Xã hội

Đào tạo nguồn nhân lực bắt kịp xu hướng chuyển đổi xanh

Lê Bảo 27/12/2023 08:00

Dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, sáng 26/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Năm 2024 kinh tế tri thức, kinh tế số trở thành xu thế của thời đại được thúc đẩy bởi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Vì vậy, nhân lực chất lượng cao chính là tài nguyên quan trọng nhất và nhân tài chính là động lực đột phá để Việt Nam rút ngắn khoảng cách, bắt kịp, đi cùng và vươn lên .

pho-thu-tuong-tran-hong-ha-2982.jpeg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Năm 2023 được Phó Thủ tướng nhận định là năm đầy sóng gió, thách thức vượt cả dự báo. Sự đứt gãy chuỗi sản xuất, suy giảm đơn hàng, xung đột và những bất ổn về an ninh lương thực, an ninh năng lượng đang gây những tác động kép tới nền kinh tế toàn cầu, khiến những bước phục hồi sau đại dịch Covid-19 rất chậm chạp. Tại Việt Nam, tình trạng phải nghĩ giãn việc, giảm việc của người lao động đã xuất hiện từ quý IV năm 2022 và kéo dài suốt năm nay.

Trong bối cảnh đó, từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ ngành và toàn dân, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Dù chỉ tiêu tăng trưởng GDP trên 5% chưa đạt kỳ vọng đề ra nhưng với nhiều nước đã là niềm mơ ước. Các thị trường thương mại, dịch vụ, du lịch cũng đã vượt những mục tiêu đề ra.

Lĩnh vực xã hội, Việt Nam là điểm sáng được quốc tế ghi nhận trong cuộc chiến chống đói nghèo. Việt Nam tăng nhiều bậc trong bảng xếp hạng những quốc gia tham gia các chỉ số đánh giá về phát triển xã hội.

Phó Thủ tướng đánh giá, toàn ngành lao động, thương binh và xã hội đã chủ động trong công tác tham mưu hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển xã hội, an sinh.

Nổi bật là Nghị quyết số 42-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới chuyển đổi cách tiếp cận chính sách xã hội từ "bảo đảm và ổn định" sang "ổn định và phát triển"; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội; mở rộng toàn bộ các nhóm chính sách xã hội cho tất cả các đối tượng trên nguyên tắc bảo đảm tính toàn dân, toàn diện.

ldxh2-1703577244746464578484-1821171.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Huân chương lao động tới đại diện các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội

Các giải pháp phục hồi thị trường lao động được triển khai hiệu quả, nhất là giải quyết các vấn đề an sinh cho lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp. Cùng với việc tạo việc làm trong nước, năm 2023, đã có 155.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt 29% kế hoạch, tăng 8,5% so với năm 2022.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cho rằng ngành lao động, thương binh và xã hội phải nhận diện những thách thức, tồn tại cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.

Trước yêu cầu phát triển lực lượng lao động nhằm tận dụng được các cuộc cách mạng chuyển đổi số, năng lượng, tự động hoá, Phó Thủ tướng cho rằng phải hài hoà giữa yêu cầu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để chuyển giao công nghệ, tiến tới làm chủ từ thiết kế, sản xuất, thương mại… đi cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

"Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần tham mưu kịp thời cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực đi trước một bước trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tri thức", Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng cho biết, năm 2024 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn đối với toàn cầu. Căng thẳng địa chính trị, xung đột vũ trang cùng với các thách thức an ninh phi truyền thống đến từ khủng hoảng lớn của toàn cầu.

Kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế của thời đại được thúc đẩy bởi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trí tuệ nhân tạo, công nghệ tự động sẽ thay thế lao động giản đơn trong tương lai gần.

Vì vậy, nhân lực chất lượng cao chính là tài nguyên quan trọng nhất và nhân tài chính là động lực đột phá để Việt Nam rút ngắn khoảng cách, bắt kịp, đi cùng và vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu.

Điều đó đặt ra những trọng trách rất lớn đối với ngành lao động, thương binh và xã hội và khối ngành xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông,…

Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần sớm tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn lao động, quan hệ lao động, việc làm và an sinh xã hội phù hợp tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và các cam kết trong các FTA thế hệ mới; giải quyết các vấn đề trong quan hệ giữa người sử dụng lao động và lao động: đối thoại, thương lượng tập thể, đình công, giải quyết tranh chấp lao động đúng pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo nguồn nhân lực bắt kịp xu hướng chuyển đổi xanh