Đất nước Ethiopia

LÃ THẾ TUẤN (Tổng hợp) 30/10/2015 10:27

Ethiopia là một đất nước ở phía đông châu Phi. Đây là đất nước của những dòng sông mà nước hầu như không bao giờ cạn trong năm, đã tạo cho Ethiopia vị trí tiềm năng thủy điện lớn thứ hai của lục địa đen. Trong đó, sông Nile đóng vai trò quan trọng bậc nhất.

Lâu đài Fasi Ghebbi

Ethiopia có diện tích 1.126.829 km2, rộng thứ 27 trên thế giới. Hơn một nửa lãnh thổ của đất nước này là cao nguyên Ethiop, với độ cao trung bình 1.600 - 2.000m). Tại đây nhiều sông và hẻm sâu xuyên cắt đã tạo ra sự đứt gãy về địa hình. Sự đứt gãy đó cũng tạo ra nhiều hồ nước, đem lại cho nơi này một tiểu vùng khí hậu hết sức đặc biệt. Đó là những hồ nước Tana, Abbé, Zway, Abeba và hồ Turkana.
Thủ đô Addis Abeba của Ethiopia cũng nằm ở độ cao rất đáng nể: 2.400m so với mực nước biển. Chính do nằm trên cao nên khí hậu nơi đây rất trong lành, dễ chịu, với hai mùa mưa-nắng trong năm.
Ethiopia được coi là quốc gia diễm lệ với phong cảnh hữu tình, hùng vĩ và nhiều công trình kiến trúc cổ giàu bản sắc. Đây cũng là đất nước của những huyền thoại. Huyền thoại đầu tiên chính là thị trấn cổ Lalibela nằm phía bắc đất nước, trên độ cao 2.500m so với mặt biển, cách thủ đô Addis Ababa 650km. Tuy chỉ có 15.000 dân nhưng thị trấn lại là nơi hành hương của giáo dân cả nước. Thị trấn này đã từng có thời kỳ vang bóng, đó là vào các thế kỉ XII-XIII dưới thời vua Gebre Mesqel Lalibela- vị Hoàng đế cuối cùng của triều đại Zagwe cai trị miền bắc Ethiopia suốt 200 năm. Tới nay, nhiều kiến trúc cổ vẫn tồn tại, nó âm thầm kể lại những câu chuyện của vài trăm năm trước, bất luận những gì đã và đang diễn ra. Tới Lalibela hôm nay, người ta vẫn ngạc nhiên trước 11 nhà thờ đục vào núi đá. Trên đường phố thị trấn Lalibela, hôm nay vẫn là những công dân trong trang phục cổ với chiếc ô che nắng trên đầu.

Trẻ em bộ tộc Suri

Ethiopia có đến 8 khu di sản thế giới, trong đó có thể kể đến:
-11 nhà thờ bằng đá khối dưới triều vua Lalibela (1167-1207) ở Lalibela, được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1978.
- Quần thể lâu đài Fasil Ghebbi tại tỉnh Gonder tây bắc Ethiopia, cách thủ đô Addis Ababa 760 km được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1979. Đây là một thành phố - pháo đài bao bọc các cung điện và nhà thờ với một bức tường thành dài khoảng 900m. Các lâu đài cổ luôn được những hàng cây bạch đàn che mát quanh năm.
-Thành phố cổ Aksum, tỉnh Tigray cực bắc Ethiopia, tiếp giáp với cánh đồng bia (đài tưởng niệm) bằng đá, được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1980. Tại đây có những lăng mộ và đài tưởng niệm (là những tấm bia lớn đặt trước lăng mộ) rất độc đáo.
- Công viên quốc gia Thung lũng sông Awash, tỉnh Shewa, đông Ethiopia, cách thủ đô Addis Ababa 200 km, được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1980. Nơi đây phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nhiều thác nước, sông suối, hệ động thực vật phong phú.

Khung cảnh hoang dã của Vườn quốc gia Simien

- Công viên quốc gia Thung lũng sông Omo, cách thủ đô Addis Ababa 870 km, được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1980. Đây là một vùng thiên nhiên cực kỳ hoang dã, cách biệt với bên ngoài nhờ một dãy núi của Ethiopia cao tới 4.500 m, hệ đầm lầy sông Nile phức tạp và một vùng sa mạc.
- Vườn quốc gia Simien tỉnh Gonder, được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1978. Trong công viên có nhiều đỉnh núi, đèo và vực sâu, kết quả của những trận núi lửa phun cách đây 40 triệu năm và sự xói mòn đất kéo dài hàng nghìn năm. Do chênh lệch độ cao nên mặc dù ở gần đường xích đạo, trên những ngọn núi ở đây vẫn có sương khói và tuyết. Đây là ngôi nhà của 130 loài chim khác nhau và 20 loài động vật có vú, những loài động vật quý hiếm mà không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. 3 loài động vật phổ biến nhất và dễ gặp nhất ở đây là khỉ đầu chó mõm dài Gelada, chó sói và dê núi Walya.

Đối với người Ethiopia, pha cà phê là một nghệ thuật

Quanh khu vực này có nhiều sắc dân cùng sinh sống, đông nhất là 2.500 người dân Amhara. Dưới chân núi là một ngôi làng nhỏ song rất nổi tiếng, là nơi đức vua Haile Selassie và nữ hoàng Elizabeth II đã từng đến tham quan và nghỉ mát vào năm 1960.
Người ta nói rằng, đến Ethiopia nếu không ghé lại dãy núi Semien, núi lửa Dallol, hồ Tana và tham dự lễ hội Timkat thì sẽ rất đáng tiếc. Tại những nơi này, có tới 200 bộ tộc cùng sinh sống. Họ nói 83 thứ tiếng khác nhau. Đáng chú ý, những bộ tộc sống quanh hồ Tana tới nay vẫn duy trì lối sống nguyên thủy như cha ông họ cách đây hàng ngàn năm. Tana là hồ lớn nhất Ethiopia (diện tích 3.630 km²) với 37 hòn đảo. Dòng thác Nile Bleu đổ xuống hồ tạo nên một thắng cảnh thiên nhiên hết sức ngoạn mục.

Trên đường phố thủ đô Addis Ababa


Cũng không thể không nói tới vùng Danakil Depression của Ethiopia được coi là nơi nóng nhất trái đất, nhiệt độ trung bình trong năm là 42 độ C, bởi đây có nơi núi lửa Dallol lừng danh, theo ngôn ngữ bản địa có nghĩa là “sự hòa tan”. Đất đai khu vực này phủ một màu đỏ xẫm, pha lẫn màu xanh lá, vàng và trắng của muối kali, các ao nước và dòng suối khoáng nóng. Tất cả đã tạo nên một vẻ đẹp lạ lùng.
Cuối cùng, đó chính là “văn hóa cà phê” của người Ethiopia. Người ta cho rằng, người dân nơi đây đã biết cách pha chế cà phê từ 3.000 năm trước. Người Ethiopia coi việc pha cà phê là một nghệ thuật: Hạt cà phê được xay xát thủ công bằng cách sử dụng một cái bát gọi là mukecha và một chiếc que gọi là zenezena. Xay song sẽ chuyển sang jebena- một chiếc ấm bằng đất nung, đặt lên bếp để đun. Một con số không chính thức: nước này có tới 12 triệu người nghiện cà phê!

Một ngôi nhà kiến trúc truyền thống

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đất nước Ethiopia