Sau khi tham dự gần 40 liên hoan phim quốc tế với không ít giải thưởng uy tín, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp lần đầu tiên được tham dự liên hoan phim trong nước. Nữ đạo diễn trẻ tiêu biểu của điện ảnh độc lập Việt Nam, cũng là tác giả phim độc lập duy nhất - Đập cánh giữa không trung – có tên trong hạng mục phim tranh giải của LHP Việt Nam lần thứ 19, chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc với báo Đại đoàn kết, ngay sau khi trở về Hà Nội.
PV: Sau 5 ngày tham gia liên hoan phim, ấn tượng của chị là gì?
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Trước khi tham gia tôi không hào hứng lắm vì hàng năm thấy báo chí ca cẩm quá nhiều về LHP Cánh diều vàng và Bông sen vàng rồi… Đến khi tham gia thì tôi thực sự… choáng (cười). Vì nhiều thứ lắm: xe cộ đưa đón đầy đủ, chả kém gì liên hoan phim quốc tế, rạp chiếu phim trung tâm, khai mạc rất hoành tráng, hội thảo tập trung được nhiều tiếng nói chất lượng… còn khoản phim dự thi thì chất lượng đều hơn nhiều so với mọi khi.
À, thêm nữa, tôi thích kỳ liên hoan năm nay, phần vì nó là kì đầu tiên tôi tham gia chính thức (không chính thức cũng chưa bao giờ luôn). Phần nữa là vì tôi có thời gian chỉ để xem phim. Tôi vốn cũng chả mẫn cán gì, phim của anh chị em, cô chú đồng nghiệp tôi cũng theo dõi nhưng vẫn bỏ sót nhiều. Đợt này, thích, phim xem hết, mình có thẻ nên cũng đơn giản lắm, vào rạp là có chỗ thôi.
Chị với vẻ hồn nhiên ngây thơ của một cô bé, chứ không phải một đạo diễn ưa thích những bi kịch cuộc đời, khi nói rằng, “choáng” vì sự hoành tráng của một liên hoan phim trong nước, trong khi trước đó chị đã đi dự không ít liên hoan phim lớn trên thế giới?
Tình hình hiện nay, phim ảnh có vẻ đang hút đầu tư, điện ảnh có vẻ đang đi lên vù vù, nhưng đây là liên hoan phim của nhà nước, mà Cục Điện ảnh cũng giàu có gì cho cam, nên tôi đã nghĩ chắc sẽ khó khăn lắm, liên hoan phim sẽ kiểu “tằn tiện” thôi. Ai ngờ, rất đầy đủ và chất lượng, tôi nói hoành tráng là thế đấy! Hay tại tôi lần đầu tham dự nhỉ? Hoặc có thể mọi người kì vọng nhiều hơn nữa ở một LHP quốc gia? Tôi chỉ xin nói thế này, tôi tham dự cũng gần 40 liên hoan phim lớn nhỏ nên tôi thấy thế này là cũng được đấy chứ? Về hình thức là vậy, còn về nội dung thì tôi vẫn mong liên hoan phim tập trung hơn, bỏ bớt một số các hạng mục như là phim video…
Việc phân chia theo chất liệu cũng nên dừng lại được rồi. Giờ những phim được vinh danh khắp thế giới nhiều khi chỉ quay bằng máy nhỏ xinh, ngân sách bé tẹo… nó đã thành phổ biến, chúng ta hơi đâu mà phân biệt nhựa với video nữa. Việc lược bớt sẽ khiến ta chất lượng và đẳng cấp hơn.
Lần đầu dự một Liên hoan phim trong nước, hẳn chị có nhiều những câu chuyện vui bên lề liên hoan phim để chia sẻ?
Chuyện vui à? Nhiều lắm. Tôi đã có trọn vẹn một ngày xem phim về Bác Hồ. Sáng thì Nhà Tiên Tri, chiều thì Thầu Chín ở Xiêm. Phim Thầu Chín, đạo diễn bị sốt vi rut, phó đạo diễn lên chào khán giả, chả nói gì chỉ xin bắt nhịp cho mọi người hát một bài. Thế là cả rạp hát vang bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Tôi ngồi hát hò ầm ĩ, còn vỗ tay rõ là to. Chuyện đấy chắc vui nhất với tôi.
