trong gần 10 năm làm nghề, bản thân anh cũng không ít lần trải qua những thị phi, sóng gió, vấp ngã… nên Sơn hiểu giá trị mà sự tử tế, lòng tốt, sự chân thành đem lại.
“Mỗi chúng ta, nên tự tạo ra những giá trị sống tốt đẹp, một môi trường làm việc lành mạnh, văn minh, truyền đi những thông điệp tích cực thông qua công việc mình đang làm, xây dựng những mối quan hệ bền vững…và hãy cứ cho đi thật nhiều bằng tấm chân tình, như vậy chúng ta sẽ tự khắc nhận lại được thậm chí chiều hơn những gì đã mất. Thay lời kết, có một đoạn tâm sự này từ một nhà báo mà tôi rất tâm đắc “Những gì tích cực chúng ta mong muốn cho kiếp làm người này từ phúc đức mà ra. Nói dối hay chấp nhận sự nói dối từ người khác đều là biểu hiện của sự suy hỏng và trở thành hạt giống độc. Chỉ khi con người biết giữ sự trung thực, thì cũng là lúc họ biết cách làm những điều tốt đẹp cho bản thân mình".