Đất nông nghiệp 'kêu cứu'

Hà Anh 17/11/2022 07:30

Vào mùa xuân này, đất nông nghiệp ở Vành đai ngô của Mỹ đã “chết chìm” trong nước lũ. Trong khi đó, ở lưu vực sông Dương Tử của Trung Quốc, đất lại khô như ngói, còn đất trồng trọt tại Kenya thì cát hóa nghiêm trọng. Nông dân ở các khu vực đều đang phải “chiến đấu” để cứu diện tích đất sản xuất lương thực.

Đất trồng trọt toàn cầu đang bị xói mòn nghiêm trọng. Ảnh: Reuters.

Lượng mưa đối nghịch

Bà Carolyn Olson đã làm mọi cách để bảo vệ trang trại rộng 1.100 mẫu Anh của mình gần Cottonwood, bang Minnesota, Mỹ. Nhưng những trận mưa lũ vào tháng 5 vừa qua đã cuốn trôi quá nhiều đất trong mùa gieo trồng khiến vụ mùa bị thiệt hại.

Ngược lại, tại lưu vực sông Dương Tử rộng lớn - nơi canh tác 1/3 lượng cây trồng của Trung Quốc - lại không có đủ nước. Các nhà khoa học đã sử dụng cách bắn tên lửa vào các đám mây để "gieo hạt" bằng mưa nhân tạo với hy vọng bổ sung cho diện tích đất bị mất chất dinh dưỡng do nhiệt độ nóng nực.

Các nhà khoa học và chuyên gia cho biết, từ Mỹ cho đến Trung Quốc, rồi đến Kenya, những nỗ lực của con người trong việc bảo tồn đất nông nghiệp đang cho thấy thời tiết ngày càng khắc nghiệt, điều này đang làm tổn hại sức sống và làm suy giảm khả năng nuôi dưỡng cây lương thực của đất.

Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), xói mòn đất có thể làm mất 10% sản lượng cây trồng toàn cầu vào năm 2050. Và với dự báo dân số thế giới sẽ tăng lên gần 10 tỷ người vào thời điểm đó, tình trạng suy dinh dưỡng và nạn đói sẽ ngày càng ảnh hưởng đến nhiều người hơn.

Ông Leigh Ann Winowiecki - một nhà khoa học về đất ở Nairobi tại CIFOR-ICRAF (một trung tâm nghiên cứu về lợi ích của cây xanh đối với con người và cảnh quan) - cho rằng, đồng cỏ ở miền Bắc Kenya là một trong số ít nơi gặp khủng hoảng nhất, nơi hạn hán ngày càng sâu sắc đã ảnh hưởng lớn đến thảm thực vật, khiến đất bị hư hại và cản trở những nỗ lực thích ứng của con người.

Các nhà khoa học của Liên hợp quốc cho biết, thiên nhiên có thể mất đến 1.000 năm để tạo ra 2-3 cm đất, điều này khiến việc bảo tồn trở nên vô cùng quan trọng. Thực vật phát triển bằng cách hấp thụ ánh sáng mặt trời và khí cacbonic. Chúng luân chuyển carbon vào đất, cung cấp thức ăn cho vi sinh vật, từ đó tạo điều kiện cho nhiều cây cối phát triển hơn.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính gây ra thời tiết khắc nghiệt là do biến đổi khí hậu, không chỉ gây hại cho mùa màng mà còn làm xói mòn đất và làm cạn kiệt các chất dinh dưỡng như carbon, nitơ và phốt pho. Điều này dẫn đến sự suy thoái của đất - suy giảm khả năng duy trì sự sống của thực vật cũng như các loài động vật khuyến nông và cuộc sống của con người.

