Trong cuốn “Cách mạng Việt Nam 1945 - Roosevelt, Hồ Chí Minh và De Gaulle trong một thế giới chiến tranh”, xuất bản năm 1991, nhà sử học Na Uy S.Tonnesson viết: “Cuộc cách mạng ở Việt Nam năm 1945 là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Không chỉ có vậy, đó còn là một cuộc cách mạng chính trị chống lại nền quân chủ thối nát và là một cuộc cách mạng xã hội chống lại chủ đất và những người thu thuế (thực dân)”.
75 năm đã trôi qua nhưng khí thế hừng hực của cả dân tộc trong những ngày Mùa Thu tháng 8 năm 1945 như vẫn vẹn nguyên. Lịch sử mãi mãi còn ghi trước đó là những tháng năm đằng đẵng người Việt Nam phải sống trong gông cùm áp bức của thực dân phong kiến, một đất nước mà “nhà tù nhiều hơn trường học”, với hơn 90% dân ta mù chữ.
Nhưng rồi, những con người đau khổ ấy đã vùng lên. Theo tiếng gọi của Cụ Hồ, của Việt Minh, triệu người như một đã đập tan xiềng xích nô lệ, xóa bỏ bất công, “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”. Sức dân như nước, người Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Một đảng chỉ mới thành lập được 15 năm, với vẻn vẹn 5000 đảng viên, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân, cùng toàn dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất.
Ngày 19/8/1945 mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi. Một nước Việt Nam hoàn toàn mới ra đời, nhà nước công nông, người dân được làm chủ vận mệnh của chính mình. Thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám đã cho toàn thế giới thấy sức mạnh vô song của dân tộc Việt Nam.
Từ thành công của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám cho đến ngày 2/9/1945, khi Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, chính thức khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cả một quá trình vận động cách mạng, quá trình cố kết lòng người đoàn kết vùng lên giành độc lập cho dân tộc, tự do cho giống nòi. Quá trình ấy khởi đầu từ ngày 3/2/1930 khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Trong những năm tháng gian nan, những người Cộng sản từng bước gây dựng và phát triển lực lượng, vận động và kêu gọi tất cả mọi người Việt Nam không kể đảng phái, tôn giáo, dân tộc cùng nhau bất khuất đấu tranh vì một nền độc lập.
Năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau những năm dài bôn ba để tìm đường đi cho cách mạng Việt Nam, Người đã trở về trực tiếp cùng những người đồng chí của mình lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Đó là những tháng năm nếm mật nằm gai, không sờn lòng, không nản chí.
Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa thành công, ấy cũng là lúc bắt đầu công cuộc xây dựng đất nước từ con số không. Một đất nước hình thành trong gian khó. Nạn đói năm Ất Dậu 1945 là nỗi đau không thể nào quên của dân tộc Việt Nam. Trong những ngày tàn của chế độ phát xít, thực dân phong kiến, kẻ thống trị chỉ lo sự tồn tại của mình nên đã áp dụng chế độ cai trị hà khác, bóc lột dân ta đến tận xương tủy. Cả triệu người Việt Nam chết đói. Đó là những tháng ngày đẫm nước mắt và máu. Người chết đói nằm lạnh lẽo trên các con phố, nơi bìa rừng, đầu thôn cuối xóm. Xe kéo lăn lọc cọc trên đường kéo theo những con người chết đói không ai biết tên biết tuổi đến những hố chôn tập thể đào qua quít. Họ chết đói mà không một lần được thấy nước nhà độc lập, không một lần được hít thở bầu không khí tự do.
Trong hoàn cảnh ấy, người Việt Nam theo Đảng, theo Cụ Hồ xây dựng đất nước.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh dõng dạc tuyên bố với toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Trong ngày huy hoàng 2/9/1945, hòa trong dòng người nao nức có cả những người nước ngoài. Họ tò mò quan sát cái ngày trọng đại của người Việt Nam. Trong đó có viên thiếu tá tình báo Mỹ, Archimedes L.A Patti, chỉ huy đơn vị OSS (Office of Strategic Services - Cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ) đến Hà Nội vào buổi chiều ngày 22/8/1945.