Hay là vừa ra khỏi rạp đã có bác khán giả cao tuổi hét oang oang, đấy, cứ đòi bỏ phim nhà nước đi, thì lấy đâu ra những phim thế này để xem.
Chị có chia sẻ rằng, chị dự liên hoan với cái váy và ví đi mượn?
Thường là thế mà, tôi cũng rất thích mua sắm, nhưng mà chỉ đối với quần áo mặc bình thường, chứ trang phục đi dự các liên hoan phim, tôi có mỗi hai cái áo dài, mặc mãi rồi... đến lúc cũng phải thay đổi. Mọi khi tôi cũng chuẩn bị được trước, lần này thì vội quá, chả kịp mượn ở đâu. Vào Sài Gòn, mới sực nhớ chưa có váy áo gì để lên thảm đỏ cho lịch sự. Cũng may, có hai diễn viên đi cùng, nên họ cho mượn một bộ váy, rồi trang điểm, chải tóc cho tôi luôn.
Tôi mới gầy đi nên mặc vừa, nhìn tổng thể… cũng được phết! (cười). Còn cái ví cầm tay, ái chà, nói ra thì buồn cười nhưng mà tôi chả hiểu cái ví đó có tác dụng gì ngoài việc để cầm cho đỡ… trống tay. Nên cho giống mọi người, tôi cầm cái ví tiền của tôi lên thảm thôi. Ví vải loại bán làm quà lưu niệm, bên trong toàn hoá đơn với tiền lẻ. Trông chả ăn nhập nhưng cũng chả ai để ý. Mình là đạo diễn, đi cùng diễn viên thì diễn viên của mình long lanh là được. (cười)
Nghe kể thế thấy rõ là chị cứ như không sống được bằng nghề, với vai trò là một đạo diễn?
Không sống được bằng nghề. Cái này rõ ràng mà.
Tại vì phim nghệ thuật thì không bán được vé tốt trong nước, dù phim Đập cánh giữa không trung đã trụ được qua sáu tuần chiếu rạp?
Ngoài nước cũng vậy thôi, nó là tình trạng chung toàn cầu, người làm phim ai cũng hiểu mà. Đời sống của một bộ phim nếu ra đời vì nhu cầu phòng vé thì thường là nó cũng ngắn, một đợt chiếu thương mại là kết thúc rồi.
Một phim nghệ thuật, đời sống của nó lâu dài hơn, nhưng mọi thứ lại từ từ, chậm rãi. Rất hiếm phim nghệ thuật mà thành bom tấn phòng vé… Theo tôi, nên tập trung làm phim thật hay, với hết sức của mình, dù là phim cho phòng vé hay phim theo đường hàn lâm. Mọi chuyện sẽ đến sau. Chả biết được đâu, có khi mai này tôi làm được một phim khuynh đảo phòng vé mà chả cần phải chạy theo thị hiếu chóng đổi thay.
Nói thế nghĩa là lúc này chị vẫn đứng ngoài dòng phim thị trường và phục vụ nhu cầu đám đông?
Tôi đứng ngoài à? Tôi cũng chả biết mình đã đứng ngoài từ lúc nào nữa đấy. Chắc chỉ là vấn đề góc nhìn thôi. Còn cái gọi là nhu cầu đám đông, ý chị là khán giả số đông - khán giả phổ thông phải không? Tôi nghĩ tôi và phim của mình không mâu thuẫn với sự thưởng thức của họ đâu. Tôi chiếu thương mại rồi nên tôi cũng hiểu teaste của khán giả với phim, khán giả đến với Đập cánh giữa không trung đúng là ít hơn so với những phim đang rất hợp thời ở mình. Nhưng ít hơn thôi chứ không có nghĩa là vô cùng ít nhé. Còn nếu ở phương xa, khán giả của Đập cánh giữa không trung đông đảo lắm đấy (cười)
Trước khi nghe công bố về giải thưởng, chị có nghĩ sẽ nhận được giải thưởng từ liên hoan phim này không? Dù bộ phim đã được công nhận về giá trị nghệ thuật, nội dung tư tưởng từ các liên hoan phim ngoài nước?
