Nếu theo định nghĩa của Công ước Ramsar (Công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước) thì Việt Nam có tới hơn 10 triệu hecta đất ngập nước. Các khu vực đất ngập nước có mức độ đa dạng sinh học cao, mang nhiều chức năng và giá trị quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của người dân nông thôn cũng như đóng vai trò lớn trong đời sống văn hoá xã hội của người dân. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và biến đổi khí hậu
Đất ngập nước ở Việt Nam
Với nước ta, các hệ sinh thái đất ngập nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với an ninh lương thực, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế của nhiều ngành khác nhau như: nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp, giao thông đường thuỷ, dịch vụ du lịch, khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, diện tích đất ngập nước tự nhiên đang bị suy giảm do các hoạt động khai hoang của con người. Với đồng bằng sông Cửu Long, thì do nạn triều cường, xâm nhập mặn, khô hạn bất thường và lũ ít nên sự biến động càng rõ rệt hơn theo chiều hướng xấu.
Đất ngập nước ở Việt Nam phân bố trên tất cả 8 vùng sinh thái. Trong đó hai vùng là đồng bằng sông Cửu Long và châu thổ sông Hồng có diện tích đất ngập nước lớn nhất. Đây cũng là nơi tích lũy đa dạng sinh học cao với sự phong phú của các loài động vật, thực vật. Đây cũng là nơi cư dân đông đúc và cũng lại là nơi dễ tổn thương bởi biến đổi khí hậu.
Nhìn chung, đất ngập nước ở Việt Nam bao gồm các vùng có các hệ sinh thái hoàn toàn nước ngọt như sông, suối, hồ, ao, ruộng lúa, thủy vực ngầm trong hang đá, trảng cỏ ngập nước theo mùa. Hệ sinh thái vùng nước lợ với đầm lầy, kênh rạch, đầm lầy than bùn, cửa sông. Hệ sinh thái vùng biển, ven bờ, đảo trên vùng biển như: rừng ngập mặn, bãi triều, vũng - vịnh... Đây là môi trường sống thuận lợi cho nhiều loài thú, chim, thủy sản cũng như có hệ thực vật hết sức phong phú.
Vớt hoa súng mùa nước nổi Tây Nam Bộ.
Hệ sinh thái đất ngập nước được xác định quan trọng ở tầm quốc gia và quốc tế như các khu Ramsar ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định), Bàu Sấu (Đồng Nai), Tràm Chim (Đồng Tháp), hồ Ba Bể (Bắc Kạn). Đó là nơi cư trú của các loài thực vật, động vật có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn các nguồn gene quý tự nhiên. Đây cũng là nơi sinh sống của các loài chim gắn với môi trường nước, nơi dừng chân của các loài chim di cư từ các nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, theo các kịch bản dự báo về biến đổi khí hậu thì khi nhiệt độ trái đất nóng lên, mực nước biển sẽ dâng từ 75cm đến 1m vào năm 2100 thì có khoảng 20 đến 30% diện tích vùng thấp đồng bằng sông Cửu Long và 11% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng bị ngập và sẽ có khoảng 78 sinh cảnh tự nhiên quan trọng, trong đó có 36 khu bảo tồn thiên nhiên, 8 vườn quốc gia và 11 khu dự trữ thiên nhiên kể cả các khu Ramsar sẽ bị ảnh hưởng.
Đất ngập nước đồng bằng sông Cửu Long
Còn gọi là vùng ngập lũ của sông Mekong ở Việt Nam, Đồng Tháp Mười rộng khoảng 700.000 hecta. Đây là vùng đất ngập nước tự nhiên theo mùa với những sinh cảnh rất đặc trưng như: rừng tràm, đồng cỏ năng ống, năng kim, những cánh đồng lúa ma và những đầm sen rộng lớn.
Đây là vựa lúa lớn nhất của đất nước với diện tích trồng lúa lên đến gần 650.000ha. Đây cũng là vựa cá, vựa trái cây của đất nước. Đóng góp sản phẩm nông nghiệp của Tây Nam Bộ cho đất nước là hết sức to lớn, trong đó giá trị xuất khẩu được coi là đầu tàu của sự phát triển.
Cua - sản vật phong phú ở vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười.
Đồng bằng sông Cửu Long có 1 thành phố trực thuộc Trung ương là Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An (2 tỉnh Long An và Kiến Tường cũ), Tiền Giang (tỉnh Mỹ Tho cũ), Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang (tỉnh Cần Thơ cũ), Sóc Trăng, Đồng Tháp (2 tỉnh Sa Đéc và Kiến Phong cũ), An Giang, Kiên Giang (tỉnh Rạch Giá cũ), Bạc Liêu và Cà Mau. Với từng địa phương, mặc dù nhiều ít khác nhau nhưng đều có vùng đất ngập nước.
Chính nhờ ngập nước mà dần dần vùng này đã trở thành vùng đất phì nhiêu bậc nhất, thuận lợi cho trồng trọt, chăn nuôi cũng như nghề khai thác rừng. Trong những cánh rừng tràm, rừng được ngút ngàn, người dân có thể sống đầy đủ bởi việc lấy mật ong, đánh bắt nhiều loại thủy sản - trong đó nhiều loại có giá trị kinh tế cao.
Sự tham gia của sông Cửu Long đóng vai trò rất quan trọng trong suốt quá trình hình thành vùng châu thổ này. Lượng nước trung bình hàng năm của dòng sông cung cấp vào khoảng 4.000 tỷ m³ nước và vào khoảng 100 triệu tấn vật liệu phù sa. Tuy nhiên, do tác động xấu của biến đổi khí hậu, những năm qua Tây Nam Bộ cũng lại là nơi chịu tác động rõ rệt. Công bố của cơ quan chức năng cho biết, khoảng 40% vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ngập trong nước biển do biến đổi khí hậu. Cạnh đó, nhiều vùng ven biển lâm vào tình trạng hạn hán và nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa.
Những đợt triều cường và nước mặn xâm nhập đang theo xu hướng diễn ra ngày một nhiều hơn, mạnh hơn. Ngay cả thành phố Cần Thơ, khi triều cường, nhiều nơi trong nội thành đã bị ngập nước. Triều dường lên cao đã đẩy nước mặn từ biển tiến sâu vào nội đồng, ảnh hưởng to lớn đến việc trồng lúa nước cũng như nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Một thực tế nữa cũng rất đáng lo ngại đó là do một số nước phía thượng nguồn sông Mekong xây dựng nhiều đập thủy điện, khiến lượng nước cũng như lượng phù sa và nguồn lợi thủy sản về đồng bằng sông Cửu Long ngày một ít. Ba năm qua, hầu như không còn mùa nước nổi ở đây. Chính vì thế, việc có giải pháp thích ứng là vấn đề đã và đang được đặt ra.