Việc sản xuất nông nghiệp hiện nay đã được cơ giới hóa và ngày càng hiện đại hơn. Chính vì vậy, đào tạo nghề được xem là giải pháp hiệu quả tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Tuy nhiên chính sách đào tạo nghề chưa thực sự thu hút người dân, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ.
Thoát nghèo nhờ học nghề
Nhận thấy việc đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn là giải pháp hữu hiệu tạo việc làm, sinh kế bền vững tại chỗ cho người dân trong thời gian qua huyện Yên Thủy, Hòa Bình đã lên kế hoạch xây dựng những ngành nghề đào tạo gắn với nhu cầu của địa phương. Nhiều doanh nghiệp may trên địa bàn huyện đã mở các lớp đào tạo ngắn hạn ngay tại xã, thôn, bản. Đặc biệt để người dân thuận tiện đi học nghề, nhiều lớp đào tạo nghề tổ chức dạy vào buổi tối. Kết thúc khóa học, những học viên này đều được huyện trực tiếp giới thiệu việc làm.
Với lợi thế về trồng trọt, chăn nuôi vì vậy, bên cạnh mở các lớp đào tạo ngắn hạn may công nghiệp huyện Yên Thủy mở các lớp về kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi mới. Đặc biệt, là các khóa đào tạo chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, sản phẩm của người dân làm ra ổn định đầu ra và tăng giá trị hơn so với sản xuất theo phương pháp truyền thống.
Nhờ tham gia lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về chăn nuôi, ông Đinh Quang Nưởng (xóm Trác, xã Lạc Thịnh) đã có thêm kinh nghiệm chăm sóc, phát triển mô hình nuôi gà đồi, kết hợp nuôi trồng cây, nhất là phòng trừ bệnh cho cây trồng, chăn nuôi. Nhờ kết hợp phương pháp này không chỉ giúp tăng giá trị chăn nuôi mà ông còn có nguồn thu khá từ trồng trọt.
Theo ông Bùi Huyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy, phần lớn người dân trong huyện là người dân tộc thiểu số, sống dựa vào nông nghiệp. Vì vậy, cuộc sống cũng thu nhập không ổn định do vậy, việc đào tạo nghề cũng là chiến lược để thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương.
“Hầu hết lao động sau học nghề đều có việc làm ổn định ngay tại địa phương. Mặc dù mức thu nhập chưa được cao (hơn 5 triệu đồng/tháng) tuy nhiên với mức thu nhập này cũng đủ giúp người dân trang trải cuộc sống sinh hoạt thiết yếu” - ông Huyên cho biết.
Theo thống kê để phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, huyện Yên Thủy đã bố trí trên 2,2 tỷ đồng thực hiện. Trong đó, huyện thực hiện nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch trực tuyến và xây dựng cơ sở dữ liệu trên địa bàn huyện.
Mở 30 lớp dạy nghề cho 674 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tham gia; tổ chức 12 phiên giao dịch việc. Theo đánh giá, trong quá trình triển khai dự án, các hộ nghèo, hộ cận nghèo đã tích cực tham gia và hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau thực hiện. Nhận thức, kỹ năng trồng trọt và chăn nuôi từng bước được nâng cao. Nhiều mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế đã được nhân rộng, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo của huyện.
Minh chứng từ thực tế cho thấy, nhờ đào tạo nghề nhiều vùng quê cuộc sống người dân đã thay đổi. Đáng ghi nhận, việc sản xuất nông nghiệp giờ đã chuyển sang bước mới: Cơ giới hóa và hiện đại hơn.
Đánh giá việc triển khai chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế. Một bộ phận lao động trong độ tuổi lao động là thanh niên với ngành nghề thích hợp đã khởi nghiệp, phát triển kinh tế, trang trải cuộc sống gia đình, từng bước góp phần thay đổi diện mạo đời sống của người dân ở vùng nông thôn.
“Chính quyền địa phương các cấp đã chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hàng năm, gắn đào tạo nghề với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Hơn nữa, các địa phương đã có chính sách thu hút các nhà khoa học của các viện nghiên cứu, các trường đào tạo lao động kỹ thuật tham gia đào tạo để có lao động tinh hoa tại các làng nghề. Do đó, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng” - ông Độ đánh giá.
Vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Mặc dù đạt được những kết quả trên nhưng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, còn tồn tại những hạn chế. Một số chỉ tiêu đề ra chưa đạt. Lao động nông thôn chủ yếu được học nghề ở trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, chất lượng đào tạo còn thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phản ánh từ địa phương cho thấy, chính sách đào tạo nghề chưa thực sự thu hút người dân đặc biệt là lực lượng lao động trẻ.