Nói thật nhé, tôi không một chút nào mảy may gợn lên trong trí tôi về giải thưởng. Tôi thấy hoàn toàn thoải mái với liên hoan phim lần này, sen vàng vẫn nở và tôi thích ngắm với hít hà thôi. Cầm và giữ, tôi không nghĩ đến và cũng không mong muốn.
Chị có ngạc nhiên không khi biết rằng bộ phim của chị là duy nhất với vai trò là một bộ phim độc lập tham gia liên hoan phim VN lần thứ 19?
Tôi giật mình nhận ra thôi, chứ không ngạc nhiên. Vì chúng ta đều biết hiện đang có những phim truyện dài nào thuộc nhóm độc lập mà. Tôi hơi buồn vì số phim độc lập vẫn còn trên giấy thì hiện giờ có nhiều lắm, mà để trở thành hiện thực… quả là còn khá xa.
Chị có thấy cô độc không?
Tôi luôn có cảm giác trơ trọi khi đến bất cứ liên hoan nào. Trước tôi tưởng vì mình phải lang thang một mình, sau tôi nhận ra, dù có sánh bước chung hàng cùng những người thân thiết, cảm giác ấy vẫn còn. Một cách nào đó, tôi cảm thấy mình đang khước từ đám đông. Tôi cũng không thích ra ngoài, đến những không gian quen thuộc nữa. Tôi đến nơi nào đó thì phải vì mục đích chọn cảnh hoặc quay phim cơ. Chứ không là tôi dễ bị trầm cảm lắm. Buồn cười nhỉ? Trầm cảm mới ghê chứ, nghe rất mùa đông.
Lúc này tôi đang thấy cô độc đây, nhưng có lẽ do thời tiết, trời đang mưa và lạnh quá…
ĐD Nguyễn Hoàng Điệp tại hiện trường làm phim.
Gặp chị ngoài đời và trong phim chị làm, như Đập cánh giữa không trung, sẽ thấy hai Điệp rất khác nhau?
Tôi càng ngày càng khác hay sao? Ít nhất tôi đã cắt ngắn tóc rồi.
Phải chăng vẻ ngoài vô tư, dễ gần, chân thành lẫn hài hước đã giúp chị cân bằng trong quá trình bước sâu vào việc là một nhà làm phim độc lập với quá nhiều khó khăn, thử thách?
Tôi chả cân bằng tí nào đâu, luôn chông chênh, luôn chấp chới, luôn có cảm giác lo lắng và hoang mang. Thực sự chưa lúc nào cân bằng cả. Chỉ có phim, mình là người làm ra nó, mình phải cố gắng sao cho phim có sự cân bằng nội tại ở bên trong. Mọi cảm giác mình phải đong đếm sao cho chuẩn xác để đến với khán giả, những nặng nhẹ, những toả lan phải được như mình tưởng tượng.
Ngày đầu tiên gặp chị, làm cùng đạo diễn Phan Đăng Di, với vai trò Giám đốc sản xuất phim Bi, đừng sợ! chị ít cười nói và quá nghiêm nghị, ăn mặc cũng như người già, thay vì vui vẻ dễ gần trẻ trung tươi mới như bây giờ?
Với vai trò nhà sản xuất trong phim, lúc đó tôi ít có lí do để mà cười khi hiện trạng là phim đang chưa có đủ tiền, nhà đầu tư rút lui sát nút… Còn bình thường thì tôi cũng vẫn vớ vẩn luyên thuyên. Có thể dạo gần đây tôi đang trầm cảm nên tôi cố tỏ ra mình duyên dáng, trẻ trung để đánh lừa bản thân chăng?
Tôi cứ nghĩ việc chị ở bên đạo diễn Phan Đăng Di, nhìn những gian nan anh ấy đã trải qua, sẽ không chọn trở thành một nhà làm phim độc lập để mang những cảm giác trầm cảm thế này?
Tôi có nhìn đâu, tôi cũng trải qua, nếm và lãnh đủ từ những gian nan của anh Di đấy chứ! Nhưng tôi có đường nào đâu để chọn. Việc làm phim vốn dĩ nó thế rồi. Làm phim nào bạn cũng cần tiền cũng như vắt kiệt sức mình nếu bạn muốn nó tuyệt hay như bạn ước.
