Dấu ấn Giáo sư Trần Văn Giàu

Thành Luân 15/09/2016 23:16

Ngày 15/9, Thành ủy TP HCM tổ chức tọa đàm: “Đồng chí Trần Văn Giàu- Nhà cách mạng, nhà giáo, nhà khoa học: Dấu ấn một nhân cách” nhân kỷ niệm 105 ngày sinh của cố GS Tham dự Hội thảo có lãnh đạo TP HCM và các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang và tỉnh Tây Ninh.

Dấu ấn Giáo sư Trần Văn Giàu

Gần 200 học giả, nhà nghiên cứu và các nhân chứng lịch sử về dự Hội thảo.

Một trái tim luôn nghĩ đến việc ích nước lợi dân

Cuộc đời và sự nghiệp gần một thế kỷ của GS Trần Văn Giàu đã trở thành huyền thoại. Huyền thoại về một nhân cách, bản lĩnh sống, huyền thoại về tính kiên định cách mạng và một trái tim trung thực, trong sáng, luôn luôn nghĩ đến việc ích nước lợi dân.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, để hiểu và đánh giá đầy đủ về GS Trần Văn Giàu chắc chắn cần phải thêm nhiều thời gian, nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước, bởi vì GS mất đi đã để lại một sự nghiệp giáo dục, nghiên cứu khoa học đồ sộ, hết sức quý giá không chỉ đối với Nam Bộ mà còn là tài sản của lịch sử dân tộc.

Tuy nhiên có thể nói một trong những điều đặc biệt nhất khi nhắc về ông chính là một nhân cách lớn của người chiến sĩ yêu nước, nhà cách mạng chuyên nghiệp, nhà giáo mẫu mực, một mẫu mực về đạo đức cách mạng và một học giả uyên thâm.

Ông Phan Xuân Biên- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá: 100 tuổi đời, 80 năm hoạt động cách mạng, 80 năm tuổi Đảng đã cho thấy GS Trần Văn Giàu đã vét cạn nhiệt tình, sức lực, trí tuệ, cống hiến trọn đời cho độc lập, tự do và sự phát triển phồn vinh của đất nước.

Ông Biên dẫn chứng có 4 thời kỳ GS Giàu làm thầy giáo một cách hoàn toàn tình cờ, “do dòng đời xô đẩy”. Đó là khi còn hoạt động bí mật, trong các chốn lao tù của thực dân, đế quốc, dù với hai bàn tay trắng, ông đã lấy sàn xi măng làm bảng, mấy cục gạch vụn làm phấn, với trí tuệ và lòng nhiệt thành, để truyền giảng cho đồng chí, đồng đội về khoa học chính trị, nhất là tuyên truyền chủ nghĩa Mac-Lênin, về Đảng Cộng sản. Đồng chí, đồng đội đã tôn vinh Trần Văn Giàu là “thầy giáo đỏ”, “thầy giáo mácxít giỏi nhất”.

Người có công phát triển nền đại học

Vào những năm giữa thế kỷ XX, GS Trần Văn Giàu trở thành lớp người đầu tiên xây dựng, phát triển nền đại học nước nhà độc lập, đào tạo ra những thế hệ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà sau này đã trở thành những nhà khoa học có tên tuổi trong và ngoài nước.

Những học trò của ông đều tỏ bày lòng biết ơn sâu sắc với người thầy của mình, không những học được nhiều tri thức về triết học, sử học mà còn học được ở GS Giàu ý chí, nghị lực, tinh thần tự lập, niềm say mê trong khoa học, phương pháp và phong cách giảng bài, nhân cách sống và làm người.

Ông Nguyễn Thọ Chân- nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn thì nhìn nhận, GS Giàu như một cây đại cổ thụ của khoa học xã hội Việt Nam, người có uy tín cao trong giới khoa học thế giới. Ông đã có hơn 150 công trình khoa học với hàng vạn trang sách đã xuất bản, với một dấu ấn riêng, một phát hiện mới và những quan điểm đầy thuyết phục, thể hiện sự thống nhất giữa tính chiến đấu và tính khoa học.

Còn GS Vũ Khiêu, người đồng nghiệp thân cận của GS Giàu có lúc đã phải thốt lên rằng: Các tác phẩm về sử học của GS Giàu có sự hấp dẫn của văn và chiều sâu của triết. Ở GS trong văn có triết và trong triết có văn. Cả hai đều được lý giải vững vàng, gắn liền với sự chứng minh của sử học.

Cái hiện tượng văn, sử, triết bất phân trong di sản trí tuệ Việt Nam và ở các nước phương Đông được thể hiện rất rõ trong các tác phẩm của GS Giàu, đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta.

Hòa thượng Thích Như Niệm- Viện chủ chùa Pháp Hoa-TP HCM nhìn nhận nhân cách của GS Trần Văn Giàu ở khía cạnh ông là một trong những học giả đầu tiên nghiên cứu Phật giáo Việt Nam một cách hệ thống, sâu sắc dưới góc độ một trong những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Hòa thượng Thích Như Niệm nhớ một chi tiết trong công trình “Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam”, có nhận xét rất xác đáng và sâu sắc về tư tưởng của Phật giáo dân tộc của GS Giàu: “Thật là hiếm có trong lịch sử Việt Nam từ xưa đến nay, cuộc vận động chấn hưng Phật giáo còn sinh ra một luồng tư tưởng mới là sự phê bình Phật giáo và phê bình cuộc chấn hưng Phật giáo…

Suốt một vài ngàn năm tồn tại phổ biến trên đất nước ta, Phật giáo đã phải in dấu ấn khá sâu sắc vào văn hóa dân tộc, phong tục nhân dân, đức tính con người, nghĩa là đến các giá trị tinh thần truyền thống”.

Sau ngày thống nhất đất nước, trở về TP HCM, GS Trần Văn Giàu còn trực tiếp giảng dạy một số chuyên đề về triết học phương Đông tại chùa Pháp Hoa-TP HCM. Rồi ngay cả trước khi từ giã cõi đời, GS Giàu không quên dặn dò người học trò tin cẩn của mình đưa di ảnh của ông về đặt tại chùa Pháp Hoa-nơi ông từng được nuôi giấu, che chở trong những tháng ngày hoạt động cách mạng đầy gian khó.

“Có những câu chuyện thật đẹp về tấm lòng của nhân cách GS Trần Văn Giàu. Những câu chuyện mà mỗi lần nghe, mỗi lần đọc ta lại muốn được nghe lại, được đọc lại với cảm giác biết ơn và hạnh phúc rằng: dường như ông vẫn đang hiện diện trong cuộc sống của chúng ta”, bà Thân Thị Thư – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM xúc động nói.

GS Tạ Ngọc Tấn- Phó Chủ tịch Hội đồng Lý Luận Trung ương ví GS Trần Văn Giàu như một nhân cách lớn trong cách mạng và khoa học. “Bất cứ ai gặp ông dù chỉ thoáng qua hay được sống và làm việc gần gũi với ông, đều nhận ra rất rõ rằng Trần Văn Giàu trước hết là một nhân sĩ Nam Bộ điển hình. Chất Nam Bộ toát ra từ giọng nói, nét cười, trong cách cư xử hàng ngày-vừa nhân hậu, bao dung nhưng cũng rất quyết liệt, thẳng thắn, vừa rất nghiêm khắc nhưng lại chân tình, nồng ấm, có pha chút gì đó rất hóm hỉnh, vui vẻ, vừa cao ngạo mà rất dung dị”, GS Tấn trích lại nhận xét của các đồng nghiệp tại ĐHQG Hà Nội - nơi GS Giàu từng làm việc trong giai đoạn 1956 đến 1960.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dấu ấn Giáo sư Trần Văn Giàu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO