Đạo diễn Nga, Vladimir Menshov: Những bất cập khi nước Nga thay đổi chế độ

Nguyễn Trung Tín (lược thuật) 30/08/2018 11:00

Vladimir Menshov sinh năm 1939 tại Bacu (thủ đô nước cộng hòa Azerbaijan), Ông từng tốt nghiệp xưởng đào tạo diễn viên của Nhà hát Hàn lâm Moskva (MKHAT) năm 1965 rồi vào học tại trường đại học điện ảnh quốc gia toàn liên bang (VGIK), lớp do Mikhail Romm chủ nhiệm. Menshov từng đạo diễn nhiều phim, trong đó có “Trò lỡm” (1977),  “Moskva không tin vào nước mắt” (1980), “Tình yêu và bồ câu”(1984),  “Shirli – Myrli” (1995), “Sự đố kị của thần linh” (2000)… Ông cũng là một gương mặt diễn viên quen t

Trong bài trả lời phỏng vấn với nhà báo Oleg Pukhnavtsev, ông đã tâm sự rất thẳng thắn về không chỉ điện ảnh mà cả về những thay đổi chính trị xã hội đã diễn ra tại nước Nga trong những thập niên gần đây.

Đạo diễn Nga, Vladimir Menshov: Những bất cập khi nước Nga thay đổi chế độ

Vladimir Menshov.

PV: Những yếu tố nào của đời sống xã hội hiện đại có thể khiến ông mất thăng bằng?

Vladimir Menshov: Những thời điểm làm khó chịu nhất liên quan tới việc người ta diễn tả lịch sử đất nước chúng ta trong thế kỷ XX. Chuyện này có thể dần dà quen được, nhưng tôi lại không thể nào làm nổi như thế. Tôi không thể nào chấp nhận cái nhìn thắng thế chính thức về lịch sử Liên Xô mà người ta đang cố tâm nhồi nhét vào đầu thế hệ trẻ. Việc tiếp xúc với những người được nhào nặn bởi các cuốn sách giáo khoa và truyền hình hiện đại rất dễ khiến kinh hoàng. Thế hệ mới trong các lập luận của mình thường tựa lưng vào thái độ bài Xôviết chính thức. Không biết thêm cái nhìn gì khác về quá khứ và dĩ nhiên là không thể xây dựng được cái nhìn riêng của mình.

Nếu trong phim ảnh hay trên truyền hình người ta phát cái gì đó về Liên bang Xôviết thì gần như trăm phần trăm đó là sự giả mạo lịch sử. Người ta muốn chúng ta tin rằng cuộc sống ở Liên Xô trước đây rất u ám, người ta đang cố gắng nhồi nhét ý nghĩ như thế vào từng tế bào của nhận thức xã hội.

Tại phương Tây từ lâu rồi đã hình thành một khuôn sáo tư duy trong quan hệ đối với nước Nga, khuôn sáo đó được nhào nặn một cách có ý thức và rất khôn khéo. Những trí tuệ cao siêu của họ còn có thể sử dụng các lập luận trái ngược, nhưng người bình dân Tây phương thì bị giam cầm hoàn toàn trong quyền lực của huyền thoại bài Xô viết.

Thí dụ như mới đây tôi đã xem bộ phim của BBC “Ai giết Stalin?”. Trình độ của các chuyên gia Xôviết học, thái độ quả quyết của các đánh giá, sự thô giản của các khuôn sáo thoạt tiên gây nên hiệu ứng tức cười. Nhưng rồi theo dòng sự kiện, khi các diễn viên người Nga thủ những vai thuộc “đội hình thân cận” – những nhà chính trị Xôviết cao cấp, bắt đầu liên tục rượu chè be bét, ngã sấp cả mặt, bê tha bệ rạc, còn nhân vật Stalin say rượu mỉm cười nhìn cảnh tượng nhếch nhác này với thái độ kẻ cả thì bộ phim đã trở thành sự xúc phạm đối với đất nước chúng ta. Nhưng thực ra thì tôi cũng nhìn thấy cảnh tượng như thế, được biến tấu chút ít, trong chính những bộ phim Nga hiện đại.

