Theo GS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế: Sản phẩm ngành y phải là sản phẩm thật 100% vì nó liên quan trực tiếp đến tính mạng con người. Một sai sót nhỏ có thể gây ảnh hưởng rất lớn.
GS Nguyễn Viết Tiến.
Mới đây, ngày 28/12, Đoàn kiểm tra liên ngành Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đã tổ chức họp báo thông tin về vấn đề về mở ngành Y đa khoa và Dược học của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN. Sau hai đợt kiểm tra thẩm định vào ngày 5/10 và ngày 23/12, hiện Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN vẫn chưa đủ điều kiện mở ngành vì đội ngũ giảng dạy và cơ sở vật chất còn chưa đầy đủ. Theo đó, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đồng ý để trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh khi đáp ứng đủ các điều kiện còn thiếu. Về vấn đề này, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế.
GS Nguyễn Viết Tiến cho biết: Hiện nay, tại Việt Nam số bác sĩ chăm lo sức khỏe cho nhân dân quá thấp, chỉ khoảng 8 bác sĩ/ 1 vạn dân, trong khi các nước tiên tiến đạt khoảng 40 bác sĩ/ 1 vạn dân. Về dược sĩ, chỉ có 1,5 dược sĩ/ 1 vạn dân. Đặc biệt, chúng ta rất thiếu bác sĩ giỏi, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Việc ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN và một số trường mở đào tạo ngành Y- Dược sẽ góp phần bổ sung nhân lực còn thiếu và góp phần xã hội hóa giáo dục. Đó là điều tích cực cần nhìn nhận chứ đừng coi họ là trường ngoài công lập mà phân biệt về lĩnh vực đào tạo. Điều quan trọng nhất ở đây là chất lượng đào tạo.
Theo GS Nguyễn Viết Tiến, trong suốt quá trình đào tạo thì liên bộ cần kiểm tra, thẩm định, giám sát về lượng. Cán bộ giảng dạy cơ hữu của trường phải có trách nhiệm đầy đủ với toàn bộ quá trình đào tạo. Những giáo sư đầu ngành đã về hưu mà trường mời về giảng dạy là rất đáng quý. Những vị này có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và thực tế điều trị, chăm sóc bệnh nhân để truyền đạt lại cho sinh viên.
GS Nguyễn Viết Tiến cho rằng chất lượng đầu vào rất quan trọng, ở đây trường dự định lấy khoảng 20 điểm, thấp hơn khá nhiều so với Trường Đại học Y. Tuy nhiên, có thể chia sẻ điều này: "Không phải sinh viên nào đỗ đầu vào cao cũng sẽ học giỏi và tiếp thu kiến thức tốt trong suốt quá trình học. Một số ra trường chưa đáp ứng tốt công việc, thậm chí lơ mơ. Ngược lại, trong quá trình đào tạo tôi nhận thấy sự nổi trội và vượt lên xuất sắc của nhiều sinh viên có điểm đầu vào chưa cao, có những sinh viên càng học càng giỏi vì những em đó có động cơ học tập đúng đắn, có sự phấn đấu, có sự nhiệt thành. Kinh nghiệm của bản thân tôi cho thấy trong quá trình hình thành các kỹ năng y khoa, sự thông minh chỉ là một phương tiện cần, còn sự đam mê, sáng tạo trong tư duy, cẩn trọng trong từng động tác và đức tính cần cù chăm chỉ, yêu nghề mới là yếu tố quyết định sự thành công sau này".
Vì thế phải khẳng định rằng quá trình đào tạo, rèn luyện ở trường là rất quan trọng, phải đào tạo sinh viên một cách bài bản, cẩn thận từng môn học. Ngoài ra, trường phải có sự liên kết mật thiết với các bệnh viện lớn có uy tín theo mô hình trường – viện để sinh viên thực tập, rèn luyện cách chẩn đoán bệnh, đưa ra những quyết định kịp thời và kỹ năng chăm sóc bệnh nhân. Những việc này sinh viên lơ là sẽ không bao giờ trở thành thầy thuốc giỏi.
Các môn học cơ sở như giải phẫu, mô học, vi sinh y học, sinh hóa, sinh lý học, dược lý học, sinh lý bệnh học, phôi thai học, giải phẫu bệnh học,... cực kỳ quan trọng vì nó là cơ sở để hiểu về con người, về bệnh con người. Trong quá trình đào tạo trường phải làm nghiêm túc quá trình sàng lọc. Sinh viên nào yếu kém phải kiên quyết loại ngay, không thể để tình trạng xin điểm, mua điểm.
Sản phẩm ngành y phải là sản phẩm thật 100% vì nó liên quan trực tiếp đến tính mạng con người. Một sai sót nhỏ có thể gây ảnh hưởng rất lớn. Tư tưởng học ít, chơi nhiều mà vẫn có bằng thì không bao giờ được trở thành bác sĩ. Người bác sĩ giỏi không chỉ có bằng cấp thôi mà còn phải trải qua quá trình trải nghiệm, hành nghề, mới phát triển được.
GS Tiến gợi ý: Trước mắt, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN nên tuyển sinh số lượng sinh viên ngành y, dược ở mức vừa phải, cân đối với số lượng giảng viên, đào tạo thí điểm với số lượng nhỏ sinh viên, sau một hoặc hai khóa, kiểm tra chất lượng đào tạo thực tế để rút kinh nghiệm rồi hãy nâng số lượng tuyển sinh. Và đặc biệt trong việc kiểm tra giám sát chất lượng đào tạo của trường thì Bộ Y tế đóng vai trò chính về mặt chuyên môn.