Mới đây, một trang web có tên Expat Insider của InterNations đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 11 thế giới về môi trường sinh sống và làm việc cho lao động ngoại quốc. Bảng xếp hạng bao gồm 67 nước và vùng lãnh thổ, dựa trên khảo sát ý kiến của 14.000 người thuộc 174 quốc tịch khác nhau về viêc đi lại, sinh sống và làm việc ở một quốc gia khác. Như vậy, nước ta có môi trường làm ăn, sinh sống tốt, vì rằng “đất lành chim đậu”.
Lễ vinh danh thủ khoa xuất sắc năm 2013, tại Văn Miếu-Quốc Tử giám.
Theo bảng xếp hạng thì Việt Nam xếp thứ 11 trong xếp hạng, cao nhất trong số các nước Đông Nam Á được InterNations đánh giá. Singapore đứng thứ 13, Thái Lan 18, Philippines 23, Indonesia 52. Trung Quốc xếp vị trí 48. Đó là thông tin vui vì chứng tỏ môi trường làm việc, sinh sống của Việt Nam tốt. Nhưng đó là với người nước ngoài mưu sinh ở nước ta, còn với người trong nước làm ăn trên chính quê hương mình thì sao?
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 8, sáng ngày 1-9, nhiều ý kiến của các thành viên Chính phủ tập trung vào các nội dung sửa đổi tại Bộ luật Hình sự 2015. Đáng chú ý, đa số các ý kiến đều thống nhất bỏ Điều 292 của Bộ luật Hình sự 2015 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông vì không phù hợp, ảnh hưởng đến cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông; trong khi mạng máy tính và viễn thông là công cụ kinh doanh của đa số doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam trong hầu hết các lĩnh vực. Với điều kiện như hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp khó đáp ứng được điều kiện kinh doanh mạng xã hội mà trong quá trình khởi nghiệp thì phải thử nghiệm để hoàn thiện mô hình kinh doanh. Và nếu thử nghiệm thành công với lợi nhuận trên 50 triệu đồng hay có doanh thu trên 500 triệu đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, như quy định tại Điều 292 này, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Dẫn ra 2 việc kể trên cho thấy, có lẽ chúng ta dễ dãi đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; còn người trong nước làm ăn lại gặp nhiều rào cản quá. Không biết bao nhiêu giấy phép mẹ giấy phép con hành doanh nghiệp. Chính phủ yêu cầu tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp thì vẫn còn đó quá nhiều rào cản ngáng trở sự bứt phá. Nhất là đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp, chặng đường phía trước vẫn quá nhiều trắc trở. Cũng chỉ vì thủ tục hành chính, quy định quá nghiêm ngặt nên nhiều doanh nghiệp đã phải khởi nghiệp ở nước ngoài. Như vậy, khác nào triệt tiêu ý chí khởi nghiệp, ý chí làm giàu cho mình và cho cộng đồng.
Thời gian qua, khối doanh nghiệp nội, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa không ngớt kêu than về việc “phân biệt đối xử” so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Trong khi doanh nghiệp ngoại được hưởng nhiều ưu đãi thì doanh nghiệp nội lại bị “trói chân”. Họ không cần được ưu tiên ưu đãi, chỉ cần được bình đẳng so với doanh nghiệp ngoại cũng đã tốt lắm rồi. Cho nên, việc nước ngoài cho rằng môi trường làm ăn, sinh sống ở Việt Nam tốt có lẽ cũng không phải là điều gì quá ngạc nhiên.
Cũng lại chuyện làm ăn sinh sống ở đất nước mình. Câu chuyện “dùng người” nói mãi không hết. Tiền nhân dặn rằng, “dụng nhân như dụng mộc” có nghĩa là phải khéo lắm, tinh lắm, không thì phí cả cây gỗ đi, dù cho cây gỗ đó tốt đến mấy. Vậy nhưng, việc đó cũng lại có vấn đề. Câu hỏi: Thủ khoa xuất sắc đi đâu được lặp lại không biết bao nhiêu lần nhưng câu trả lời vẫn luôn treo ở phía trước. Theo Sở Nội vụ Hà Nội, từ khi thực hiện chính sách thu hút nhân tài, Hà Nội tuyển được gần 300 tài năng trẻ vào làm việc tại các cơ quan thành phố. Trong đó có 147 thủ khoa (chiếm 10% tổng số 1.335 thủ khoa được vinh danh tính đến năm 2015), 57 người có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ, 27 văn nghệ sĩ, 37 vận động viên xuất sắc đạt giải cao trong kỳ thi quốc gia và quốc tế. Đinh Xuân Chung, thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) mới đây cho biết, chính sách về nhân tài tuy hấp dẫn nhưng cũng không biết môi trường làm việc ở đó sẽ thế nào. Mấu chốt vấn đề chính là ở chỗ “môi trường làm việc như thế nào”. Chúng ta nói nhiều đến môi trường đầu tư, môi trường sản xuất kinh doanh, còn “môi trường làm việc” e rằng ít nói tới, chưa thật sự nghiêm túc suy nghĩ để cải thiện nó.
Thêm một dẫn chứng nữa, đó là hiện 15 nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia đi đâu, làm gì. Được biết, duy nhất nhà vô địch Lương Phương Thảo (lần thứ 3) vốn là học sinh THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long trở về Việt Nam làm việc cho một công ty Mỹ, còn lại đều đang học tập và công tác ở nước ngoài. Trần Ngọc Minh (THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long) là nhà vô địch đầu tiên của Đường lên đỉnh Olympia vào năm 2000. Sau chiến thắng, cô vào ĐH Swinburne, Australia rồi làm việc tại đây. Tiếp theo là Phan Mạnh Tân (THPT Năng khiếu Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), đã có văn bằng Tiến sĩ, cũng làm việc tại Australia… Rồi lần lượt là Đỗ Lâm Hoàng (TP.HCM), Lê Vũ Hoàng (Quảng Bình), Huỳnh Anh Vũ (Bình Định), Hồ Ngọc Hân (Huế), Phan Minh Đức (Hà Nội), Phạm Thị Ngọc Oanh (Hải Phòng), Đặng Thái Hoàng (Quảng Ninh), Hoàng Thế Anh (Bắc Giang), Nguyễn Trọng Nhân (Tiền Giang), Văn Viết Đức (Quảng Trị)- họ đều là những nhà vô địch nhưng rồi cũng đều học tập, làm việc ở nước ngoài.
Môi trường sống, môi trường làm việc tốt thì sẽ thu hút được người tài, khích lệ người ta bỏ công bỏ sức ra. Nước ngoài khen môi trường ở ta tốt, điều đó rất quý, nhưng bản thân mình phải nhìn lại mình, điều đó sẽ còn tốt hơn, để thật sự là “đất lành chim đậu”.