Vắt xong rồi mà phim cũng chỉ mới có bấy nhiêu… nên không gian nan, không đi đến cùng… chắc phim chiếu một mùa xong bỏ xó, cười xong, khóc xong, xé cái vé là xong. Chả ai nhớ, chả ai vấn vương gì nữa…!
Không! Không như thế được đâu!
Thật may mắn vì bộ phim đã được vinh danh ở một số liên hoan phim quốc tế, nhưng nếu thất bại cả ở liên hoan phim, chị có dừng con đường đi không?
Tôi sẽ rất thất vọng, tôi biết chắc là mình sẽ như thế nếu quay ngược lại một năm trước mà không liên hoan phim nào đón nhận Đập cánh giữa không trung của tôi. Còn sau khi thất vọng thì tôi sẽ làm phim tiếp, một bộ phim về nỗi thất vọng chan chứa ở trong lòng. Tôi đoán thế. Nhưng mà mọi chuyện không thế, Đập cánh giữa không trung khởi đầu và đã trải qua hành trình rất tuyệt cho một phim độc lập đầu tay kinh phí thấp. Và thế là tôi có nhiều hi vọng để làm điều gì đó. Vậy mà đã một năm trôi qua, tôi bắt đầu thấy thất vọng vì mình đã chả làm gì cả ngoài chuyện đi thi. Cũng có thử ôm phim ra rạp bán vé này kia nhưng cũng chỉ như một anh ôm bom cảm tử, chả biết gì ngoài cảm giác liều chết một lần trước khi chấm hết. Tôi thật thất vọng vì mình. Và vì thất vọng nên có lẽ tôi sẽ làm một bộ phim về nỗi thất vọng này. Mong là nó sẽ đem đến cho tôi chút gì đó để vượt qua cảm giác cực đáng chán của mùa đông.
Các bộ phim khác thì sao?
Câu chuyện buồn nhất thế gian đã gần xong kịch bản. Tôi giết cảm giác chán chường và nghi ngờ bản thân bằng cách hăm hở lao vào hết dự án này đến dự án khác. Khi thì là sản xuất, khi thì cố vấn, lúc làm phim ngắn, lúc tập trung đào tạo… Cảm giác bận rộn giúp mình che giấu sự bất lực của bản thân khi không thể hoàn thành xong công việc chính. Mọi thứ lộn xộn lắm và tôi sắp không chịu nổi nữa rồi. Tôi sắp bị chìm và bạn biết đấy, tôi lại chẳng biết bơi. Mà có biết bơi cũng chả giải quyết gì. Tôi đang chờ một cái phao, từ trên trời rơi xuống. Cảm giác như thế này thật là kinh khủng… tôi biết nó sẽ hết khi tôi làm phim nên lúc này có lẽ tôi cần một kịch bản thật hay, rơi bộp vào đầu - chứ không phải cái phao nữa! Ừ, phải là một kịch bản thật hay, rơi bộp vào đầu!
Thế còn hướng đi sắp tới?
Tôi đang trong giai đoạn lơ lửng giữa không trung màu xám bạc. Không thấy gì trước mắt, không đủ sức và hứng để bay cao, không đủ tỉnh táo để nghiêm túc xuống thấp. Gọi là hướng đi là tôi cũng thấy hơi khó cho mình. Hiện giờ tôi đơn giản chỉ viết kịch bản, hoàn thành - chỉnh sửa… rồi sẽ làm nó. Có lẽ tôi sẽ kêu gọi vốn cộng đồng nữa, tôi cần trợ giúp để rút ngắn thời gian phải la cà hết hội chợ phim này đến hội chợ phim khác. Bạn biết không, một trong những nhân vật hiện đại mà tôi thích nhất là Jack Sparrow, thuyền trường của tàu Ngọc trai đen với cái la bàn chết kim định vị. Giờ là lúc tôi rất cần xác định phương hướng, vậy mà cái la bàn của tôi lại…chết.
Tôi sẽ thử vừa nhắm mắt vừa mở cửa… xem sao!