Trong khi người dân cả nước đang lo lắng về dịch viêm phổi do virus corona thì một số người đã lợi dụng chuyện này để “đục nước béo cò”, tăng giá bán khẩu trang y tế và nước rửa tay, riêng khẩu trang y tế có giá bán tăng 4-5 lần giá trước đó. Vấn đề không chỉ nằm ở đạo đức kinh doanh mà còn là đạo đức xã hội. Khi cả dân tộc đang tập trung chống dịch lại có người làm giàu từ chính sự khó khăn của đồng bào mình.
TS. Khuất Thu Hồng.
Trước sự việc trên, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho rằng, đạo đức xã hội của chúng ta đang “có vấn đề”. Lợi dụng dịch để kiếm lợi là điều đáng buồn, đáng xấu hổ.
PV: Thưa bà, là một nhà xã hội học bà đánh giá thế nào về việc hiện người dân đang lo lắng vì virus nCoV nhưng một số người đã lợi dụng tăng giá khẩu trang nhằm trục lợi. Nhất là qua kiểm tra đã phát hiện có cửa hàng tăng giá bán gấp 5-7 lần?
Bà Khuất Thu Hồng: Tôi đưa ra một dẫn chứng thế này. Tại Mỹ, dù nguồn hàng khan hiếm nhưng họ không tăng giá, còn ở nước ta nhu cầu càng lớn thì sức ép giá cả càng tăng. Có những nơi, người dân, cửa hàng, nhà thuốc phát miễn phí khẩu trang y tế cho người dân, nhưng có nơi lại lợi dụng để “đục nước béo cò”, tăng giá nhằm trục lợi trong lúc khó khăn. Giá cả tăng vọt một cách khủng khiếp, gấp 5-7 lần so với bình thường. Đó chính là vấn đề đạo đức xã hội, lợi dụng tình thế khó khăn để kiếm lợi cho mình. Đây là điều rất đáng tiếc và phần nào cho thấy đạo đức xã hội của chúng ta đang có vấn đề. Lợi dụng dịch để kiếm lợi là điều đáng buồn, đáng xấu hổ.
Như vậy trong bối cảnh đạo đức xã hội đang “có vấn đề”, bà có nghĩ chúng ta cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi ý thức bởi người Việt xưa vốn có tinh thần tương thân, tương ái đùm bọc lẫn nhau?
- Đúng là như vậy. Tôi cho rằng, đây cũng là dịp để chúng ta đưa ra thảo luận, mọi người có ý kiến nhằm dần dần thay đổi ý thức. Câu chuyện về những thái cực đạo đức luôn song hành trong xã hội. Có nhiều người tốt, tử tế nhưng cũng có người lợi dụng hoàn cảnh khó khăn để kiếm lời. Nếu mọi người lên tiếng mạnh mẽ tôi cho rằng, cá nhân họ sẽ rút ra được những bài học và sẽ thay đổi. Lạc quan nói như thế nhưng đúng là câu chuyện thị trường cũng có cái khó khi họ nói hiếm hàng nên bán giá cao. Ở đây chỉ là đạo đức xã hội. Nếu cộng đồng lên tiếng mạnh mẽ, mọi người phải suy nghĩ thể hiện trách nhiệm đối với xã hội. Có thể mình kinh doanh nhưng cũng phải có đạo đức thì uy tín của mình sẽ tốt hơn.
Xu hướng hiện nay là chúng ta dùng sức mạnh “mềm”, nghĩa là dùng cộng đồng để lên án hành vi sai trái. Nhưng làm sao có thể phát huy được sức mạnh của cả cộng đồng để giáo dục đạo đức xã hội, thưa bà?
- Tiếng nói của cộng đồng thể hiện qua báo chí, mạng xã hội, tạo ra áp lực rất lớn. Trong xã hội học gọi là “kiểm soát xã hội”, tức là pháp luật thể hiện quy ước về đạo đức của một xã hội thành luật này, luật kia nhưng đạo đức là thứ quan trọng nhất để kiểm soát hành vi của người ta. Pháp luật không thể len lỏi đến từng người, từng trường hợp. Nhưng đạo đức xã hội là thứ người ta còn sợ hơn pháp luật. Nếu họ bị tẩy chay, lên án ở cộng đồng, bị xa lánh ở cộng đồng họ còn sợ hơn bị phạt hành chính. Giống như việc hàng xóm ghẻ lạnh, đi làm mà anh em đồng nghiệp xa lánh. Như vậy còn cảm thấy kinh khủng hơn việc ra đường bị công an xử phạt mấy triệu đồng. Cho nên sự kiểm soát của cộng đồng, của xã hội rất quan trọng. Vấn đề là mọi người có lên tiếng hay không? Coi đó là chuyện cần phải lên tiếng để phê phán, thảo luận, nhằm góp phần thay đổi hành vi đó. Còn nếu ta thờ ơ, tặc lưỡi cho qua thì xã hội cứ thế bị tuột dốc dần, vì pháp luật không thể bao quát mọi trường hợp được. Câu chuyện đạo đức xã hội, giá trị con người, sống phải có giá trị căn bản, giữ uy tín của mình, giữ chữ tín với người khác. Trong hoàn cảnh nào mình cũng nhất quán, khó khăn vẫn sống đàng hoàng, con người ta phải nhất quán trước sau như một. Không phải hiếm hàng thì tăng giá cao lên, nó thể hiện đạo đức kinh doanh, đạo đức ứng xử hàng ngày với nhau giữa người với người.
Trong bối cảnh hiện nay, phải chăng chúng ta cần một cuộc chấn hưng về đạo đức, thưa bà?
- Tôi muốn nhấn mạnh lại lần nữa: Chúng ta cần có tiếng nói mạnh mẽ của cộng đồng. Sức ép của dư luận xã hội trong trường hợp này sẽ giúp người ta cảnh tỉnh. Ví dụ, có thể đưa các câu chuyện trục lợi lên báo chí, truyền hình, thậm chí mạng xã hội để cộng đồng lên tiếng. Sự kiểm soát của cộng đồng, hay nói cách khác tiếng nói của cộng đồng nhiều khi còn đáng sợ hơn cả pháp luật. Bêu tên các hiệu thuốc, cửa hàng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn để bắt chẹt, kiếm lợi trên nỗi lo lắng của cộng đồng thì chính bản thân họ sẽ cảm thấy ngại, xấu hổ và sẽ phải thay đổi. Hành vi đầu cơ, tích trữ để tăng giá nhiều khi chỉ bị xử phạt hành chính, họ sẵn sàng bỏ tiền nộp phạt vì số tiền thu lợi còn lớn hơn tiền nộp phạt. Nhưng việc đưa thông tin về những cửa hàng, người trục lợi sẽ khiến họ bị mất uy tín, không kinh doanh được. Như vậy nó có sức lan tỏa mạnh hơn là xử phạt. Bởi vì sức ép của dư luận còn đáng sợ hơn biện pháp trừng phạt của pháp luật. Bị lên án vì hành vi không có đạo đức còn sợ hơn bị phạt hành chính vài triệu đồng.
Khi nền kinh tế ngày càng phát triển thì đạo đức xã hội lại có nhiều hệ lụy, nhận thức và nhiều giá trị của xã hội chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế. Bà nhìn nhận như thế nào về những ứng xử trong xã hội hiện nay?
- Chúng ta hãy nhìn sang các xã hội khác. Như Nhật Bản họ giàu hơn ta nhiều lần nhưng họ đâu có như vậy. Những vụ sóng thần xảy ra, nhưng họ đâu có vì đói, khát mà tranh cướp, chen lấn, xô đẩy. Vấn đề trong xã hội hiện nay không chỉ là câu chuyện của kinh tế nữa mà chính là vấn đề dạy người. Nhìn vào sách giáo khoa dạy về đạo đức, giáo dục công dân có thể thấy chúng ta dạy nhiều cái rất sáo rỗng, không thiết thực, không thực sự cảm hóa con người. Những người tưởng chừng cần làm gương nhưng lại không làm gương, tham nhũng, rồi hủ hóa. Chúng ta đã quá lo phát triển kinh tế mà quên mất phát triển con người. Cái đó là lỗ hổng! Làm sao để con người lúc nào cũng đàng hoàng, tử tế mới là điều quan trọng nhưng chúng ta lại chưa quan tâm đúng mức. Nhiều lĩnh vực đang thiếu niềm tin, ngay cả người nông dân “trồng rau hai luống”, nghĩa là sản phẩm trồng để ăn thì sạch, còn để bán thì có sử dụng hóa chất.
Trân trọng cảm ơn bà!
Phải cùng nhau duy trì các giá trị căn bản
Bà Khuất Thu Hồng nói: Mỗi người trong xã hội phải cùng nhau duy trì các giá trị căn bản. Con người sống được với nhau trên cơ sở những quy ước. Nhiều khi không thành văn nhưng thống nhất trong cách cư xử. Không vì khó khăn mà bắt chẹt người ta, sẵn sàng lúc nào cũng giúp đỡ mọi người dù khó khăn hay không khó khăn, có điều kiện hay không có điều kiện. Nếu xã hội không thảo luận, đưa ra để cùng nhắc nhở nhau thì những giá trị căn bản sẽ dần dần mai một đi. Người ta sống thờ ơ với nhau, sẵn sàng chà đạp lên nhau.