Tôi làm quen với tài năng sân khấu - nghệ sĩ Doãn Hoàng Giang từ năm 1974 khi anh vẫn đang là diễn viên mới bước vào nghề…
Ngôi sao sáng của sân khấu
Vì tình yêu sân khấu đã đẩy tôi đến với những người làm kịch. Khi đó bên cạnh những nhân vật lớn của làng kịch nước ta như Lộng Chương, Thế Lữ, Dương Ngọc Đức… tôi có hân hạnh được tiếp xúc, anh Giang vẫn là người tôi cảm thấy gần gũi, thân thiết. Không chỉ bởi anh hơn tôi ít tuổi nhất trong số những người nổi tiếng của sân khấu tôi biết (anh Giang hơn tôi đúng một thập niên) mà còn vì tính tình phóng khoáng, dễ gần của anh.
Chính vì thế tôi thường đến nhà anh ở Phố Huế. Một căn nhà trong ngõ, quay lưng ra phố. Cầu thang lên nhà nhỏ với những bậc chênh vênh, hơi uốn lượn, và đặc biệt không có tay vịn. Cầu thang thực sự phù hợp với anh Giang - vị chủ nhà trông bề ngoài thì đầy vẻ giang hồ, bia rượu, nhưng anh Giang hiếm khi nào nhấp một giọt rượu. Mỗi lần đến hai anh em tôi thường trò chuyện về những vở diễn và kịch bản. Lần ấy khi hai anh em tôi đang say sưa đàm đạo thì chị Nguyệt Ánh - vợ đã ly hôn của anh Giang đến. Anh bèn bảo tôi: “Giờ chú về đi, anh có chuyện cần nói với chị Ánh”…
Rồi tôi chạm với nghệ thuật sân khấu của anh Giang khi anh cùng với nhà văn Võ Khắc Nghiêm viết để rồi chính Doãn Hoàng Giang trực tiếp đạo diễn kịch bản “Nhân danh công lý”. Có thể nói vở diễn đã tạo nên một dấu ấn lớn trong nền sân khấu Việt Nam dạo đó khi vở diễn là một hồi chuông thức tỉnh, dự báo những gì có thể nói là vấn nạn của xã hội Việt Nam hiện nay - nạn tham nhũng và mất dân chủ. “Nhân danh công lý” càng bản sắc và mang dấu ấn Doãn Hoàng Giang khi kịch của Lưu Quang Vũ đang có sức hút lớn.
Vậy mà vở diễn của Võ Khắc Nghiêm và Doãn Hoàng Giang vẫn đầy ắp khán giả mỗi đêm diễn. Nên nhớ để kiếm được vé xem “Nhân danh công lý” thời gian đó thật khó khăn. Có thể nói gần như kế tiếp với “Nhân danh công lý” thì vở chèo “Nàng Sita”của Đoàn chèo Hà Nội (giờ là Nhà hát Chèo Hà Nội) một cách làm chèo hoàn toàn khác của anh Giang đã tạo ra làn dư luận nhiều chiều. Người thì khen hết lời một phương pháp đạo diễn chèo mới, thu hút được khán giả vì hợp với thời đại và cách thưởng thức của khán giả hôm nay. Người thì chê vì cái gọi là “phá chèo” của Doãn Hoàng Giang. Nhưng dù dư luận như thế nào thì người xem vẫn xếp hàng dài để mua cho được vé xem “Nàng Sita”.
Đoàn chèo Hà Nội thực sự thắng lớn khi dựng kịch bản của cha con Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ với tần suất diễn dày đặc. Cũng với kịch mục này, sân khấu chèo Hà Nội đã phát hiện tài năng diễn xuất của diễn viên Quốc Chiêm (giờ là Chủ tịch Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội) trong vai hoàng tử Prem, nữ diễn viên xinh đẹp Lâm Bằng trong vai nàng Sita và nhất là giọng ca chèo vừa cổ điển vừa hiện đại của nghệ sĩ Thúy Mùi (giờ là NSND - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) khi hát sau màn cho vai diễn Sita.
Tôi được lĩnh hội thật đầy đủ và sâu sắc tài năng và bản lĩnh của NSND Doãn Hoàng Giang. Tất cả bắt đầu từ một sự kiện gắn với nghề sân khấu. Vào năm 2013, tôi được Nhà hát Chèo Quân đội quyết định dựng kịch bản “Thầy Chu” của tôi để tham gia Cuộc thi nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc. Đây là kịch bản tôi viết trong trại sáng tác của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam vào năm 2009.
Chính năm đó khi lên dự trại Đại tá Đoàn Lê - Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội đã lấy kịch bản này để dựng sau đó vì nhiều lý do lại thôi. Bốn năm sau, chính vị giám đốc này lại quyết định làm kịch bản này thành tiết mục đi dự cuộc thi. Tôi càng mừng hơn khi biết NSND Doãn Hoàng Giang được mời làm đạo diễn. Tôi được nhà hát mời lên nghe Hội đồng nghệ thuật của Nhà hát có sự tham gia của đạo diễn Doãn Hoàng Giang bàn cách triển khai. Sau khi nghe Hội đồng nghệ thuật và nhất là đạo diễn chỉ ra những điều cần chỉnh sửa để nâng cao kịch bản, tôi vỡ ra nhiều điều. Trước khi bế mạc cuộc họp anh Giang hỏi tôi:
- Tình hình chỉnh sửa là vậy, anh cho chú thời hạn nửa tháng có kịp đủ để thực hiện không?
