“Đất mặn”, bộ phim của Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh được đón đợi như một lát cắt thú vị về cuộc sống, con người Tây Nam bộ. Đạo diễn Trần Quốc Sơn cho biết, khi thực hiện bộ phim ông nhớ đến vùng đất Tây Nam bộ, với câu ca “Ai ơi về miệt Tháp Mười/ Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn”...
Ảnh do đoàn làm phim cung cấp.
Trong cuộc mưu sinh
“Thế nhưng những cảnh quay đầu tiên đã khiến chúng tôi thực sự sốc. Chúng tôi phải chấp nhận một sự thật rằng tất cả những ưu đãi ấy chỉ còn tồn tại trong ca dao thời mở đất. Khí hậu ngày càng đỏng đảnh, khắc nghiệt dù người nơi này vẫn mặn mòi thủy chung với đất. Mà một khi nước không còn ngọt thì đất lành tất phải trở thành đất mặn”- đạo diễn Trần Quốc Sơn nhận xét.
Ông Sơn cho biết, một người dân ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang đã bộc bạch với đoàn làm phim rằng: “Chúng tôi đã sinh sống ở đây qua nhiều đời, chứng kiến tốc độ lở đất mỗi năm lên đến 40 – 60 m, không còn thu hoạch gì hết, bây giờ vuông bờ khô rang, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn do không khai thác được con tôm, con cua nữa”.
Không chỉ ở Kiên Giang, biển Bến Tre cũng không còn thân thiện với con người. Tài sản mà người dân gom góp đổ xuống đây đều chung số phận theo đúng nghĩa “trôi sông bỏ biển”.
Bà Nguyễn Thị Trường, một người dân ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cho biết, vài năm trước hàu chết như vầy thì 3 con còn 1 kg, với giá 22.500 đ/kg. Năm nay khổ dữ rồi. Vì nguồn nước quá mặn, nông dân không biết môi trường như thế nào, đa số người nuôi hàu trắng tay.
Cũng theo đạo diễn Trần Quốc Sơn, ngay cả mùa lũ ở Tây Nam bộ được ví như mùa mang phù sa về cho vùng đất này, trước đây là dấu hiệu để người miền Tây chuẩn bị lọp, lưới, lú, dớn... cho cuộc mưu sinh.
Thế nhưng đã mấy năm liên tiếp mùa nước nổi lỗi hẹn với con người khi nước không chịu lên đúng kỳ, hoặc chỉ lên lấp xấp. Nước không về thì chẳng những cá tôm không theo về mà ruộng đồng cũng không có nguồn thau chua rửa mặn, bồi bổ phù sa. Chén cơm người miền Tây đang dần thưa vắng những sản vật mà thiên nhiên bao đời vẫn hào phóng tặng họ.
“Năm 2016, Cà Mau có 49.300 ha lúa bị mất trắng, gần 3.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại. Kiên Giang thì thiệt hại trên 86.000 ha lúa, 9.800 ha tôm. Chính quyền địa phương đã phải chi hỗ trợ hạn mặn cho người dân”- đạo diễn phim “Đất mặn” chia sẻ.
Thông điệp từ “đất mặn”
Đạo diễn Trần Quốc Sơn cho biết, “Đất mặn” không phải là bộ phim thương mại của Hãng phim Truyền hình TP HCM, mà mong muốn đưa đến một cảnh báo, một thông điệp về mặt chính sách để “cứu” vùng đất màu mỡ Tây Nam bộ, vựa lúa của khu vực phía Nam và cả nước.
“Người nông dân chỉ có thể bỏ được những tập quán canh tác lạc hậu khi tham gia sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn. Về bản chất, cánh đồng lớn là phương thức tổ chức mới trong nông nghiệp; trong đó nhiều hộ sở hữu đất đai cá thể hợp tác với nhau thực hiện cùng một quy trình sản xuất, tạo nên liên kết ngang giữa những người sản xuất. Mô hình còn mang ý nghĩa “cánh đồng lớn nhưng trong đó có nhiều nông dân nhỏ”, hay nói cách khác là một hình thức mới để tập hợp nông dân trong điều kiện thâm canh sản xuất lúa hiện nay”- theo đạo diễn Trần Quốc Sơn.
Qua việc tham vấn nhiều ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà nông học... “Đất mặn” đưa đến một thông điệp rất cụ thể: Nhà nông không thể đứng riêng một mình tự sản xuất, tự bảo quản, tự chế biến, tự giải quyết đầu ra cho nông sản của mình.
Liên kết “4 nhà” là định hướng xuyên suốt cần được nhân rộng để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Trong đó Nhà nước là nhạc trưởng để tạo ra một hành lang pháp lý phù hợp, đảm bảo cho sự liên kết 3 nhà còn lại chặt chẽ và hiệu quả.
Doanh nghiệp giữ vai trò hình thành vùng nguyên liệu sản xuất; hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân; từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản; tham gia tích cực phát triển chuỗi giá trị, khai thác tốt hơn và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, tăng thu nhập. Xa hơn nữa, là góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đào tạo nên một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp hơn.
“Chúng tôi mong có một ngày những vùng đất hạn mặn, khắc nghiệt bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở Tây Nam bộ sẽ lại được cất lên lời ca “Ai ơi về miệt Tháp Mười/Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn” như thời mở đất”- ông Sơn kỳ vọng.