Cách đây không lâu người ta đã giới thiệu cho chúng ta xem bộ phim Pháp “Buổi biểu diễn âm nhạc” với một sự kiêu hãnh nhất định. Về phía chúng ta thì có sự tham gia của những diễn viên giỏi, và trước khi bộ phim được công chiếu, những người này đã kể về quá trình làm nên một bộ phim hài ấm áp như thế… Trời ơi là trời, quý vị hãy thử nhìn tất cả cảnh tượng đó bằng con mắt của một người Pháp bình thường tới rạp xem sao? Họ sẽ ra về với những kết luận thế nào? Hóa ra là ở thời của Brezhnev, vào đầu những năm 80, một nhạc trưởng của Nhà hát Bolshoi lại bị hại vì đã từ chối sa thải tất cả những người Do Thái khỏi dàn giao hưởng. Rồi chính ông ấy cũng bị đuổi khỏi công việc, còn những người Do Thái thì phải chết dần chết mòn trong những trại tập trung ở Siberi… Chỉ riêng có một cô bé được những người Pháp cao quý đưa sang phương Tây trong cái hộp kèn contrabas… Vậy mà các đồng nghiệp của tôi lại có thể đồng ý sắm vai trong một bộ phim như thế mà không ai cảm thấy xấu hổ cả.

Ngay cả nếu như cơn ác mộng ấy từng có thật thì chẳng lẽ cũng đáng để tham gia một bộ phim như thế ư? Có lẽ cũng đã đến lúc chúng ta phải học ở những người châu Âu mà chúng ta luôn bị đề nghị phải coi như là khuôn mẫu của lòng tự tôn và danh dự? Thí dụ như người Đức, bạn rất khó lôi họ vào cuộc nói chuyện chiến tranh, ở nước họ hầu như nhà nào cũng có một người từng cầm súng ở chiến trường phía đông. Hay bạn thử đề cập tới cách hành xử nhục nhã của người Pháp trong chiến tranh thế giới thứ hai. Theo những gì tôi biết, ở Pháp cũng từng có một số đạo diễn định làm phim về chuyện hợp tác với lực lượng phát xít Đức, nhưng đã bị tẩy chay tàn nhẫn.

Ở Pháp người ta chỉ thích nói về phong trào Kháng chiến mà ngay chính tướng De Gaulle cũng buộc phải công nhận rằng đó chỉ là một huyền thoại tuyên truyền được tạo dựng thành công. Ít ra thì người Đức đã vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy trong buổi ký đầu hàng những đại diện Pháp ở vai trò người chiến thắng… Cứ thử mà đi nói chuyện với người Anh về việc họ đã cố tình bài bây không chịu mở Mặt trận thứ hai để chờ tới lúc quân ta với quân Đức giã nhau cho kiệt sức. Hay cứ thử nói chuyện với người Rumani hay Hungari, những người từng cầm súng ủng hộ quân phát xít, nói chuyện với người Czech từng làm ra hai trong số ba cái xe tăng của quân đội Đức… Tất cả họ đều rất khôn khéo lờ đi những trang đáng xấu hổ trong lịch sử nước mình và không cho phép ai đề cập tới các chủ đề này.

Thói tự xỉ vả mình luôn nằm trong bộ gien Nga và nó đặc biệt hoành hành từ khi công cuộc perestroika bắt đầu. Từ đó bất cứ một mưu đồ nào nhằm bóc mẽ những trang lịch sử hào hùng của chúng ta đều được coi như là một sự đóng góp vào cuộc đấu tranh chống lại chế độ cộng sản “đáng ghét”. Tinh thần đó đã đầu độc dần dà đời sống xã hội của chúng ta, trở thành chuyện thường ngày. Rồi đây sẽ rất khó khăn xóa bỏ tận gốc cái chủ nghĩa bài Xôviết toàn tòng mà hơn hai mươi nhăm năm qua đã bắt rẽ sâu chắc nhưng hiển nhiên là chúng ta sẽ phải làm việc này. Chúng ta không thể tiếp tục tồn tại trong tình cảnh bất công lịch sử dày đặc đó nữa.

Nhìn từ quan hệ này, rất điển hình là chương trình “Tòa án của thời gian”. Rốt cuộc thì trong không gian công cộng cũng có thể nghe được một quan điểm trái ngược với quan điểm bài Xôviết. Chống lại quan điểm cho rằng sau năm 1917 trong lịch sử Nga đã không có cái gì tốt đẹp diễn ra, rốt cuộc đã được đối trọng bằng những phản biện mạnh mẽ, cẩn trọng. Và tất nhiên, rất đáng kinh ngạc với kết quả bầu chọn của khán giả.

