Đất nông, lâm trường: Không thể để hoang hóa

Hoài Vũ 10/11/2015 22:10

Ngày 10/11, Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014. Trước tình trạng nhiều nông, lâm trường để đất hoang hóa, có sự khiếu kiện của người dân, nhiều ĐBQH cho rằng cần xác định rõ trách nhiệm giữa cơ quan quản lý ngành và chính quyền địa phương.

Công nhân nông trường chè. (Ảnh: TL).

Xác định trách nhiệm giữa cơ quan quản lý ngành và chính quyền địa phương

Chấm dứt tình trạng “bình cũ rượu mới” là vấn đề được nhiều ĐBQH đặt ra. Sức “nóng” được thể hiện ngay trong quan điểm của ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), đó là trước hàng loạt những bất cập của nông, lâm trường trong thời gian qua, song việc chuyển đổi mô hình công ty mới chỉ dừng lại trên đề án.

“Các công ty nông, lâm nghiệp mới chỉ chuyển đổi tên chưa thực sự thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, sử dụng đất đai theo các quy đinh hiện hành của luật pháp và theo phương án quản lý, sử dụng đất tại các đề án đã được phê duyệt”- bà Xuân đặt vấn đề.

Và cũng từ sự bất cập đó, chỉ ra tình trạng nhiều nông lâm trường quản lý hồ sơ gốc thiếu chính xác với văn bản hồ sơ đất đang quản lý, giữa diện tích đất và quyền sử dụng đất đang bị chênh lớn, nhiều nơi chênh đến hàng trăm ha.

Sắp xếp đổi mới nông lâm trường mới chỉ là hình thức “đổi tên gọi” chứ chưa đổi mới hình thức hoạt động bên trong khi mô hình hoạt động vẫn giữ nguyên như cũ. Hiệu quả sử dụng tài nguyên đất và rừng chưa cao, buông lỏng giao khoán trong thời gian dài, hay một số nơi có tình trạng khoán trắng, chưa gắn sản xuất với chế biến.

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) chỉ rõ, đó chính là do nhận thức chưa đầy đủ, kỷ cương không nghiêm, chưa xử lý nghiêm người vi phạm. Chính vì thế ông Hà đề nghị, Chính phủ cần xác định rõ trách nhiệm giữa cơ quan quản lý ngành và chính quyền địa phương. Các nông, lâm trường phải thuê đất theo quản lý nhà nước, đồng thời nâng cao hiệu quả của các nông, lâm trường.

Theo ĐB Nguyễn Thị Thu Anh (Lâm Đồng), trong khi người dân đang thiếu đất sản xuất thì các nông, lâm trường, thủy điện, khai thác khoáng sản được bố trí đất lớn nhưng sử dụng không hiệu quả, chậm được thu hồi. Theo ĐB Thu Anh, vì cuộc sống khó khăn khiến dân lấn chiếm tranh chấp đất với các công ty nông, lâm trường từ đó dẫn đến tranh chấp, khiếu nại về đất đai.

“Cần phải rà soát lại quỹ đất của từng địa phương chưa sử dụng, kiên quyết thu hồi những diện tích đất sử dụng sai mục đích hoặc không có hiệu quả, gây lãng phí thất thoát, sang nhượng trái phép để xem xét giải quyết cho những hộ dân bị thiếu đất ở và đất sản xuất. Đồng thời xử lý những công ty, nông, lâm trường sử dụng đất sai mục đích nhưng không giao đất cho người dân sử dụng theo quy định của pháp luật”- bà Thu Anh bày tỏ.

10 năm chỉ 8 cuộc thanh tra

“Thanh tra, kiểm toán trong 10 năm thực hiện chỉ có vài cuộc; kiểm toán lồng ghép liên quan đến đất đai. Như vậy nhiệm vụ của các cơ quan để phát hiện ngăn chặn đến đâu? cụ thể vụ nào? việc nào? ở đâu? để bảo vệ pháp luật về đất đai, phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm, chống tiêu cực, góp phần khai thác nguồn thu cho ngân sách nhà nước tháo gỡ khó khăn trong những năm tiếp theo”- ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nêu vấn đề.