Trong thiên hồi ký “Why Việt Nam?” - Tại sao Việt Nam?, xuất bản 35 năm sau, Patti viết khi mô tả lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập: “Ông Hồ đứng yên mỉm cười, nhỏ nhắn trong tầm cỡ, nhưng vĩ đại trong sự hoan hô của nhân dân ông. Ông giơ tay ra hiệu im lặng và bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn, nay trở thành nổi tiếng của ông với những lời: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hoá đã ban cho chúng ta những quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và quyền được hưởng hạnh phúc”.
“Ông Hồ dừng lại đột ngột và hỏi người nghe: “Đồng bào có nghe rõ tôi không?”. Quần chúng hô vang đáp lại: “Rõ!”… Chúng tôi không hiểu ông Hồ đã nói gì, nhưng cứ nghe giọng nói của ông, bình tĩnh và rõ ràng, ấm cúng và thân mật và nghe thấy được quần chúng trả lời thì chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa là ông đã thấu tới quần chúng”…
Ngọn gió mát lành Cách mạng Tháng Tám và cái ngày 2/9/1945 lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam mới, lồng lộng thổi trên khắp giang sơn. Ngọn gió mát lành ấy đã thổi bùng lên ý chí hiên ngang bất khuất của người Việt Nam.
Chỉ hơn 1 năm sau cái ngày khai sinh đất nước, người Việt Nam lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm đánh đuổi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Cho tới ngày 7/5/1954, với chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, người Việt Nam đã viết nên một thiên sử vàng mới.
Nhưng rồi với Hiệp định Geneve, đất nước chia cắt thành hai miền. Sông Bến Hải như một vết chém trong lòng dân tộc. Người Việt Nam lại bước vào cuộc chiến đấu vô cùng gian nan kéo dài suốt 21 năm để đánh đuổi đội quân viễn chinh Mỹ cùng bè lũ tay sai. Cuộc trường chinh vĩ đại ấy kết thúc vào trưa ngày 30/4/1975, đất nước sạch bóng thù, giang sơn liền một dải.
Nhưng cũng chỉ vài năm sau, chúng ta lại buộc phải cầm súng chiến đấu chống lại bọn phản động Pol Pot - Ieng Sary để bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế cứu dân tộc Campuchia khỏi nạn diệt chủng. Chưa hết, ngay trong biên giới Tây Nam còn nồng khói súng thì chúng ta lại phải chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc, cuộc chiến do Bắc Kinh phát động từ tháng 2/1979. Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng không chỉ kéo dài 1 tháng sau khi quân Trung Quốc rút về biên kia biên giới, mà nó còn âm ỉ kéo dài suốt 10 năm, cho tới năm 1989 mới chấm dứt.
Nếu không mang trong lòng tinh thần đoàn kết được hun đúc qua hàng năm lịch sử, của tinh thần Cách mạng Tháng Tám thì làm sao đất nước trụ được trong những thời khắc vô cùng hiểm nghèo đó. Người Việt Nam đã giành lại được độc lập sau nghìn năm phong kiến, trăm năm thực dân thì quyết mang máu xương của mình giữ vững nền độc lập ấy.
Hôm nay, nhìn lại chặng đường 75, càng tự hào về đất nước mình, nhân dân mình. Chúng ta tự hào là công dân một đất nước độc lập tự do, tự hào được sống trong thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng. Niềm tự hào vô biên ấy chính là cội nguồn sức mạnh để người Việt Nam vững bước vượt qua mọi gian nan thử thách, xây dựng một đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ kính yêu hằng mong mỏi.
Trong niềm vui Ngày Độc lập, lại như vẳng bên tai lời bài hát: “Khi còn trong nôi, nghe mẹ ru cha đánh giặc cuối trời. Khi ta cầm súng ra đi người thân ta thức cùng sao trời... Việt Nam! Đất nước bên bờ sóng, bão tố của cuộc đời hòa niềm tin thiêng liêng. Việt Nam! Đất nước bao trận thắng, chiến đấu vì độc lập, tự do hôm nay. Cho ta hát tên người Việt Nam ơi!”…