Trước thông tin đề xuất đưa 3 huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn lên thành phố, hàng loạt tờ rơi, biển quảng cáo mua, bán, ký gửi đất thổ cư, đất vườn, đất trang trại,… xuất hiện la liệt dọc hai bên đường.
Thị trường BĐS ven đô dậy sóng
Theo khảo sát của phóng viên, tại Hiền Ninh, tờ rơi, biển rao bán đất dọc đường, trung bình chưa đầy 100 m sẽ có 1 tờ rơi rao bán đất. Người dân cho biết đất khu vực này đang dao động ở mức 4 – 6 triệu đồng/m2. Còn tại thôn Lâm Trường (xã Minh Phú) các văn phòng giao dịch bất động sản (BĐS) xuất hiện nhiều.
Thậm chí đất lâm nghiệp, đất rừng... cũng được cò đất rao bán rầm rộ. Trên trang rao bất động sản, đất rừng có sổ lâm bạ ở thôn Lâm Trường được một số hộ chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất vườn quả, trong đó có một phần diện tích được xây công trình trông coi đang được rao bán cho những người có nhu cầu xây homestay, biệt thự nghỉ dưỡng với giá 130 – 140 triệu đồng/1 sào (360 m2).
Còn tại khu đất gần khu du lịch Thiên Phú Lâm, đất lâm trường giáp khu biệt thự từng bị kết luận vi phạm trước đây cũng nườm nượp khách hàng đến xem đất.
Đất các khu vực gần hồ Anh Bé, Ban Tiện, Long Mỹ (xã Minh Phú) giá dao động trong khoảng 2 – 6 triệu đồng/m2. Riêng khu vực hồ Đồng Đò thuộc địa phận thôn Minh Tân, xã Minh Trí đất có giá từ 4 – 8 triệu đồng/m2; cá biệt có 100 m2 đất bán đảo hồ Đồng Đò đang được rao bán ở mức 12 triệu đồng/m2.
Một số khu vực ven sông trước đây giá vốn chỉ dao động tầm 17 - 18 triệu đồng/m2, nay đã lên đến 30 triệu đồng/m2; tại xã Xuân Canh, huyện Đông Anh trước khi có quy hoạch, mảnh đất ở đường ngõ rộng 3 m chỉ khoảng hơn 20 triệu đồng/m2 nhưng đã tăng gần gấp đôi chỉ sau ít ngày xuất hiện thông tin quy hoạch, dao động 34-37 triệu đồng/m2.
Khảo sát thông tin mua bán trên một số website về nhà đất cho thấy, với đất thổ cư tại Đông Anh, vào thời điểm "sốt", đất được giao với giá 40 triệu – 150 triệu đồng/m2 (các khu vực như Xuân Nộn, Kim Chung, Nguyên Khê).
Cẩn trọng cò đẩy giá ăn theo thông tin quy hoạch
Trước đó, các huyện lên quận, đến các thông tin quy hoạch liên quan tới khu vực Hòa Lạc, Ba Vì, Mê Linh… trước đây đều bị giới đầu cơ lợi dụng để thổi giá đất.
Theo dõi diễn biến thị trường có thể thấy, mỗi khi xuất hiện thông tin quy hoạch dự án, quy hoạch lên quận, thành phố, sáp nhập huyện vào thành phố… giá đất thường bị “thổi” tăng cao bất thường rồi nhanh chóng “quay đầu” giảm giá.
Trong một hội thảo gần đây về thị trường bất động sản sau dịch Covid-19, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đã nhấn mạnh việc giá đất nền tăng nóng ở một số địa phương thời gian qua là do một số nhóm nhà môi giới, đầu cơ, kích cầu. Chính vì vậy, giá đất cũng đã nhanh chóng hạ nhiệt.
Lần này, các chuyên gia cũng cảnh báo các thông tin về quy hoạch 3 huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn lên thành phố chỉ mới là đề xuất, do đó cần cẩn trọng để không tạo ra các cơn "sốt" đất ảo. Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, nhận định thông tin đề xuất quy hoạch 3 huyện của Hà Nội lên thành phố có những điểm tương đồng với việc TP HCM sáp nhập 3 quận để thành lập TP Thủ Đức.
Theo ông Khương, khi xuất hiện các thông tin về hạ tầng giao thông, xây dựng khu đô thị thì giá đất các khu vực lân cận sẽ có xu hướng tăng. Tuy nhiên, ông cho rằng nhà đầu tư cần tính toán giá trị tăng đó so với thời gian có đáp ứng được như kỳ vọng hay không. Ngoài ra, khi chưa nắm rõ thông tin về quy hoạch thì nhà đầu tư cần cân nhắc, lưu ý đến vấn đề quản trị rủi ro, thận trọng vấn đề pháp lý.
Từ “cơn sốt” đất quy hoạch sông Hồng vừa qua, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cao cấp Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho rằng, việc đón sóng đầu tư thường được các nhà đầu tư tính đến khi xuất hiện công trình hạ tầng quan trọng và cần chú ý quan sát cẩn thận về tiến trình thực hiện của bản quy hoạch.
Việc ra quyết định vào thời điểm nào còn tùy thuộc vào kỳ vọng cũng như tiềm lực tài chính của mỗi nhà đầu tư trong tương quan cạnh tranh với các khu vực khác cũng như tiến độ triển khai quy hoạch…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng khuyến cáo, khi xác định "đón sóng" hạ tầng, nhà đầu tư cần chú trọng tính chuẩn xác của thông tin, xác định là đầu tư dài hạn và không phải dự án nào cũng đúng tiến độ. Nếu không nắm được thông tin, nhà đầu tư không nên chạy theo “cơn sốt” mà đổ xô đi đầu cơ, trữ đất, dễ chịu rủi ro lớn…