Tôi rụt rè đề xuất:
- Em thấy giám đốc bảo thời gian có vẻ gấp, vì thế em nghĩ chỉ một tuần là xong thôi ạ.
Anh Giang ngạc nhiên nhìn tôi:
- Sao thế?
- Vì những điều anh chỉ ra, nhấn mạnh quá rõ ràng, cụ thể nên em có thể làm nhanh được ạ.
Sau khi nhận kịch bản hoàn chỉnh chỉ hơn một tháng dàn dựng, tôi được mời tham dự buổi tổng duyệt của vở diễn. Quả thật, suốt quá trình gần hai tiếng của vở diễn “Người thầy của muôn đời” mặc dù là tác giả kịch bản nhưng tôi thực sự bị vở diễn thu hút. NSND Doãn Hoàng Giang dường như nắm bắt được tất cả mọi ý đồ, dụng ý của kịch bản để từ đó bằng các mảng miếng thông minh và phù hợp đã làm nổi bật ý tưởng và thông điệp của vở diễn.
Bằng cách chỉ ra chiều sâu của kịch bản, diễn viên Tự Long khi đóng vai Chu Văn An đã lĩnh hội đầy đủ sự chỉ đạo, hướng dẫn và dàn dựng của đạo diễn để nhập vai. Trong vở những nhân vật vua Trần Dục Tông ham mê, hưởng lạc quên việc chăn dân để sai ngự y Trâu Canh đi tìm bắt trẻ con mổ lấy tim làm thang dẫn thuốc.
Cách xử lý thông minh và rất đúng dụng ý trong kịch bản làm nổi bật tư tưởng kiên quyết của Chu Văn An người thầy chính trực, cương quyết bất chấp cường quyền để khuyên vua trở lại quỹ đạo làm thiên tử đúng nghĩa. Cao trào của vở khiến khán giả bật dậy những tràng vỗ tay tán thưởng khi Chu Văn An đã dâng “Thất trảm sớ” xin chém bè lũ gian thần. Trong xử lý cảnh này NSND Doãn Hoàng Giang đã cho vang lên những lời buộc tội trong bản sở lừng danh này trong tiếng sấm chớp. Không khí bi tráng của cảnh kết thúc đã mang lại lời cảnh tỉnh của người xưa trước nạn tham nhũng.
Bản lĩnh Doãn Hoàng Giang
Quê Doãn Hoàng Giang ở Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ông ra Hà Nội khi còn là chàng trai chưa vào tuổi thành niên. Trước khi đến với sân khấu để tìm được tài năng và năng khiếu của mình, ông đã phải làm đủ thứ nghề chân tay vất vả sau cùng là làm tạp vụ cho Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Chính trong vai phụ này ông đã đoạt giải vàng cho “Những tiết mục phát thanh” ở Triều Tiên nhờ năng khiếu đạo diễn chớm nở của mình. Nhưng con đường đến với nghề đạo diễn của ông thật nan giải, kể cả khi ông được chuyên gia Liên Xô tuyển chọn cho Đoàn kịch Trung ương trong số hơn nghìn người dự thi.
Sự lận đận đến với nghề vẫn không buông tha ông ngay cả khi ông trở thành học viên lớp kịch đầu tiên của Đoàn kịch Trung ương với hàng loạt diễn viên sau này là những ngôi sao trong thế hệ vàng của làng kịch nói Việt Nam. Đó là Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Thế Anh… và cũng từ nền tảng của một diễn viên có năng khiếu đạo diễn Doãn Hoàng Giang bừng sáng tạo ra liên tiếp các vở diễn là những dầu ấn, điểm đỉnh của sân khấu kịch Hà Nội và Việt Nam. Đó là “Hà My của tôi”, “Bài ca Điện Biên”, “Nàng Sita”, “Nhân danh công lý”, “Người thầy của muôn đời”, “Những người con Hà Nội”…
Bên cạnh đó ông từng là vị Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khóa VI với những đóng góp đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của sân khấu Việt Nam.
Giờ NSND Doãn Hoàng Giang đã đi xa, nhưng hình ảnh vị đạo diễn tài hoa say mê với nghề, luôn cháy lửa trong những vở diễn vẫn sống động trong ký ức của nhiều người. Ông cũng là người dẫn dắt sân khấu và biết thức tỉnh khả năng nghệ thuật và diễn xuất của diễn viên. Một người làm nghệ thuật sân khấu luôn có chất lính, chất bụi với điếu Malboro trên môi, bật lửa Zippo trong tay, mũ lưỡi trai đen trên đầu và túm tóc dài buộc sau gáy.
Người đàn ông làm nghệ thuật chỉ mặc quần áo hàng hiệu với gam màu xanh lá cây, tốt bụng và hào phóng với bạn bè. Đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang đã khuất núi nhưng dấu ấn trong sân khấu của ông vẫn in đậm trong lòng khán giả, trong giới chuyên môn. Ngôi sao lớn của làng kịch Việt Nam đã lặn những hào quang của nó vẫn mãi tỏa sáng.