Bất chấp làn sóng bài Xôviết trên các phương tiện thông tin đại chúng, tỉ lệ vẫn là 90% (ủng hộ) trước 10% (chống lại). Theo ông, thì lý do nào dẫn tới kết quả đó?

- Tôi không thể lý giải được. Tôi biết rằng những kết quả như thế đã tạo ra ấn tượng kinh hoàng đối với giới trí thức theo chủ nghĩa tự do. Thông thường thì có thể làm giả kết quả thăm dò, đưa ra những tỉ lệ trung dung, thí dụ như 48% trước 52% (như đã diễn ra ở trường quay các cuộc tranh luận đó). Nhưng khi thống kê tỉ lệ ủng hộ của khán giả khắp cả nước thì kết quả hoàn toàn không trùng với kết quả trong trường quay. Có thể vì ban tổ chức đã không kịp nắm bắt tình hình thực tế, hoặc giả chủ dự án này đã duy trì được tính nguyên tắc.

Kết quá đáng được kinh ngạc còn vì nó hoàn toàn không thích ứng với kết quả của bất cứ cuộc bỏ phiếu nào ở đất nước chúng ta. Tôi không tin là trong các cuộc bỏ phiếu lại có tình trạng gian lận rộng khắp. Như vậy có nghĩa là có những lý do đã dẫn tới việc cuộc bỏ phiếu trên truyền hình đã bộc lộ xu hướng rõ rệt ủng hộ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, mà trong các cuộc bỏ phiếu hiện thực, điều này lại không xảy đến.

Nói chung, tôi nghĩ rằng, hiện giờ cần phải tiến hành những công trình nghiên cứu xã hội sâu sắc, dồn vào đấy nhiều tiền để xác định xem xã hội chúng ta đang ở trong trạng thái nào. Cần phải hiểu rõ xem nhân dân đang muốn gì, đang ưu chuộng những gì và đang không hài lòng vì những gì… Bởi lẽ từ thời Gorbachev tới giờ, chúng ta đã học được nhiều bài học và đã mở mắt ra nhìn nhiều thứ khác trước.

Những bộ phim của ông được gọi là “phim có tính nhân dân” và ông được gọi là “đạo diễn có tính nhân dân”. Có thể vì ông đã biết được về nhân dân điều gì đó mà những người còn lại không biết?

- Đối với tôi đó là một chủ đề rất quan trọng. Tôi nhớ, ngay từ trẻ tôi đã rất ấn tượng bởi ý nghĩ này và tôi đã từng chép lại: “Đám đông, đó không phải là nhân dân. Puskin một mình vẫn chính là nhân dân”. Thực hay phải không? Và giờ tôi vẫn nghĩ: dù thế nào thì đám đông vẫn không thể nào bộc lộ nổi căn cốt của nhân dân? Còn Puskin sở dĩ là thiên tài vì một mình ông ấy có thể thể hiện tinh thần của nhân dân một cách sáng chói và mạnh mẽ hơn hết thảy. Dù ông ấy đã viết một cách bất công về khởi nghĩa Nga như một sự vô nghĩa và không khoan nhượng. Không khoan nhượng thì dĩ nhiên, nhưng vô nghĩa thì không phải… Tôi thấy gần gụi với tôi hơn nhiều là quan điểm của Blok, người nhìn thấy trong các cuộc khởi nghĩa, nổi loạn, các cuộc cách mạng sự thanh toán ân oán lịch sử, việc bất thình lình nắm thẳng lại cái lò xo đã bị nén vào trong nhiều thập niên, thậm chí nhiều thế kỷ.
Khi diễn giải về nhân dân, không thể tránh khỏi việc sa vào lĩnh vực của những ý niệm, những định luật mù mờ, mà ta không thể nào diễn giải một cách rành rẽ được. Dù sao thì cũng nhờ thế mà ta hiểu được về việc những gì diễn ra ở xung quanh được thanh lọc bởi quần chúng nhân dân như thế nào và cách các định kiến, các kiểu hình dung huyễn tưởng được phôi thai như thế nào. Dần dà mới hình thành các quan điểm và ngày một trở nên vững chắc – về một nhà cai trị nào đó, về một giai đoạn lịch sử hay một sự kiện cụ thể. Trên bề mặt của quá trình này có thể sôi động các cuộc tranh cãi, những dục vọng bốc cháy, nhưng song song với chúng, ở đâu đó sâu thẳm dần dà hình hành căn cốt – một quan điểm không thể lay động và không thể gì tác động vào được.
Quá trình này liên quan tới tất cả mọi sự, trong đó có cả nghệ thuật. Trong đời mình tôi đã từng chứng kiến bao nhiêu tác phẩm “mì ăn liền” mà khi vừa xuất hiện đã được tung hô như những gì bất tử. Đôi khi nhà kinh điển được chỉ định từ bên trên, nhưng thường là từ dưới vang lên những lời thì thầm: cái này cần phải xem tận mắt, trực tiếp nghe, trực tiếp đọc! Rồi thời gian trôi qua, và những thiên tài đó hóa ra lại chỉ đơn giản là những tài năng thường thường bậc trung, và rồi lại xuất hiện những uy tín mới. Đúng bài bản, khẽ khàng, Thời gian và Nhân dân thực hiện sứ mệnh của mình.

Kết quả của quá trình thanh lọc đó luôn khiến ông cảm thấy công bằng?

- Điều này thì nằm ngoài mọi đánh giá đạo đức và chủ quan, nó giống như các quy luật của thiên nhiên… Hồi trước tôi có được đọc trong hồi ức của vợ nhà thơ Robert Rozhdestvensky về chuyện suốt cả đời hai ông Evtushenko và Voznhesensky tranh đua với nhau, không phải đùa chơi mà là hết sức nghiêm túc, cố gắng chứng minh xem ai có quyền coi mình là nhà thơ Nga tuyệt vời nhất nửa cuối thế kỷ XX. Và tôi đã bàng hoàng với câu kết của bà ấy về chuyện này: “Rốt cuộc thì người đó lại là Vysotsky…”

Đối với những bộ phim của ông thì quá trình thanh lọc đã diễn ra. Ông có đồng ý với cái nhìn này không?

- “Tình yêu và chim câu” hiển nhiên đã trở thành một bộ phim mang tính nhân dân, nó được tất cả các nhóm xã hội đón nhận, nó liên kết cả những người cộng sản với những người theo chủ nghĩa tự do. Câu chuyện với phim “Moskva không tin vào nước mắt” còn thú vị hơn, bộ phim này trước đây tưởng chừng chỉ thuộc về thời đại của nó thôi. Trong phim có thực tế của thời đại đã qua mà lớp trẻ hiện nay không dễ hiểu nổi. Thế nhưng, bằng một cách kỳ lạ nào đó mà nó đã trở thành bức tranh chân thực không chỉ về đời sống Xôviết mà đơn giản là đời sống nhân dân Nga.

Mà bộ phim này được sinh ra chỉ đơn giản như người ta nói, từ những ngẫu hứng thoảng qua, chứ không hề là kết quả của một sự chuẩn bị nào đó nghiêm túc. Ở thời điểm đó tôi đã để tâm nhiều hơn tới dòng phim xã hội, chính trị. Ngay từ thời còn học ở VGIK tôi đã hoàn thành kịch bản phim truyện “Đòi hỏi phải chứng minh” với cái dòng ghi chú “Theo mô típ sách của Lênin “Bệnh ấu trĩ của cánh tả trong chủ nghĩa cộng sản”. Khi ông thầy Mikhail Ilich Romm đọc kịch bản đó, ông đã mời tôi về nhà, đóng cửa lại và nói: “Volodia, nếu cậu muốn chứng minh rằng cậu có năng lực và thậm chí là có tài thì cậu đã làm được việc đó. Nhưng để tránh những chuyện phiền toái lớn thì cậu đừng đưa kịch bản đó cho ai xem thêm nữa!” Việc này đã khiến tôi rất bối rối vì tôi không hề có ý định phản Xôviết nào trong đầu cả. Kịch bản có tính tranh luận, nhưng ngay cả cuốn “Bệnh ấu trĩ của cánh tả” cũng có tính tranh luận hết sức cao. Nó được viết ra nhân sự kiện Hòa ước Brest, trong sách tập hợp tất cả những lý lẽ ủng hộ và phản bác được đưa ra trong nội bộ đảng. Thực chất mà nói, toàn đảng và cả Ban Chấp hành Trung ương đều không chấp nhận ý tưởng Hòa ước Brest nhưng Lênin đã cương quyết ủng hộ… Tôi đã quan tâm tới mâu thuẫn đó, nhưng khi ấy hóa ra không thể nào dựng được một kịch bản như thế. Mức độ tranh luận tối đa chỉ ở tầm các kịch bản của Shatrov. Ở thời điểm đó những kịch bản này đã có vẻ như vô cùng dũng cảm, nhưng hôm nay thì chúng hóa ra lại là ngây thơ. Tuy vậy, ở cuối cùng những năm 60, vở “Những người Bolshevik” của Shatrov diễn ở nhà hát Sovremennik đã gây ra cho tôi một ấn tượng sân khấu cực kỳ mạnh mẽ - tầm cỡ đạo diễn kiệt xuất của Efremov, những vai diễn tuyệt vời của các nghệ sĩ…

