Theo quy định tại bảng giá đất được Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh thông qua hồi giữa tháng 1/2020, giá đất ở đô thị áp dụng cho 19 quận, huyện giá thấp nhất là 1,5 triệu đồng/m2; cao nhất là 162 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, giá đất ở các quận tại TPHCM vẫn cao hơn nhiều so với mức giá quy định. Từ đó dẫn tới việc có 2 giá đất.
Một ví dụ, theo quy định trong bảng giá đất thì khu vực phường Long Phước, Long Trường (Q9), mức giá là 1,5-3 triệu đồng/m2. Cao nhất ở khu vực Q9, quy định trong bảng giá đất là 13,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019, giá đất “thị trường tự do” tại 2 phường kể trên đã được bán với giá 34-38 triệu đồng/m2 (đã có sổ hồng). Đến nay, giá bán tại đây từ 40-43 triệu đồng/m2. Như vậy là giá thực tế cao hơn nhiều lần so với giá quy định.
Hay như tại Q12, tại khu vực An Sương giá đất ở mức từ 48 đến 65 triệu đồng/m2; một số phường ở xa hơn như Thới An, Hiệp Thành mức giá từ 30 đến 50 triệu đồng/m2. Trong khi quy định trong bảng giá đất ở quận này cao nhất là 8,7 triệu đồng/m2.
Cũng chính từ khoảng cách quá xa giữa giá trị mua bán trên thị trường với giá quy định nên đã tạo ra 2 loại giá. Những người am hiểu và nhiều kinh nghiệm lĩnh vực bất động sản cho rằng bảng giá đất được quy định và giá thị trường hiện chênh nhau quá lớn. Ai cũng hiểu rằng, việc giữ nguyên bảng giá đất là một yếu tố quan trọng giúp ổn định thị trường và kìm hãm sự tăng giá. Nhưng để giữ được sự ổn định và điều chỉnh lại những khu vực tăng quá cao trở về giá trị hợp lý thì phải tạo ra nguồn cung và cân bằng các phân khúc của thị trường. Quan trọng là phải quy hoạch và định hướng doanh nghiệp bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực và dành cho người đầu tư dài hạn, chứ không dành cho những người đầu cơ.
Nếu không thì tình trạng “đất 2 giá” sẽ vẫn tiếp diễn, Nhà nước thất thu, thị trường bất động sản cũng khó phát triển lành mạnh, bền vững và cũng khó tránh khỏi tình trạng “bong bóng bất động sản” đã từng gây ra nhiều hệ lụy với không ít người.