Đặt tên đường phố tại Thủ đô: Ưu tiên tên địa danh

Minh Quang - Minh Quân 07/11/2015 00:57

Sử dụng tên nhân vật lịch sử để đặt tên đường phố vừa là một cách tôn vinh các cá nhân tiêu biểu của dân tộc, vừa là việc làm tỏa những giá trị văn hóa- lịch sử trong cộng đồng. Hiện đang có những ý kiến băn khoăn về việc đặt tên danh nhân cho đường phố Hà Nội. Dẫu vậy theo các chuyên gia, nếu có thì băn khoăn lớn nhất chính là việc sử dụng những cái tên danh nhân sao cho thật xứng tầm. 

Đặt tên đường phố tại Thủ đô: Ưu tiên tên địa danh

Đường Trường Sa, Hoàng Sa- TP Đà Nẵng.

Tên địa danh- giải pháp cho các khu đô thị mới

Tại cuộc hội thảo tìm giải pháp qui hoạch việc đặt tên đường phố và các công trình công cộng tại Thủ đô vừa diễn ra, ThS Phùng Thị Thanh Lâm - Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐHQG Hà Nội) bày tỏ băn khoăn: Từ năm 1945 đến nay, những tiêu chí đặt đổi tên đường phố theo tên nhân vât lịch sử đã có nhiều thay đổi.

Nếu như năm 2001, UBND TP Hà Nội nhấn mạnh tiêu chí “có nhiều đóng góp vào công cuộc dựng nước và giữ nước của Thủ đô và của cả dân tộc, được nhân dân kính trọng và yêu mến… Danh nhân thuộc tất cả các lĩnh vực: chính trị, văn hóa xã hội, khoa học, quân sự… được chọn đặt tên”, thì đến Qui chế đặt tên đường phố năm 2005 lại nhấn mạnh tiêu chí “Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, được nhân dân suy tôn và thừa nhận…”.

Về điều này, KTS Ngô Doãn Đức đã phân tích: Hiện nay đối tượng cần đặt và đổi tến là những đường phố mới mở, cải tạo mở rộng hoặc kéo dài trong các khu đô thị cùng một khối lượng không nhỏ các đường trong các làng xã trước đây nay trở thành phường, quận, phải tiến hành việc đặt và đổi tên cho phù hợp với quản lý đô thị.

Đường của làng xưa vốn có đặc điểm riêng là các trục đường giao thông, không vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, đôi khi chạy ngoằn ngoèo xuyên suốt chiều dài của cả làng và khi trở thành “phố”. Nay được đô thị hóa thì không đơn giản chỉ là cái tên gọi, việc gắn một cái tên vào cần bàn bạc với dân cùng ý kiến chuyên gia.

Theo KTS Ngô Doãn Đức, hiện nay, bên cạnh khu phố cổ với những tên phố rất ấn tượng và khu phố cũ đã đổi tên nhiều phố, Hà Nội đang hình thành các khu đô thị mới. Nhưng do chưa có quy hoạch chi tiết, sắp xếp tổng thể tên phố nên mỗi lần bổ sung, thì như chỉ lấp đầy tên vào chứ chưa tạo ra bố cục các tên phố, tuyến phố có ý đồ như trước.

Do vậy việc dùng tên địa danh để đặt trên phố trong khu đô thị mới vẫn dễ chấp nhận hơn là dùng tên người. Nếu đặt tên theo địa danh hoặc đánh mã số thì đơn giản hơn nhiều so với tên người, vì tên người dễ bị so sánh về công tích với độ ngắn dài và độ to nhỏ của đường, phố chọn đặt tên, nếu ngoằn ngoèo gấp khúc thì lại phản bác ý tôn vinh…

Hơn nữa, dùng tên địa danh thì đâu cũng có, rất thuận cho việc đặt tên phố vì chắc chắn không bị đắn đo phố to nhỏ, dài ngắn… Tên dịa danh lại dễ nhớ, dễ tìm, dễ chỉnh sửa (nếu có). Thực tế một số nơi đã đặt tên đường phố theo địa danh thì chỉ một lần đi là nhớ, hỏi thăm là đến… cần được áp dụng và nhân rộng.