Kịch bản “Moskva không tin vào nước mắt” so với ý tưởng mang tính toàn cầu này có vẻ như nông nổi, ít thú vị, móm mém. Nhưng nó đã buộc tôi nhớ lại tiểu sử của những người quen, những người thân, những giai đoạn làm công nhân của chính bản thân mình (sau khi hết phổ thông và trước khi thi đậu đại học, tôi đã làm việc trong nhà máy, ở hầm mỏ). Đã rất có ích là những cuốn vở mà tôi đã ghi chép vào đó từ dạo ấy một số từ ngữ, cách diễn đạt, những chuyện tiếu lâm hay. Thật may, đối với tôi giai cấp công nhân đã không phải là một cộng đồng thù địch, mông muội như một số đạo diễn đang thèm khát tỏ ra mình là trí thức muốn mô tả.

Theo phương án của điện ảnh hiện nay, giai cấp công nhân, đó là những người vô cùng thô kệch, uống rượu thùng bất tri thình, thiểu năng trí tuệ. Họ hình dung như thế đấy về những người đứng máy, luyện thép, gặt lúa bằng máy… Nhưng tôi đã rất yêu những người này, thấu hiểu họ, đánh giá cao thú tiếu lâm của họ… Hiện giờ đang làm mưa làm gió là những câu chuyện cười của cuộc thi KVN (thi hài hước dành cho giới sinh viên- NTT) và chúng ta đã quên mất thế nào là tiếu lâm Nga thực sự. Mà đó quả là một hiện tượng kỳ lạ. Nét đặc sắc của tiếu lâm Nga là sự tự diễu mình. Tính hài hước Nga chủ yếu là để tự diễu mình chứ không phải nhằm vào những người xung quanh.

Khi tôi làm phim “Moskva không tin vào nước mắt”, tôi không hề có một tham vọng lớn lao nào mà chỉ lo làm sao để không bị thẹn. Chẳng gì thì đó cũng là bộ phim “người lớn” đầu tiên của tôi sau phim “Trò lỡm”.

Thành công đối với khán giả vô cùng to lớn và đã là rất bất ngờ đối với tôi.

Đạo diễn Nga, Vladimir Menshov: Những bất cập khi nước Nga thay đổi chế độ - 1

Cảnh trong phim Moskva không tin vào nước mắt.

Chưa bao giờ lại phải xếp hàng đông như thế sau phim “Moskva không tin vào nước mắt”.

– Vượt gấp rưỡi gấp đôi số lượng người xem so với ngay cả những phim của Gaidai (đạo diễn phim hài nổi tiếng ở Liên Xô – NTT). Lý do trước tiên là vì có nhiều người xem đi xem lại. Một số khán giả viết cho tôi là họ đã từng xem phim tới một hai chục lần.

Giờ thì cũng hiểu ra được rằng có được như thế cũng là còn do yếu tố thời điểm và yếu tố thanh lọc hóa. Tôi thấy rõ là bộ phim đã được nhân dân lựa chọn. Mà cũng chả cần ai đề cao, cũng chả có các trí giả đưa đẩy hộ. Ngược lại, các nhà phê bình đã cố gắng thuyết phục người xem rằng những ai thích bộ phim đó thì đều là những người kém phát triển, không có thẩm mỹ…

Có thể nói thế thì không được khiêm tốn cho lắm nhưng chính với những bộ phim như “Tình yêu và chim câu”, “Moskva không tin vào nước mắt” mà tôi sẽ còn lại trong trí nhớ và “sẽ được nhân dân yếu mến lâu” (thơ Puskin)… Nhưng cũng phải thấy rõ điều nữa là, phim “Shirli – Myrli” và đặc biệt là “Sự đố kỵ của thần linh”, được thực hiện bởi bàn tay chuyên nghiệp hơn nhiều thì lại không được xếp vào quỹ điện ảnh nhân dân đó, không được thanh lọc. Dù rất tủi thân nhưng cũng bắt buộc phải nhận ra điều đó.

