Giới chức Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels đã bắt đầu một tuần lễ mới trong tâm trạng tốt, khi các nước thành viên cuối cùng đã nhất trí về việc phân phối các nguồn quỹ trị giá khoảng 2 nghìn tỷ euro trong vòng 7 năm tới.
Thỏa thuận lịch sử
Gói cứu trợ này, được thống nhất trong sáng ngày thứ Ba vừa qua sau 4 ngày đàm phán khó khăn, bao gồm 1,3 nghìn tỷ ngân sách EU trong vòng 7 năm cộng thêm gói cứu trợ khẩn cấp 858 tỷ euro. Gói này được đưa ra nhằm hỗ trợ khối phục hồi sau dịch COVID-19, thay vì bỏ mặc các nước nghèo hơn trong khi các nước giàu hơn phục hồi trở lại.
Việc giúp cho 27 quốc gia thành viên EU gạt qua bất đồng để đạt được sự đồng thuận về gói cứu trợ sau 4 ngày đàm phán rõ ràng là một thành công lớn. Nhưng không thể bỏ qua thực tế rằng EU đã nhất trí về một sự dàn xếp có thể gây ra nhiều vấn đề trong khoảng thời gian sau này.
Trong những năm gần đây, châu Âu buộc phải thừa nhận rằng EU đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng hiện hữu, khi một số nước thành viên vi phạm vào các quy tắc dân chủ. 2 quốc gia bị cho là vi phạm nhiều nhất trong mắt của EU là Hungary và Ba Lan - những nước mà trong những năm gần đây thường xuyên hạn chế tự do báo chí, đàn áp những ý kiến phê bình.
Quỹ khẩn cấp phục hồi sau Cobvid-19, đầu tiên được đề xuất bởi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong tháng 5, và luôn gây tranh cãi kể từ sau đó do các khoản tiền sẽ được huy động coi như khoản nợ chung của EU và sau đó được phân phối dưới dạng các khoản cho vay và cho vay không hoàn lại.
Bất chấp nhiều tranh cãi, các nước thành viên đều hiểu rõ rằng EU sẽ áp đặt cách phản ứng chung trước đại dịch Covid-19 ở một mức độ nào đó. EU cũng sẽ sử dụng nguồn vốn này như sự khuyến khích để kéo các nước như Ba Lan và Hungary thoát khỏi vị trí hiện tại.
EU trước nay luôn phải vật lộn với việc đối phó với các nước thành viên vi phạm nguyên tắc chung. Điều 7 của Hiệp ước Lisbon - cung cấp một cơ chế để trừng phạt các nước thành viên bằng cách tước quyền bỏ phiếu của họ - luôn luôn có lỗ hổng. Tiến trình này đòi hỏi tất cả các nước thành viên phải đạt sự đồng thuận mới có thể trừng phạt một nước phạm lỗi, điều mà khó có thể xảy ra được.
Bởi vậy mà từ năm 2018, Brussels đã bắt đầu thảo luận tới việc thiết lập một dang cơ chế ngoại vi ngoài Hiệp ước Lisbon để giúp tiến trình trừng phạt dễ dàng hơn.
Thỏa thuận mà EU đạt được trong hôm thứ Ba cũng đề cập tới một cơ chế như vậy. Nhưng giới phê bình cho rằng nó chưa đủ mạnh: Thay vì trực tiếp rút nguồn vốn viện trợ đối với một nước phạm lỗi, văn bản cuối cùng mà giới chức Brussels đưa ra chỉ nói chung chung, nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp và bảo vệ các lợi ích tài chính của EU.
Bất đồng sâu sắc
Kết quả này khiến nhiều người không hài lòng, và cũng thể hiện sự chia rẽ sâu sắc trong khối EU.
Giới chức Pháp tiết lộ rằng Tổng thống Macron “đã đập mạnh tay xuống bàn” trong cơn giận, Thủ tướng Hungary Viktor Orban thì nói rằng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ghét ông “bởi Hungary, theo quan điểm của ông ta, không tôn trọng thượng tôn pháp luật và cần bị trừng phạt về mặt tài chính”.
“EU luôn luôn ngại ngùng mỗi khi hành động với một nước thành viên có vấn đề về nguyên tắc dân chủ” - Daniel Keleman, chuyên gia phân tích chính trị thuộc ĐH Rutgers nói - “Những nước này luôn ẩn nấp phía sau thực tế rằng Điều 7 không có tác dụng”.
“Mọi người thường quên rằng EU không phải một nhà nước có quyền lực của riêng mình để thực thi pháp luật. Nếu một nước thành viên phớt lờ các phán quyết của Hội đồng châu Âu, đe dọa các vị thẩm phán thực thi luật của EU, điều đó không chỉ đe dọa tới nền dân chủ mà còn làm xói mòn toàn khối” - ông Keleman nói thêm.
Đầu năm nay, Ba Lan đã thông qua một bộ luật cho phép Chính phủ nước này trừng phạt những vị thẩm phán đưa ra các phán quyết mà Chính phủ nước này không chấp nhận. Và mặc dù Hungary và Ba Lan đang là hai nước bị coi là tâm điểm quan ngại của EU, họ không phải là những thành viên duy nhất vi phạm một số nguyên tắc cốt lõi của EU.