“Bầu trời đỏ” là bộ phim của đạo diễn người Pháp Olivier Lorelle vừa được ra mắt tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội. Bộ phim lấy bối cảnh hoàn toàn ở Việt Nam, khắc họa câu chuyện đẹp về tình yêu thời chiến.
Cảnh trong phim “Bầu trời đỏ”.
Đạo diễn Olivier Lorelle cho biết: Bộ phim lấy đề tài về tình yêu trong chiến tranh. Chỉ khác một điều đây là một bộ phim nói về chiến tranh nhưng lại bao hàm cả tình tiết một anh lính người Pháp tự bắn vào đồng đội của mình. Chi tiết đó ban đầu cũng gây cho chúng tôi nhiều rào cản như nhận xét của phần đông người xem hay xin tài trợ cũng vô cùng khó khăn… Khi bắt đầu làm phim chúng tôi cũng tự đặt ra câu hỏi là liệu rằng tình yêu bắt đầu từ khi nào? Tồn tại ra sao? Và tồn tại đến khi nào? Nhưng rồi những tình tiết ở trong phim đã dần làm rõ hơn điều đó”.
Nói về cái tên “Bầu trời đỏ”, đạo diễn Olivier Lorelle giải thích: “Thực sự tên “Bầu trời đỏ” cũng xuất hiện một cách ngẫu nhiên như là tỉnh dậy sau một giấc mơ vậy. Lúc đầu nó cũng không liên quan đến chủ đề của bộ phim cho lắm. Nhưng theo tôi được biết, màu đỏ là màu của cách mạng, màu của sự đam mê và tình yêu. Bên cạnh đó, bầu trời lại gợi cho chúng ta thấy được một cái gì đó vô tận. Bởi vì trong bộ phim này thì yếu tố thiên nhiên là vô cùng quan trọng và được khai thác tốt.
Ngoài ra, đây là một bộ phim dựa trên nền cốt truyện là một cuộc chiến, nó mang chất thơ rất nhiều, đó cũng là những điều mà chúng tôi muốn truyền tải đến tất cả mọi người, nội hàm như cái tên “Bầu trời đỏ”.
Nhân vật nữ chính trong phim tên Thi. Cô phải rời xa gia đình từ năm 16 tuổi. Thời bấy giờ có nhiều nhà tư sản ở Việt Nam đi theo tiếng gọi của trái tim, cống hiến và hi sinh hết mình cho cách mạng. Tuy nhiên, thời đó Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của nền văn hóa Pháp như: văn học, âm nhạc, ngôn ngữ… Thi cũng vậy. “Qua bộ phim này, chúng tôi muốn làm toát lên một sự thực là một cô gái, dám đứng lên gạt bỏ đi những mong muốn bình thường của bản thân để cống hiến cho đất nước, chống lại chiến tranh vô nghĩa”.
Diễn viên Chiều Xuân chia sẻ: “Tôi tham gia bộ phim này với tư cách là một người yêu phim, một người diễn viên chứ không phải riêng với tư cách là một nhà sản xuất. Tôi rất nể lời thoại trong phim, không hiểu tại sao Olivier Lorelle lại có thể nghĩ ra được những lời thoại thật sự chân thực và tinh tế đến như vậy. Rõ ràng chủ đề về chiến tranh đã cũ, nhưng trong thời điểm này vấn đề mà bộ phim nêu lên đang rất cần thiết. Chúng ta cần có thêm những bộ phim như thế để có thể nhắc nhở mỗi người rằng chiến tranh là một điều vô nghĩa, mỗi người cần phải có một tình yêu đích thực và bảo vệ nó bằng mọi giá, ngay cả chống lại quy luật của chiến tranh”.
Tuy nhiên, bộ phim kể về chiến tranh tại Việt Nam nên có ý kiến cho rằng một đạo diễn người Pháp (Olivier Lorelle) lại có thể làm phim vể chiến tranh của Pháp tại Việt Nam. Dưới góc nhìn của một số người Việt thì đây là một điều khó có thể chấp nhận ngay được.
“Người Pháp thường tránh đụng đến chiến tranh Đông Dương, Algeria; không như Mỹ gần đây họ làm nhiều phim về các cuộc chiến nhất là chiến tranh ở Iraq. “Bầu trời đỏ” được đặt dưới góc nhìn người Việt. Đây là phim Pháp đầu tiên mà người hùng và nhân vật nữ chính là Việt Minh. Khi quay tôi nghĩ đến cuộc chiến ở Đông Dương và nghĩ ngay đến chiến tranh Việt Nam. Điều xây dựng nên bộ phim là câu chuyện kể về cuộc chiến của những người lính trẻ Pháp mất phương hướng ở một đất nước xa lạ, bị tấn công chớp nhoáng bởi chiến thuật du kích. Anh lính Pháp này yêu nữ Việt Minh”, đạo diễn Olivier Lorelle nói.
Thiên nhiên Việt Nam chính là nhân vật thứ ba quan trọng sau hai diễn viên chính. Vẻ đẹp thiên nhiên là điều không thể thiếu trong câu chuyện phim: Cảnh hồ Ba Bể, những cánh rừng, cảnh đẹp Đồng Văn, Mèo Vạc…
Audrey Giacomini - nữ diễn viên chính người Pháp gốc Việt (vai Thi) chia sẻ: “Là người yêu thích thiên nhiên, trước đó từng đến miền Nam vài lần nhưng đây là lần đầu tiên tôi đặt chân lên miền núi phía Bắc. Điều khó khăn nhất khi vào vai cô gái Việt Minh là tôi phải quen với băng rừng lội suối, tôi phải cố gắng tạo ra cảm giác hòa nhập, mặc dù trong lòng không ngừng thốt lên cảnh sao mà tuyệt diệu thế”.