Vẫn theo bà Khá, đối với cơ quan tài chính, thanh tra và kiểm toán, các đơn vị được giao khai thác quản lý sử dụng đất đai với diện tích lớn chỉ nộp ngân sách trong 10 năm là khoảng 1.722 tỷ đồng. Vậy có tương xứng với giá trị tài nguyên của quốc gia hay không?

Nói như lời Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở thì “suốt 10 năm qua chỉ thanh tra, kiểm tra có 8 cuộc, nhưng kết quả thu hồi thiệt hại không rõ và xử lý không nghiêm”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang thừa nhận có sự buông lỏng trong quản lý từ Bộ này cũng như các địa phương. “Chúng tôi có khuyết điểm trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chưa tổ chức thanh tra các nông, lâm trường trong việc sử dụng đất, cũng như chưa quan tâm xử lý sau thanh tra nên dẫn đến các việc các vi phạm sau thanh tra chưa được xử lý dứt điểm, còn kéo dài gây bức xúc trong xã hội. Chúng tôi xin nghiêm túc nhận khuyết điểm”- Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, ông thấy rõ những khuyết điểm này và đã cố gắng nhưng chưa khắc phục được. “Tôi xin nhận khuyết điểm này trước Quốc hội. Việc thanh tra xử lý khuyết điểm cũng chậm và không dứt điểm”- Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

ĐBQH Cao Thị Xuân phát biểu tại Hội trường, ngày 11/11. Ảnh: Hoàng Long.

Thu hồi đất lãng phí để giao cho dân

Đó là tâm tư của nhiều ĐB trước thực tế đất nông, lâm trường nhiều nơi bị lãng phí, trong khi đó người dân không có đất sản xuất. ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) chỉ ra hàng loạt những bất cập như: quy hoạch chưa sát thực tế, quy hoạch còn tùy tiện chưa nghiêm, chuyển đổi doanh nghiệp mới chỉ tên gọi; giao đất xa nơi sinh sống và đất xấu cho người dân, từ đó khiến mâu thuẫn người dân với các chủ rừng.

Vì thế ĐB đề nghị, kiên quyết xử lý trách nhiệm và thu hồi toàn bộ đối với việc đất sử dụng không đúng mục đích và giao cho người dân tổ chức lại sản xuất nhằm xóa đói giảm nghèo. Việc giao đất cho dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số phải nằm ở gần khu dân cư chứ không phải giao xa nơi sinh sống, đất khó sản xuất.

Quan điểm này cũng nhận được sự đồng thuận của ĐB Lù Thị Lừu (Lào Cai). Bà đề nghị cần xử lý dứt điểm, thu hồi giao đất cho chính quyền địa phương quản lý để chính quyền địa phương giao đất cho các hộ dân sản xuất.

Nhấn mạnh việc kiên quyết thu hồi đất sử dụng sai mục đích, đất để hoang hóa, vi phạm pháp luật về đất đai, ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đề nghị, ưu tiên giải quyết số đất này cho người dân sinh sống ở địa phương thiếu đất ở, đất sản xuất, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các cá nhân có thẩm quyền tại các nông, lâm trường.

Theo ĐB, sau rà soát thì điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất sao cho phù hợp với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và năng lực quản trị của công ty nông, lâm nghiệp, phù hợp với quy hoạch vùng, ngành và địa phương. Đổi mới cơ chế quản lý trong các công ty nông, lâm nghiệp theo hướng cần tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm công ích theo cơ chế Nhà nước đặt hàng để minh bạch trong cơ chế quản lý đất đai và cơ chế tài chính của công ty.

“Xây dựng phương án tổng thể, sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp. Cần làm rõ nhiệm vụ tổng thể, đặt hàng của Nhà nước, yêu cầu đổi mới hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp gắn với đề án tổng thể tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, hình thành vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn công nghiệp chế biến với tiêu thụ sản phẩm” - bà Thanh kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đất nông, lâm trường: Không thể để hoang hóa