Dấu ấn của 'thành phố trong thành phố'

THÀNH LUÂN 16/01/2023 08:00

Những dấu ấn đột phá, những điểm mạnh và điểm cần cải thiện của mô hình “thành phố trong thành phố” đã được các đại biểu, lãnh đạo TP Thủ Đức nhìn nhận tại Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập TP Thủ Đức trực thuộc TPHCM (1/1/2021 - 1/1/2023) với chủ đề “Thủ Đức - Dấu ấn 2 mùa xuân” diễn ra cuối tuần qua.

Một góc đô thị kiểu mẫu nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc TP Thủ Đức.

Theo ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, thành tựu nổi bật nhất là thu ngân sách năm 2022 của Thủ Đức đạt tới 20.071 tỷ đồng, tiếp tục duy trì tốp đầu trong số các đô thị được xếp hạng, đồng thời cao hơn mức GDP tính theo đầu người của cả nước. Với cơ chế đặc thù được áp dụng theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, vốn áp dụng chung cho TPHCM, bộ máy chính quyền TP Thủ Đức đã thể hiện sự thích nghi nhanh, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước, trong đó đã xây dựng được Trung tâm điều hành thông minh (IOC). Nhờ đó, đã triển khai chuyển đổi số một cách nhanh chóng, giúp đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành hoạt động của chính quyền thành phố. Vào thời điểm thành lập khi sáp nhập 3 quận: 2, 9, Thủ Đức (TPHCM), bối cảnh kinh tế - xã hội của thành phố non trẻ, chịu ảnh hưởng của đợt dịch bệnh Covid-19 nặng nề nhất kể từ khi bùng phát.

Hiện Thủ Đức đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của cả TPHCM. Trong số này, chỉ tính riêng năng suất của Khu công nghệ cao TPHCM đứng chân trên địa bàn TP Thủ Đức đã thường xuyên cao gấp 16-17 lần năng suất lao động của cả nước và gấp từ 6,6 lần năng suất lao động của toàn TPHCM. Nhờ đó, chỉ riêng Thủ Đức hiện chiếm khoảng 7% GDP của cả nước và trở thành khu vực hạt nhân thúc đẩy kinh tế “đầu tàu” TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

Với vị trí địa kinh tế đặc biệt, là cửa ngõ vùng Đông Nam Bộ và là khu vực kết nối hoàn hảo giữa các đô thị lớn của Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và trung tâm TPHCM, tốc độ đô thị hóa của Thủ Đức tiếp tục gia tăng với 50-60% dự án đường giao thông công cộng và nằm ở trục chính của hạ tầng giao thông vùng và liên vùng. Với cơ chế đặc thù tiếp tục được gia hạn bởi Nghị quyết 54, cùng nguồn nội lực hiện tại, TP Thủ Đức hoàn toàn có cơ hội trở thành vùng động lực phát triển không chỉ đối với TPHCM mà còn đóng góp vai trò ngày càng lớn hơn đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chỉ tính trong ngắn hạn, đến năm 2025, Thủ Đức có thể thu hút đến khoảng 60.000 - 70.000 doanh nghiệp theo các dự báo quy hoạch chung của thành phố.

Bên cạnh đó, một trong những khó khăn rất lớn của TP Thủ Đức, đó là trong hai năm qua từ tổng biên chế của 3 quận cũ đã phải cắt giảm 30% trong khi khối lượng công việc ngày càng tăng. Đến cuối năm 2022, Thủ Đức đã phải cắt giảm xuống còn 459 người ở các cơ quan chuyên môn và 165 người ở các đơn vị sự nghiệp. Đứng trước áp lực này, lãnh đạo thành phố kiến nghị, Thủ Đức cần được trung ương ban hành một Nghị quyết riêng để tập trung nguồn lực, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, chủ động trong một số quyết sách quan trọng.

Ở thời điểm hiện tại, TP Thủ Đức đang được UBND TPHCM ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn ở 4 lĩnh vực cơ bản, gồm xây dựng; môi trường - đô thị; kinh tế - ngân sách - dự án; tư pháp; văn hóa - giáo dục - thông tin - xã hội và lĩnh vực khoa học công nghệ. Trong khi chờ một nghị quyết riêng, các cấp lãnh đạo của trung ương và TPHCM đang tiếp tục dốc sức để phát triển hiệu quả mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dấu ấn của 'thành phố trong thành phố'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO