Người Việt Nam ở nước ngoài trường hợp thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức, thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể...”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Phóng viên:Thưa nhà văn Nguyễn Văn Thọ, là một nhà văn từng có thời gian sống và làm việc ở Đức, trong cơn đại dịch Covid-19 này, khi đã trở về sống tại Hà Nội, tâm trạng của ông như thế nào?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Thực lòng tôi lo lắng. Sự lo lắng có tính hết sức cá nhân vì tôi còn con quá bé, chứ không phải lo vì đã trở về Việt Nam ngay cạnh nguồn tâm dịch. Những ngày gần đây, khi nghe tin châu Âu bùng phát dịch, nhiều người chết, tôi càng lo, bởi bên Đức tôi còn đứa con gái, tôi còn nhiều người bạn tử tế, thân thiết.
Vậy ông đánh giá như thế nào về công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam?
- Tôi an tâm khi Việt Nam có nhiều kế hoạch tốt cho chống dịch. Phải công tâm mà nói, khó tìm thấy nước nào phản ứng với dịch nhanh nhậy và có biện pháp quyết liệt lại đúng như nước ta. Tôi nói quyết liệt vì Nhà nước Việt Nam huy động tất cả bộ máy vào cuộc, huy động cả quân đội, cảnh sát và các cấp chính quyền coi “chống dịch như chống giặc”. Chính vì thế, dù nước ta cạnh Trung Quốc - nơi phát dịch, cho tới nay, so với nhiều nước, vẫn ít người nhiễm bệnh và chưa có ai tử vong. Vậy là chủ trương và biện pháp đều đúng từ đầu nên hiệu quả cao. Nhiều nước giàu có như Italia, Pháp, Anh hiện nay đang rất lúng túng.
Khi đại dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, nhiều người Việt sinh sống, làm ăn, học tập ở nước ngoài trở về Tổ quốc. Trong góc nhìn của một nhà văn như ông, điều đó cho thấy gì?
- Kiều bào ta ra nước ngoài, dù lí do ra đi thế nào, Đảng và Nhà nước vẫn luôn coi là con dân của nước Việt Nam. Nói cho hình tượng, họ vẫn là con cái Mẹ Việt. Tình hình dịch diễn biến phức tạp, trên một số nước do nhận thức khác ta, nên lượng người nhiễm bệnh, người chết tốc độ quá nhanh. Những kiều bào làm ăn hay học tập tại đó, khi họ cảm thấy không an toàn bằng đất Mẹ thì họ muốn quay về mong Mẹ chở che. Điều ấy dễ hiểu. Con người nói chung, đều có tâm lí tìm nơi dễ sống. Những bà con ra đi vì miếng ăn, hay học tập khi họ cảm thấy nơi họ tha hương không an toàn hơn “Nhà Mẹ” thì họ quay về nhờ che chở. Một bộ phận đã quay về vì họ mong được che chở. Còn một bộ phận khác dù họ biết tại nước sở tại nguy hiểm hơn họ vẫn không về. Số này rất nhiều. Có người cũng không thể về vì nhiều nguyên nhân nhưng cũng có người không về, thậm chí hủy vé đã mua vì không muốn quê Mẹ khó khăn hơn khi phải cáng đáng thêm khó khăn chống dịch. Tôi có nhiều bạn bè như thế. Tôi không phê phán ai về, nhưng thầm cảm phục những người không về vì thương quê Mẹ nghèo khó, không muốn Mẹ Việt Nam nặng gánh hơn.
Tâm lý “về với Mẹ” - như ông nói, đó là lẽ thông thường của người Việt mình. Bao giờ cũng hướng về quê hương, về Tổ quốc, dù nơi đó còn nhiều khó khăn nhưng cái “nghĩa đồng bào” thì không bao giờ cạn. Mặc dù vậy, cũng còn những ý kiến cho rằng, khi bà con trở về, ở chỗ này chỗ khác đã đón tiếp, xử lý, hay ứng xử trong việc đưa đi cách ly chưa được như ý, khiến có sự bất an, thậm chí to tiếng. Ý kiến của ông?
- Tâm lí “về với Mẹ” là tâm trạng của rất nhiều người Việt. Ngay trong nước cũng vậy, con cái ra thành phố xa làng xa xóm, xa mẹ nhưng khi ốm đau khó khăn ai chả muốn về với mẹ, kể cả khi có gia thất riêng. Nay dịch bùng phát ở thành phố thì xác xuất nguy hiểm mắc bệnh nhiều hơn nên một số người cũng về làng với mẹ.
Kiều bào xa nước tha phương cầu thực hay đi học tập cũng vậy thôi, nhất là khi Việt Nam có nhiều chính sách, biện pháp trong biện pháp chống dịch ưu ái sinh mạng con người. Chính sự ưu việt ấy làm người tha hương muốn về với Mẹ Việt Nam và thực tế chúng ta đã làm theo đạo lí muôn đời của Mẹ Việt là giang tay ôm tất cả con cái vào lòng. Nhà nước tốn rất nhiều tiền cho việc này, từ đón rước, cách li, cho ăn ở. Đó là điều không ai phủ nhận. Nhưng mẹ Việt vốn nghèo, lại diễn biến dịch rất nhanh nên việc đón rước các con cũng có khi còn chưa chu toàn, nhất là khi hàng ngàn người cùng bay về trong một khoảng thời gian rất ngắn. Chính vì như vậy gây ít nhiều điều tiếng không cần thiết đã xảy ra. Người trở về cần nhớ rằng, Mẹ nghèo nên khi con về nhà “chăn chiếu không thơm tho như ở xứ người”. Mẹ cũng phải một lúc lo cho hàng ngàn con cái nên như cái chăn co kéo sao cho đứa nào cũng ấm. Bà con trở về cũng phải hiểu và thông cảm cho đất Mẹ, đừng để xảy ra sự kiện đôi co không cần thiết to tiếng như trên sân bay Nội Bài. Về với Mẹ nhận là nhận cả tấm lòng. Về với Mẹ là nương nhờ vòng tay ấm áp chứ không phải chuyến đi du lịch trong lúc thanh bình trên đất nước phát triển. Nếu hiểu được như thế tôi tin rằng mọi sự sẽ êm thấm. Không có gì phải to tiếng với nhau nữa.
Một ngày 3 lần, các chiến sĩ phục vụ bữa ăn cho những người bị cách li tại Trường Quân sự Sơn Tây thuộc Bộ tư lệnh Thủ đô (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội).
Như vậy, hơn bao giờ hết, tinh thần đoàn kết cần phải được phát huy trong cuộc “chống giặc Covid-19” phải không thưa ông?
- Nếu nói chống dịch như chống giặc tức là phải có một sức mạnh toàn dân tộc để thắng giặc. Muốn có sức mạnh ấy thì mọi người phải đoàn kết. Đoàn kết yêu cầu không chỉ nghe theo khuyến cáo phòng dịch để tránh dịch bệnh lây lan mà đoàn kết còn lại sự suy nghĩ thấu đáo để hiểu cho nhau và hiểu cho Nhà nước. Mọi phát ngôn hôm nay nếu ảnh hưởng tới việc chống dịch, làm nội bộ bất an đều là chia rẽ. Chia rẽ tức là góp phần suy yếu đi sức mạnh của dân tộc.
Trong cuộc chiến với Covid-19, cũng còn rất nhiều người Việt Nam khác đã lựa chọn ở lại, bởi họ không muốn quê hương phải thêm “gánh nặng”. Trong số đó, có cả con ông và những người bạn thân của ông ở Đức?
- Đúng vậy. Như tôi nói ở trên, rất nhiều người không chọn con đường quay về Việt Nam. Trong số đó không ít người hiểu tình hình, thương nước thương nhà nên không muốn quê hương thêm gánh nặng. Tôi còn một con gái đang học ở Áo. Châu Âu nói chung kế sách phòng dịch tương đối giống nhau, tôi rất lo lắng cho cháu. Thực tâm nếu con tôi về tôi an tâm hơn, nhưng cháu đã ở lại. Bè bạn tôi đại đa số ở lại. Họ tự cách li, đề phòng hơn. Có bạn như anh Nguyễn Khắc Hùng, có vé rồi vẫn hủy vé. Anh thư về nói, không muốn quê hương và gia đình phải thêm một gánh nặng. Đấy là những người rất có ý thức biết chia sẻ bằng hành vi cụ thể với quê hương. Cần kể thêm rằng Hùng là một trong nhiều người luôn hướng về quê hương trong nhiều cử chỉ từ thiện. Năm nào anh cũng về thăm nhà. Anh từng ra Trường Sa, từng đóng góp nhiều lần cho đất nước mỗi khi địa phương có thiên tai địch họa, dù gia đình anh buôn bán nhỏ. Đấy cũng là một tấm lòng cụ thể với đất Mẹ. Người như Hùng ở Đức nói riêng và châu Âu rất nhiều.
Trang cá nhân của ông trên mạng xã hội những ngày này luôn có bài viết, ý kiến liên quan đến câu chuyện của người Việt xa xứ, về sự trở về, hay ở lại. Trong đó, ông cũng không ngần ngại khi đề nghị: “Các bạn Việt kiều hãy ủng hộ quỹ chống dịch của Nhà nước, ai có ít đóng ít, nhiều đóng nhiều để Nhà nước cứu thêm những người hoàn cảnh như các bạn”. Hay như hôm 17/3, ông đứng ra kêu gọi giúp đỡ nhà văn Lê Xuân Quang đã từ trần tại Berlin, khi con gái ông Quang đang ở Việt Nam do tình hình dịch bệnh nên không sang Đức được. Nó làm nhiều người xúc động vì tinh thần “tương thân tương ái”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”…
- Tôi từng hơn 30 năm lăn lộn ở xứ người. Đắng cay mặn ngọt biết cả. Vì thế có thế chủ quan nói, tôi hiểu tấm lòng của con người xa xứ. Người Việt Nam ta, bĩ cực mới phải tha hương. Tha hương đâu phải ai cũng giàu. Có người vài năm không đủ tiền mua vé máy bay về thăm nhà. Nhưng khi gia đình hay đất nước gặp khó khăn họ không ngần ngại rút cái ví eo hẹp của mình ra gửi về cho đất Mẹ. Hành vi ấy không chỉ vài người mà nhiều người. Cho nên tôi rất tin ở tấm lòng “Bầu ơi thương lấy bí cùng” ở họ. Chúng ta không nên kì thị với vài người bỏ xứ rồi có vài hành vi cực đoan với đất nước. Chê bai mẹ nghèo khó hay không biết thương yêu đất nước số ấy rất ít. Bởi vì đa số Việt kiều đều có tấm lòng với Tổ quốc, dù li quê, trong sâu thẳm tâm can họ vẫn nguyên vẹn đạo lí chung của người Việt. Đấy là sự chở che đùm bọc nhau. Hiểu như vậy, sẽ bớt đi mọi kì thị hay la lối phê phán nhau nặng lời không cần thiết. Hãy tin tôi đi, Việt kiều sẽ ủng hộ bằng vật chất cho đất Mẹ bởi vì đã phần đều hiểu đất Mẹ vẫn đang chở che cho bạn bè, con cái của chính họ lúc trở về.
Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Văn Thọ!