Theo LHQ, 1/3 tổng diện tích đất trên thế giới đã bị suy thoái do xói mòn, cạn kiệt chất dinh dưỡng. Ông Ronald Vargas - Tổng Thư ký của Tổ chức Đối tác Đất toàn cầu của FAO - cho biết, thời tiết khắc nghiệt đang đẩy nhanh quá trình thoái hóa đất vốn đã tồn tại bởi nạn phá rừng, chăn thả gia súc quá mức và sử dụng phân bón không đúng cách. “Mất đi 10% sản lượng cây trồng là một vấn đề thực sự nan giải đối với an ninh lương thực” – ông Vargas nói.

Bảo vệ đất nông nghiệp

Vùng Trung Tây nước Mỹ thực sự đang trở nên ẩm ướt hơn theo thời gian. Theo dữ liệu từ Dự án Xói mòn hàng ngày, một sáng kiến của Đại học Iowa, Mỹ, những trận mưa lũ hồi giữa tháng 5 đã cuốn trôi một khối lượng lớn đất ở 20 quận của bang Minnesota.

Ông Rachel Schattman - Đại học Maine - cho biết, tại vùng Trung Tây và Đông Bắc Mỹ, đất đặc biệt dễ bị xói mòn vì lượng mưa lớn hơn bình thường, xu hướng được dự báo sẽ tiếp tục cho đến cuối thế kỷ này.

Trong khi đó, ở lưu vực sông Dương Tử, thời tiết ẩm ướt lại đang được mong chờ. Các vành đai canh tác trong khu vực, trải dài từ tỉnh Tứ Xuyên (ở phía Tây Nam Trung Quốc) đến Thượng Hải (trên bờ biển phía Đông), nhận được lượng mưa ít hơn 40% so với bình thường trong mùa hè này và được nung trong nhiệt độ cao kỷ lục.

Ông Liu Zhiyu - một quan chức tại Bộ Thủy lợi Trung Quốc - cho biết hồi tháng 8, 1/3 đất ở 6 tỉnh canh tác trọng điểm dọc theo thượng nguồn và trung lưu sông Dương Tử khô hơn mức tối thiểu do hạn hán, 10 huyện nông thôn ở các tỉnh đó, đất đã bị "cạn kiệt nước nghiêm trọng".

Chương trình “gieo hạt” bằng đám mây của Trung Quốc đã mang lại một sự cứu trợ nhất định, với 211 hoạt động được triển khai trong tháng 8 để tạo ra lượng mưa trên 1,45 triệu km2 đất nông nghiệp khô cằn, nhưng các chuyên gia cho rằng đó không phải là giải pháp lâu dài.

Ông Zhao Zhiqiang - Phó Giám đốc Văn phòng Điều chỉnh thời tiết của Trung Quốc - ví von, lượng mưa nhân tạo chỉ là “lớp kem dính trên mặt bánh”. Ông cũng không biết chắc liệu các biện pháp can thiệp của con người có thành công hay không. Tương tự, các biện pháp khác như đào hàng nghìn giếng nước ngầm mới và khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng để tăng năng suất cũng chỉ có tác động hạn chế.

Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn lạc quan rằng, thế giới có thể đẩy lùi nguy cơ đất nông nghiệp bị phá hủy ở một số nơi. FAO đã soạn thảo một kế hoạch hành động trong năm nay nhằm cải thiện và duy trì “sức khỏe” của 50% đất trên toàn cầu vào năm 2030, áp dụng các biện pháp như luân canh cây trồng và nông lâm kết hợp, một hệ thống sử dụng đất trong và xung quanh cây trồng và đồng cỏ. Các lựa chọn bao gồm không xới đất để giảm xói mòn và trồng các loại cây che phủ trái vụ để chống xói mòn và mất chất dinh dưỡng.

Bà Cristine Morgan - Giám đốc khoa học tại Viện sức khỏe đất có trụ sở tại Bắc Carolina - cho biết, đất có thể tái sinh nếu nông dân áp dụng các phương pháp tốt một cách rộng rãi hơn. “Chúng ta luôn nghĩ rằng một biện pháp gì đó mới sẽ hiệu quả. Nhưng sự thực là chúng ta chỉ cần thay đổi hành vi của mình" - bà Morgan nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đất nông nghiệp 'kêu cứu'