Đạt chuẩn tiếng Anh: Cả thầy và trò đều bí

P. Linh 17/02/2016 10:35

Cả nước mới chỉ có 32,67% giáo viên tiếng Anh phổ thông đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ. Còn phía học sinh thì có tới 74.151 thí sinh đạt 2,25 điểm môn thi Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Đạt chuẩn tiếng Anh: Cả thầy và trò đều bí

Ảnh minh hoạ.

Theo Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân: Đến năm 2020, giáo viên dạy ngoại ngữ phải đạt B2 đối với bậc tiểu học và THCS, C1 đối với bậc THPT, giáo dục thường xuyên, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp theo Khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu. Đồng thời, đến 2018, tất cả trường phổ thông của Việt Nam đều dạy Tiếng Anh từ lớp 3.

Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) đưa ra vào cuối năm 2015: Cả nước mới chỉ có 32,67% giáo viên tiếng Anh phổ thông đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ. Trong đó, tiểu học có 31,37% giáo viên, THCS có 36,71% giáo viên, THPT có 26,12% giáo viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ.

Giáo viên đạt chuẩn năng lực còn thấp

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) nhận định: Số liệu trên cho thấy, đội ngũ giáo viên tiếng Anh phổ thông hiện nay đạt về năng lực ngoại ngữ còn rất thấp so với mục tiêu đặt ra, đòi hỏi công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh phổ thông trong giái đoạn tới cần phải được quan tâm cấp thiết hơn, cần nhiều giải pháp đồng bộ và sự nỗ lực vào của từng cá nhân cũng như các cấp quản lý giáo dục.

Đại diện Vụ Trung học (Bộ GD&ĐT) cũng khẳng định: Hiện năng lực tiếng Anh của đội ngũ giáo viên tiếng Anh còn thấp so với yêu cầu năng lực ngoại ngữ của Đề án Ngoại ngữ 2020. Một bộ phận giáo viên chưa được đào tạo, bồi dường về phương pháp dạy học tiếng Anh. Giáo viên còn hạn chế về kỹ năng ngôn ngữ, đặc biệt là kỹ năng nghe và nói.

Kiến thức nâng cao về tiếng Anh của nhiều giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đánh giá năng lực giáo viên tiếng Anh để đạt chuẩn theo Khung năng lực của Việt Nam. Cũng có nhiều giáo viên không đạt chuẩn năng lực sau các khóa bồi dường ngắn hạn.

Lí do được hầu hết giáo viên đưa ra, là ngại đổi mới phương pháp và hình thức dạy học phát huy năng lực học sinh, đặc biệt ở các trường chất lượng học sinh thấp. Giáo viên còn nặng nề về việc luyện thi cho học sinh thi tốt nghiệp, đại học, học sinh giỏi. Hoặc như đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: Tại Bạc Liêu, có nhiều giáo viên tiếng Anh do lương thấp và hầu hết không thuộc biên chế tuyển dụng nên chưa thực sự an tâm công tác. Nhiều giáo viên phải cùng lúc dạy nhiều nơi mới hi vọng đảm bảo được cuộc sống nên sự đầu tư của họ cho công tác giảng dạy bị ảnh hưởng ít nhiều. Cũng có trường hợp là giáo viên hợp đồng nên bị nhà trường “bỏ quên”, không được tham dự các lớp tập huấn chuyên môn và nghiệp vụ.

Học sinh sử dụng ngoại ngữ kém

Có thể nói, việc dạy ngoại ngữ đã được Bộ GD&ĐT cùng Đề án Ngoại ngữ 2020 triển khai nỗ lực. Tuy nhiên, như PGS.TS Nguyễn Thị Phương Nga (Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) nhận định: Nỗ lực của Đề án Ngoại ngữ 2020 là rất lớn, nhưng không thể nào trong một sớm một chiều có thể vực dậy ngay lập tức khả năng ngoại ngữ của giáo viên và học sinh Việt Nam. Vẫn phải thừa nhận thực tế có khá nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam sau khi ra trường không thể sử dụng tốt một ngoại ngữ.

Con số cụ thể được nhiều chuyên gia ví dụ, đó là điểm số của kỳ thi THPT quốc gia 2015. Phổ điểm của Bộ GD&ĐT cho biết, có tới 74.151 thí sinh đạt 2,25 điểm môn thi Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Theo ông Nguyễn Lân Trung - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội): Để đạt được mục tiêu đề ra về trình độ ngoại ngữ của giáo viên cũng như học sinh phổ thông là một thách thức không nhỏ. Trong đó, việc đào tạo giáo viên là quan trọng và cấp thiết nhất. Bởi hiện nay có tới trên 60% giáo viên ngoại ngữ bậc phổ thông chưa đạt chuẩn. Các trường hiện đang thiếu giáo viên ngoại ngữ nói chung và giáo viên tiếng Anh cho tiểu học nói riêng. Giáo viên dạy tiếng Anh mà đi thuê bên ngoài thì thường không ổn định, và ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy trong các trường.

Nói về lí do học sinh Việt Nam học và sử dụng ngoại ngữ kém, ông Nguyễn Trung Tuyên - Học viện Quản lý giáo dục cho rằng: Mặc dù, học sinh Việt Nam học ngoại ngữ từ lớp 3 nhưng không có môi trường giao tiếp để sử dụng và phát triển ngôn ngữ nên dẫn đến tình trạng yếu kém ngoại ngữ. Bộ GD&ĐT triển khai việc dạy ngoại ngữ trong nhà trường nhưng lại thiếu đội ngũ giáo viên. Có những năm, nhiều giáo viên dạy môn Địa lý, Lịch sử được các trường đưa đi học đào tạo từ xa, tại chức để về dạy… ngoại ngữ.

Điều đó khiến chất lượng giảng dạy ngoại ngữ trong nhà trường không đạt yêu cầu. Chất lượng giảng dạy trong các trường yếu, kém nên nhiều học sinh, sinh viên học với hình thức đối phó nên không có khả năng sử dụng ngoại ngữ.

Trong xu thế hội nhập quốc tế như hiện nay, ngoại ngữ chính là một trong những công cụ quan trọng và hữu ích giúp sinh viên Việt Nam trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng. Nếu không có sự thay đổi về cách dạy cũng như cách học, đồng thời nâng cao khả năng tự học thì khó đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập - Đó là quan điểm của ông Lê Quốc Phong, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam.

Ông Trần Đình Châu - Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực cũng khẳng định: Để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế đất nước phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đào tạo từ mầm non, phổ thông đến cao đẳng, đại học. Vì thế, nâng cao trình độ tiếng Anh cho các cấp học là điều cần thiết phải làm ngay. Singapore phát triển một phần vì biết dùng tiếng Anh làm công cụ giao tiếp phổ biến. Chính phủ mới của Hàn Quốc cũng đưa ra mục tiêu trở thành quốc gia sử dụng tiếng Anh hàng đầu châu Á…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đạt chuẩn tiếng Anh: Cả thầy và trò đều bí