Đào tạo ngành Y - Dược: Quan trọng nhất là đội ngũ giảng dạy

Tâm Như (thực hiện) 06/12/2015 09:30

Việc Bộ GD&ĐT cho phép trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo ngành Y đa khoa và ngành Dược học trình độ đại học hệ chính quy. Việc này đã dấy lên nhiều lo ngại không chỉ trong giới y khoa mà cả dư luận xã hội. PV Báo Đại Đoàn kết đã có cuộc trao đổi với GS.TS Lê Ngọc Trọng- nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Ủy viên Ban Thường vụ Tổng hội Y học Việt Nam.

Đào tạo ngành Y - Dược: Quan trọng nhất là đội ngũ giảng dạy

Ở các trường đào tạo chuyên ngành y dược, cần nhiều
bệnh viện thực hành lớn kiểu mẫu để sinh viên được tiếp cận thực tế lâm sàng.

PV: Về vấn đề này giới chuyên ngành y khoa tỏ ra không đồng tình, dư luận phần đông thì lo lắng, là một Giáo sư - Bác sĩ, ông suy nghĩ thế nào?

GS.TS Lê Ngọc Trọng: Nghề y là nghề đặc biệt, vì thế phải tuyển chọn những sinh viên đặc biệt và đạo tạo theo mô hình cũng đặc biệt vì nó liên quan đến sự sống chết của con người. Việc thẩm định của Bộ GD&ĐT cùng Bộ Y tế đã được tiến hành bài bản chưa? Có đáp ứng được các tiêu chí đã đưa ra hay không? Tôi nghĩ cần có thẩm định kĩ, nhất là khâu hậu kiểm.

Trước hết phải xem đội ngũ cán bộ giảng dạy có đáp ứng được không, chất lượng đến đâu? Trường ĐH nào cũng cần Chủ nhiệm khoa; chủ nhiệm bộ môn là các bác sĩ giỏi đầu ngành có nhiều kinh nghiệm ở các bệnh viện (BV) lớn, kinh qua công tác chăm sóc người bệnh và cả công tác hướng dẫn sinh viên. Phải là những người giỏi chuyên môn và nhiều kinh nghiệm thực tế thì chất lượng giảng dạy mới tốt.

Tiếp đến là cơ sở thực hành có đảm bảo được yêu cầu hay không vì đào tạo ngành y, cơ sở thực hành phải chuẩn mực. Ở các trường đào tạo chuyên ngành y dược, cần nhiều các BV thực hành lớn kiểu mẫu để sinh viên được tiếp cận thực tế lâm sàng.

Bộ GD&ĐT được giao quyền về quản lý đào tạo nhưng riêng về đào tạo ngành y, dược thì phải có ý kiến của lãnh đạo Bộ Y tế, phải có sự thẩm định chặt chẽ của Bộ Y tế theo tinh thần Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”.

Vậy theo ông cần mô hình như thế nào để đào tạo được đội ngũ bác sĩ đáp ứng tốt công việc, nhất là lĩnh vực đặc thù liên quan trực tiếp đến tính mạng con người?

- Đào tạo ngành y, ngoài những kiến thức lý thuyết còn rất cần phải thực hành nhiều hơn các ngành khác. Môi trường thực hành chính là BV và đối tượng con người. Vì vậy phải có mối liên hệ mật thiết giữa nhà trường với BV. Chẳng hạn như ĐH Y dược TP HCM và BV Chợ Rẫy hay ĐH Y Hà Nội và BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV Nhi Trung ương; BV Phụ sản Trung ương...

Phải nói rằng các BV thực hành này có kinh nghiệm trong việc hướng dẫn sinh viên thực tập lâm sàng hàng ngày. Sinh viên được thực tập ở những cơ sở uy tín này trưởng thành rất nhanh. Còn nếu chỉ dựa vào phòng thí nghiệm tại trường ĐH thôi thì chưa đủ.

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN cho biết tuyển sinh sẽ lấy khoảng 20 điểm, đồng thời thắt chặt đầu ra. Theo ông, đây là giải pháp hay đối phó?

- Trong công tác tuyển sinh, ngành y phải chọn lọc tinh hoa, vì thế mà các trường y thường đòi hỏi số điểm đầu vào rất cao (khoảng 28 - 29 điểm như ĐH Y Hà Nội). Nói siết đầu ra thì chỉ mới là cách nói, vậy siết đầu ra là siết như thế nào? Những sinh viên chất lượng kém ra nghề sẽ xảy ra nhiều tình huống: Một là khó xin việc, hai là đi làm thì có thể gây nguy hại đến tính mạng người bệnh.

Hiện nay, tại Việt Nam số bác sĩ chăm lo sức khỏe cho nhân dân quá thấp, chỉ khoảng 8 bác sĩ/ 1 vạn dân, trong khi các nước tiên tiến đạt khoảng 40 bác sĩ/ 1 vạn dân. Về dược sĩ, chỉ có 1,5 dược sĩ/ 1 vạn dân. Vậy cũng có lý do để cho rằng, việc ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN và một số trường mở đào tạo ngành Y- Dược là do nhân lực ngành này còn thiếu và góp phần xã hội hóa giáo dục?

- Tôi thấy hiện nay chúng ta đang quá lạm dụng cụm từ xã hội hóa giáo dục. Xã hội hóa ở đây là huy động mọi nguồn lực, xã hội tập trung vào giáo dục để giúp giáo dục phát triển chứ không phải hạ chuẩn bằng mọi giá. Trên thực tế giáo dục ngày càng chạy theo bằng cấp và số lượng nên tấm bằng đào tạo ra ở nhiều trường ngày càng giảm giá trị.

Nếu thiếu đội ngũ bác sĩ, dược sĩ thì hãy cho phép các trường ĐH Y dược thêm chỉ tiêu đào tạo, hạ điểm đầu vào xuống thấp hơn một chút, như vậy vẫn tuyển được những sinh viên khá giỏi. Tại sao không làm như vậy mà lại cho phép trường “ngoại đạo” đào tạo chỉ lấy điểm quá thấp.

Tôi thấy, các sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Y Hà Nội còn phải đi học các chương trình định hướng; chuyên ngành để nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu phục vụ. Chúng ta thấy có nhiều BV quá tải. Trong khi đó không ít cơ sở y tế khang trang nhưng người dân không mặn mà vì họ chưa yên tâm với trình độ của bác sĩ ở cơ sở đó.

Được biết hầu hết các trường đào tạo ngành y, dược trình độ ĐH hiện nay đều còn thiếu thốn trang thiết bị giảng dạy, thiếu đội ngũ giáo viên trình độ cao, tại sao không đầu tư nâng cấp những cơ sở này mà lại mở thêm?

- Đúng thế, điều kiện vật chất của nhiều cơ sở đào tạo ngành y - dược và ngay cả các bệnh viện lớn đã có nhiều tiến bộ so với trước đây nhưng nhìn chung còn thiếu thốn rất cần được đầu tư. Đội ngũ cán bộ nhân viên y tế cũng vậy, cần đảm bảo song song về số lượng và chất lượng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo ngành Y - Dược: Quan trọng nhất là đội ngũ giảng dạy