Đa số các học viên đều là những lao động lớn tuổi đăng ký học các lớp đào tạo nghề ngắn hạn như: may, thêu, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi…
Trong khi đó, ở nhiều địa phương dù tỷ lệ lao động trẻ thất nghiệp nhiều song phần lớn chọn thoát ly đi xuất khẩu lao động hoặc đi làm khu công nghiệp ở địa phương khác thay vì chọn học nghề để lập nghiệp tại địa phương.
Đánh giá việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đại diện Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, mặc dù 80% người học có việc làm sau học nghề và có thu nhập ổn định.
Nhưng trong số này phần lớn là học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng chủ yếu học nghề để phát triển nghề sẵn có và chuyển đổi nghề sau đào tạo. Khó khăn nữa trong công tác đào tạo nghề đó là việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, một số địa phương mở lớp đào tạo nhưng không có người đăng ký, do người dân không có nhu cầu hoặc đăng ký số lượng ít, không đủ để thành lập lớp đào tạo.
Một trong những chỉ tiêu được đưa ra trong Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng là nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 70% vào năm 2025. Tuy nhiên, chỉ tiêu này dự báo sẽ khó đạt khi mà tỷ lệ lao động qua đào tạo trong những năm gần đây rất khiêm tốn; trong đó năm 2021 là 26,1% và 2022 đạt 26,2%, kế hoạch năm 2023 sẽ đạt mức 27,0% và quý I/2024 là 27,8%. Như vậy mỗi năm tỷ lệ này chỉ tăng 1 - 2%, khả năng đến năm 2025 vẫn thấp xa so với mục tiêu 70%.
Đánh giá từ Bộ LĐTBXH cũng cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn một số hạn chế do hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa thường xuyên, kịp thời; ngành nghề đào tạo chưa đa dạng; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” để sau khi đào tạo người lao động có thể áp dụng ngay vào lao động sản xuất; cơ chế, chính sách bảo đảm cho quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, chất lượng đào tạo nghề chưa cao…
Để tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, theo TS Phan Chính Thức, chuyên gia đào tạo nghề (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐTBXH), cần phát triển hệ thống đào tạo nghề theo hướng mở cả về thời gian, địa điểm, mở phương pháp; mở nguồn lực... Đồng thời “mở” ở tất cả trình độ, không chỉ đào tạo ở sơ cấp, trung cấp mà cần phải nâng lên cả cao đẳng.
Với lao động người dân tộc thiểu số, ông Thức cho rằng, cần tăng nguồn từ ngân sách nhà nước, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; ưu tiên các nguồn vốn từ các dự án ODA của nước ngoài. Đặc biệt, chính sách đào tạo gắn với việc làm tại chỗ, với khởi nghiệp, tạo sinh kế và xóa đói, giảm nghèo; lựa chọn phương thức đào tạo linh hoạt và các mô hình đào tạo phù hợp với đặc thù của lao động người dân tộc thiểu số.
Còn theo ông Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, dù Hiệp hội được giao thực hiện một số dự án đào tạo nhưng khâu tuyển sinh rất khó bởi các quy định hiện hành. Để thu hút người lao động ở khu vực nông thôn đặc biệt là các làng nghề truyền thống học nghề, ông Tôn Gia Hóa cho rằng, nên có chế độ đặc biệt trong công tác dạy nghề, cũng như có quy định đặc thù đối với làng nghề truyền thống, không yêu cầu các nghệ nhân phải có bài giảng. Bởi trên thực tế, các nghệ nhân không có giáo trình mà truyền đạt, dạy bằng thực tế, truyền tay chỉ việc.
Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề Thường xuyên - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp:
Phải coi đào tạo nghề là bước đột phá
Đổi mới đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nào luôn là câu hỏi khó, nhưng có thể tư duy thực hiện đổi mới theo hướng: Trước tiên có thể hình thành thói quen tự đào tạo, tự nâng cao kiến thức cho mình, đây là điều kiện then chốt giúp lao động nông thôn tiếp cận với những phương pháp mới, tạo ra năng suất cao hơn để nâng cao thu nhập. Tiếp đó, đổi mới trong công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp.
Theo đó, ở mỗi vùng thì cách làm, các chương trình đào tạo phải khác nhau. Cuối cùng là trách nhiệm của cơ sở đóng vai trò rất quan trọng. Trong các chương trình Mục tiêu quốc gia, đã bố trí rất nhiều nguồn kinh phí cho đào tạo nghề, nhưng khi về địa phương lại bố trí lồng ghép vào những công việc khác, nên hiệu quả chưa cao. Do đó, thời gian tới cần tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm tăng hiệu quả nguồn vốn dành cho đào tạo nghề…
Đặc biệt, việc phân vai, phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các bộ, ban, ngành, trong đó toàn bộ lĩnh vực đào tạo nghề nông nghiệp là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chủ tịch UBND tỉnh, lĩnh vực phi nông nghiệp là trách nhiệm thuộc Bộ LĐTB&XH và luôn phải coi đào tạo nghề là bước đột phá trong xây dựng cơ cấu nông thôn…