Thời gian qua, nhiều vụ án về đất đai liên quan đến không ít quan chức khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Câu hỏi đặt ra, tại sao nhiều người giữ vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước lại dính dáng đến sai phạm này?
Những quan chức bị xử lý liên quan đến đất đai
Hàng loạt vụ tham nhũng, sai phạm về đất đai, gây thất thoát lãng phí đất đai của các quan chức từ Trung ương đến địa phương được phanh phui, xử lý vừa qua. Có thể kể đến các vụ án như nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài và một số cán bộ cấp sở bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan đến khu đất số 8 - 12 Lê Duẩn, Quận 1, TP HCM. Hậu quả, ông Tài phải nhận 8 năm tù về tội về tội danh trên;
Vụ án lạm dụng chức vụ, tiếp tay cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) thâu tóm đất công khiến hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng - Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến lần lượt lĩnh các mức án 17 năm tù và 9 năm tù; Vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai liên quan đến giao “đất vàng” ở Nha Trang cho doanh nghiệp tại trường Chính trị Khánh Hòa để làm dự án BT.
Gần đây nhất là vụ cựu Bí thư tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam bị khởi tố vì những sai phạm liên quan đến hai mảnh đất 43 ha và 145 ha ở vị trí đắc địa, trung tâm thành phố Thủ Dầu Một.
Đáng lưu ý, vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tại TP HCM. Đây là vụ án liên quan đến hàng loạt quan chức lãnh đạo cơ quan từ Trung ương đến địa phương.
Bị khởi tố và bắt giam gồm ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương), bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương hiện đang bị truy nã), ông Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương) và nhiều cán bộ các sở, ban, ngành TP HCM bị đề nghị khởi tố về tội vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Như vậy, từ trước đến nay đã có rất nhiều các vụ án sai phạm trong lĩnh vực đất đai được đưa ra xử lý. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm này vẫn đang tiếp diễn tại nhiều địa phương.
Nguyên nhân từ đâu?
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội, các vụ án sai phạm trong lĩnh vực đất đai hầu hết có sự tiếp tay của quan chức. Từ việc giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, đến hô biến “đất vàng” của nhà nước thành tài sản tư với mức giá “ưu đãi”. Một trong số nguyên nhân khiến cho quan chức tiếp tay là sự suy thoái về mặt đạo đức, dễ bị cám dỗ về vật chất.
“Phải thừa nhận rằng đất đai là tài sản có giá trị lớn, là “miếng mồi béo bở” mà nhiều đối tượng quan tâm, lợi dụng để trục lợi. Nếu như đạo đức của cán bộ làm công tác quản lý không vững, không sáng hoặc trình độ non kém thì rất dễ bị mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo, giật dây,… thực hiện hành vi vi phạm trong quản lý về đất đai hoặc thiếu trách nhiệm gây thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước” - ông Cường nói.
Thêm vào đó là hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai còn sơ sài, thiếu thống nhất…làm hạn chế năng lực công tác của cán bộ. Tuy nhiên nguyên nhân gốc rễ của vấn đề vẫn là những bất cập, hạn chế trong chính sách quản lý về đất đai, quản lý kinh tế mà biểu hiện là những bất cập, hạn chế của Luật Đất đai đang được nghiên cứu sửa đổi thời gian qua. Việc chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các quy định pháp luật về đất đai chính là cơ hội phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Hiện nay Luật Đất đai còn có những xung đột, mâu thuẫn với Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản… Nhìn chung, các xung đột, chồng chéo này dẫn đến sự lúng túng trong quản lý và tạo ra những khe hở của luật pháp để một số cá nhân và tổ chức lợi dụng nhằm tham nhũng và trục lợi, gây lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước.
Một vấn đề nữa cần được đề cập là vấn đề tập trung quyền lực nhà nước trong công tác quản lý đất đai hiện nay, vẫn còn tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” mà biểu hiện rõ ràng nhất là trong việc giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất và cơ chế về giá đất. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Hiện nay thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất đều chủ yếu thuộc về UBND cấp huyện, cấp tỉnh.
Trong khi đó thẩm quyền tính giá đất để giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; định giá đất để bồi thưỡng, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất lại cũng thuộc về những cơ quan này. Quy định như vậy có thể tạo ra cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” là hoàn toàn có thể diễn ra.
Mặt khác, hiện nay khung giá đất, phương pháp định giá đất quy định trong Luật Đất đai 2013 vẫn mang nặng tính số học, chưa thể hiện được đầy đủ đặc tính kinh tế của đất đai, chưa phù hợp với thực tế của thị trường đất đai, do đó dễ bị các đối tượng cấu kết, lợi dụng để trục lợi làm thất thoát lãng phí sản đất đai.
Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất cũng đang bộc lộ một số bất cập. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất vẫn đang bộc lộ nhiều lúng túng, bất cập…
“Nếu như các kẽ hở của Luật Đất đai nêu trên không được lấp đầy, quyền lực nhà nước không được kiểm soát chặt chẽ thì những sai phạm trong lĩnh vực đất đai vẫn sẽ còn tiếp diễn” - Luật sư Cường cảnh báo.
Vào tháng 5/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu sớm hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai. Mới đây ngày 19/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về tiến độ sửa đổi Luật Đất đai 2013. Theo đó, dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần một tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), cho ý kiến lần hai tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), Quốc hội khóa XV.