Về phim “Shirli – Myrli” thì có thể phải tranh luận…

- Phải, tôi cũng hy vọng rằng có thể như thế. Bộ phim này từng được làm với sự vượt trước nhất định và thời gian sẽ ủng hộ cho nó. Trong phim có sự hài hước sống động, truyền tải không khí của thời hỗn độn, những năm 90 điên loạn rồ dại, nhưng mặc dù thế vẫn không được đóng đinh vào nhận thức của nhân dân như một cái gì đó tối cần thiết, không thể tách rời được. Còn “Moskva không tin vào nước mắt” thì lại được khắc ghi vào. Các nhân vật của phim gần như trở thành người thân thuộc, họ được nhắc nhở, viện dẫn, họ can dự vào cuộc sống thực của con người và thậm chí còn là tấm gương để noi theo…

Ở thời điểm đó tôi không sao hiểu nổi thái độ thù nghịch dữ tợn đối với “Moskva không tin vào nước mắt” từ phía giới trí thức tinh hoa. Họ đơn giản đã không thể tìm ra lời để thể hiện mức độ khinh bỉ của mình đối với bộ phim và “đám ngu muội” đi xem phim. Đối với tôi thì bản chất của sự khinh bỉ đó tới sau này mới trở nên sáng tỏ. Nó hoàn toàn mang tính xã hội. Ngồi với nhau ở xó bếp, giới trí thức này đồng tâm nhận định rằng, ở đây, “ở đất nước này”, không thể nào sống nổi. Tôi cũng từng tích cực tham gia những cuộc trò chuyện như thế, nhưng tôi lại nghĩ về việc cần làm gì để cải thiện cuộc sống cho tốt hơn!

Giờ đọc hồi ức của những biện sĩ cho perestroika, những người có thể là được coi là đạo quân chiến thắng hiện nay, ta sẽ không thể không kinh ngạc: họ đơn thuần là thù hận tới sùi bọt mép đất nước này. Họ luôn miệng tuyên bố rằng họ không chấp nhận chế độ, nhưng qua những dòng họ viết có thể thấy rất rõ: họ không chấp nhận nước Nga, không chấp nhận một dân tộc đã bằng lòng với một chế độ xã hội mà họ coi là quái gở và một lãnh tụ mà họ cho là quái ác như Stalin. Tất nhiên, họ không thể nào hòa đồng với một bộ phim đã chứng minh được rằng, ở đây có thể thể sống, có thể lập nghiệp thành công, có thể đơn giản trở nên hạnh phúc.

Nếu có thể phân tích một tác phẩm nghệ thuật thuộc dạng mang tính nhân dân, nhìn sâu vào bên trong, thì nó từ đâu mà hình thành, và vận hành thế nào?

- Đó là một quá trình bí ẩn mà ta chỉ có thể lý giải về sau.

Nhưng những tiêu chí chung, những dấu hiệu dòng giống của “tính nhân dân” cần phải có chứ. Liệu có thể cho rằng, một trong những tiêu chí đó là: nghệ thuật mang tính nhân dân an ủi người ta và khêu gợi cảm hứng…

- Thế nhưng trong “Sông Đông êm đềm” thì những tiêu chí này hoàn toàn không có. Và thậm chí ngay cả trong “Chiến tranh và hòa bình”. Giờ có thể cảm thấy kỳ lạ, nhưng thoạt tiên, trong bộ tiểu thuyết này người ta không nhìn ra tính nhân dân bằng những sai lệch về lịch sử. Hình như, ngay cả Denis Davydov (1784-1839, vị tướng quân đội Nga Hoàng, anh hùng của cuộc chiến tranh vệ quốc 1812, nhà sử học, nhà lý luận quân sự, nhà thơ, nhà văn – NTT) cũng đã kịp nhận ra những sơ sảy: có một trung đoàn nào đó thực ra đã không dóng quân ở đó. Nhưng rồi thời gian đã làm lợi cho “Chiến tranh và hòa bình”.

Về cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã có không nhiều những tác phẩm mà ta có thể gọi là thực sự mang tính nhân dân. Ít ai có thể vào được tận thẳm sâu của hiện tượng, mô tả đúng được thế nào là một dân tộc – người chiến thắng. Tvardovsky đã làm được điều này. Tất nhiên, trường ca của ông, “Vasili Tiorkin” đã là đỉnh cao… Nhưng quý vị biết không, hiện nay tôi hay đọc thơ Simonov trong các chương trình biểu diễn, ông ấy có vẻ như không được đánh giá là nhà thơ lớn nhất, nhưng những bài thơ trữ tình thời chiến tranh của ông ấy thật tuyệt vời! Không chỉ riêng bài thơ kinh điển “Đợi anh về”. Chiến tranh đã đi qua số phận của ông ấy, hòa quyện với tình yêu, với những mối quan hệ cùng nữ nghệ sĩ Valentina Serova…

Những trúng tủ như thế có ở nhiều người, có lẽ trong cuộc đời mỗi một nhà thơ đều xảy ra những trùng hợp thiên tài với nhịp đập của cuộc sống. Gudzenko chẳng hạn, ông ấy có hai bài thơ thực sự là vĩ đại: “Không cần phải thương hại chúng tôi…” và “Khi lao vào cái chết, người ta hát…” Mỗi một nhà thơ thuộc thế hệ tham chiến đều có hai hoặc ba tuyệt tác…. Nhưng với văn xuôi chiến tranh thì phức tạp hơn…

Bù lại thì có rất nhiều bộ phim mang tính nhân dân về cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

- Có lẽ thiên tài nghệ thuật mang tính nhân dân luôn luôn dịch chuyển, hôm nay ở trong văn học, mai lại ở trong âm nhạc, rồi lại ở trong điện ảnh. Trước tiên cần phải nhớ tới phim “Bài ca người lính” và “Đàn sếu bay”. Của đáng tội, bộ phim của đạo diễn Kalatozov (“Đàn sếu bay”) theo cảm nhận của tôi hơi điệu đà, dù đã trở thành bước tiến vượt bậc nếu nhìn từ góc độ nghệ thuật thị giác. Cũng đã có một số bộ phim khác nữa thuộc thê đội hai, thí dụ như “Những người sống và những người chết”, bộ phim tuyệt vời của Ordynski “Ở ngưỡng cửa nhà anh”… Những đạo diễn trở về từ chiến trường vẫn nhớ mùi mồ hôi, máu và thuốc súng, họ đã không thể nói dối, và họ đã làm nên những bộ phim rất đích thực và mạnh mẽ.

Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã trở thành một kỳ tích phi thường của nhân dân Xôviết. Có cảm giác như chúng ta đã đến với kỳ tích này dưới sự dẫn dắt của lịch sử hàng nghìn năm của nước Nga, dẫn tới khoảnh khắc vĩ đại nhất trong cuộc đời chúng ta – Chiến thắng… Chiến thắng mà chúng ta đã không muốn, đã không thể tận dụng. Chỉ sau đâu đó bốn chục năm chúng ta đã phải nhận lấy một quốc gia tan rã. Đó là kết quả của Chiến thắng ư? Stalin đã không đào tạo cho mình sự kế thừa. Ông đã là vĩ nhân, không thể nghi ngờ gì nữa. Và những người đã thực hiện các mệnh lệnh của ông, chúng ta cũng đánh giá là những người tài năng, nhưng khi họ phải tự mình hành động thì…

Kết cục là hệ thống Xôviết cho tới giữa những năm 80 đã không còn sẵn sàng để đáp ứng những thách thức của thời đại. Cần phải thay đổi mô hình phát triển xã hội nhưng thật bất hạnh thay cho chúng ta là, dẫn đầu perestroika lại là những nhân vật không lớn, họ chỉ biết dồn mọi sự vào việc đưa nước Nga trở về với cái gọi là nền văn minh châu Âu. Họ đã không đi tìm con đường riêng của mình…

Điều tệ hại nhất trong câu chuyện này – sự bất công của những gì đang diễn ra. Phá hủy đất nước là những người đã làm nên sự nghiệp cá nhân bằng các luận án về việc tất yếu xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Từ một rối lẫn nào đó mà những người tình cờ đã trở thành cự phú. Và giờ họ định đoạt số phận của chúng ta và lại còn luôn miệng kể rằng ngày trước mọi sự đã được sắp đặt không đúng. Dù chính họ đã làm nên cho mình vốn liếng tiền tỉ từ những gì đã được xây dựng, sắp đặt dưới thời Xô viết!…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đạo diễn Nga, Vladimir Menshov: Những bất cập khi nước Nga thay đổi chế độ