Tuy nhiên cũng có cái khó là nhiều địa phương chỉ có một tên địa danh cổ nhưng lại có hàng chục tuyến đường, phố trên địa bàn, tên địa danh chỉ đặt cho một tuyến, còn các tuyến khác không còn địa danh để đặt bắt buộc phải chọn các dạng tên khác để đặt như tên nghề, tên người, tên di tích…

Lựa chọn tên danh nhân cho phù hợp

GS Phan Huy Lê cho rằng, việc đặt tên phố không chỉ là sự tôn vinh, bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa lịch sử, mà còn có ý nghĩa cực kỳ thực tiễn. Đây chính là yêu cầu số một của việc đặt tên đường và phố, tức địa chỉ mã số của các gia đình, cơ quan cho nên yêu cầu hết bức xúc. Nhiều khi chính quyền làm không kịp, dân người ta tự đặt. Mà tự đặt thì cũng có khi có lựa chọn, có khi rất tùy tiện, nhiều cái làm hơi quá đà. Dám dựng lên biển tên đàng hoàng như đường Ướp lạnh. Rõ ràng chúng ta chưa kịp thời đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Theo đó, trong qui hoạch lại ngân hàng tên phố của Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội cần tổng rà soát lại toàn bộ tên phố đã đặt đến hôm nay, thống kê, phân loại địa danh, loại hình nhân vật, lên bản đồ để địa danh, nhân danh hình thành cụm như thế nào. Để có cái nhìn tổng thể, sau đó chúng ta thấy qua toàn bộ quá trình đặt tên phố có điều gì thỏa đáng, có điều gì bất cập.

Nhưng nên xác định lại tiêu chí, trong đó ưu tiên bảo tồn địa danh. Lúc đầu chúng ta chọn địa danh có tiếng, gắn liền với lịch sử, nhưng số địa danh không nhiều, khối lượng tên phố ngày càng lớn. Cho nên chúng ta phải chấp nhận các địa danh cổ.

GS Phan Huy Lê phân tích thêm: Đây là Thủ đô nên không chỉ có địa danh Hà Nội, mà địa danh tiêu biểu của các vùng miền khác của đất nước cũng nên có mặt ở Thủ đô. Hà Nội nay chỉ có phố Huế, địa danh tiêu biểu khác chưa có. Hoặc tại sao địa danh Hoàng Sa, Trường Sa chưa có mặt trên các tên phố ở Hà Nội. Như vậy là Thủ đô đi chậm một bước, nhiều nơi đã đặt tên địa danh Hoàng Sa, Trường Sa trước đó.

GS Phan Huy Lê cho rằng, một số tên phố gần đây gắn liền với di sản văn hóa, tên đình chùa… đã khai thác nhiều, nhưng cũng phải xem xét ở cấp độ nào thì đưa vào. Có nghĩa là phải có bộ tiêu chí, tiêu chuẩn hóa.

Còn về việc chọn tên danh nhân để đặt cho đường phố, theo phân tích của GS Phan Huy Lê, nhiều nơi trên thế giới không đặt tên danh nhân nhưng Hà Nội chúng ta có truyền thống đặt tên đường phố bằng tên danh nhân. Nhiều nhân vật không phải tầm cỡ lớn nhưng có công với cộng đồng, tổ sư các nghề coi trọng, “Cho nên tôi rất ủng hộ không nên bỏ truyền thống này. Nhưng mà danh nhân đưa vào phải cẩn thận, rà soát kỹ và phải công minh về phương diện này. Chẳng hạn gần đây chúng ta đặt tên đường phố bằng tên một số danh nhân, nhưng nhìn lại thời gian gần đây phần nào nhiều nhân danh thời hiện đại quá nhiều… trong đó các nhân danh lịch sử hơi ít. Chúng ta bắt đầu bổ sung, ví dụ các vương triều. Trước đây triều Mạc chưa có, giờ ta bổ sung thêm hai vị; các chúa chưa có, giờ ta bổ sung Chúa Nguyễn Hoàng…”

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đặt tên đường phố tại Thủ đô: Ưu tiên tên địa danh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO