Với thế hệ 6X, 7X yêu phim Việt Nam thì cái tên Hoàng Tích Chỉ như một thương hiệu điện ảnh. Ông không chỉ để lại nhiều tác phẩm điện ảnh mà còn để lại cho thế hệ sau nhiều kinh nghiệm quý báu về nghề viết, cũng như cách trân trọng nghề viết của mình.
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ sinh năm 1932 tại Từ Sơn (Bắc Ninh), ông vừa mất ở tuổi 90, đúng ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3). Ngoài đời, ông ưa sự tĩnh tại và chọn lối sống khiêm nhường. Nhưng hễ động tới chuyên môn là người ta lại thấy một Hoàng Tích Chỉ rất khác, ông tài hoa, mạnh mẽ, thích cái khó và sẵn sàng trải nghiệm, dám bước ra khỏi vùng an toàn. Cứ nhìn loạt tác phẩm điện ảnh của ông để lại sẽ hình dung ra điều đó.
Gần gũi với nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã kể rằng, ông là một trong những biên kịch thế hệ đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Sau những bộ phim đầu tiên như “Chung một dòng sông”, “Con chim vành khuyên”... thì những phim như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” ra đời, đánh dấu những bước tiến mới cả trong nghệ thuật kể truyện lẫn nghệ thuật dàn dựng, diễn xuất của điện ảnh Việt.
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ tham gia vào việc hình thành nên những tác phẩm đồ sộ này và liên tiếp đánh dấu tài năng của mình trên những tác phẩm tiếp theo như “Em bé Hà Nội”, “Tự thú trước bình minh”, “Mối tình đầu”... Các phim này đều đạt thứ hạng cao trong các Liên hoan phim quốc gia và quốc tế, trở thành những tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
NSND Trà Giang ví nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ như "người nông dân cần mẫn cày cuốc trên cánh đồng điện ảnh". Bà nhớ cuối thập niên 1960, để có tư liệu viết kịch bản “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, Hoàng Tích Chỉ cùng đạo diễn Hải Ninh đạp xe hàng trăm cây số về vùng Vĩnh Linh (Quảng Trị). Bà bảo, giới trẻ giờ không thể hình dung chiếc xe đạp ngày ấy cà tàng đến mức nào. Họ rong ruổi khắp nơi, gặp các nhân vật nguyên mẫu, ghi chép lời kể và sáng tác.
Sau khi viết xong, Hoàng Tích Chỉ còn vào giới tuyến để đọc, nghe phản hồi từ bộ đội, công an vũ trang và hoàn thiện kịch bản. Khi cầm kịch bản do Hải Ninh trao (lúc đó dự án còn có tên là Bão tuyến), Trà Giang khóc khi đọc câu chuyện nhân vật bà đảm nhận - Dịu, Bí thư Chi bộ bên kia sông Bến Hải. Nghệ sĩ Trà Giang biết ơn Hoàng Tích Chỉ vì đã nhớ đến bà đầu tiên, cùng đạo diễn chọn bà vào vai kinh điển.
NSND Trà Giang cũng đặc biệt thán phục ông ở khả năng sáng tác liên tục suốt nhiều thập niên. Phim này vừa kết thúc, ông lao vào viết một đầu kịch bản mới và nhanh chóng hoàn thiện để gửi đạo diễn.
Giai đoạn đất nước đổi mới, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ cũng là một trong những nghệ sĩ điện ảnh đi đầu, nhập cuộc với thị trường điện ảnh vốn đang hết sức mới mẻ với nền điện ảnh Việt Nam đầu những năm 90 của thế kỷ XX.
Gây dựng Hãng phim truyện I với cương vị Giám đốc đầu tiên, ông đã dốc sức cùng các đồng nghiệp trẻ tạo dựng một dòng chảy điện ảnh mới với vị trí đạo diễn và giám đốc sản xuất. Công lao của ông để lại cho Công ty CP Phim truyện I sau này, là hình ảnh của một con người sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng dấn thân vào những thử thách mới; luôn nhiệt huyết, tận tâm trao truyền những kiến thức, kinh nghiệm cho các thế hệ tiếp nối.
Có thể kể đến những bộ phim đình đám vừa nghiêm túc vừa hút khán giả như "Người đàn bà bị săn đuổi" (đạo diễn Hoàng Tích Chỉ), hay “Dòng sông hoa trắng”, “Săn bắt cướp” (đạo diễn Trần Phương)... Bằng lao động sáng tạo của mình, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ đã thực sự là một cây đại thụ của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Ở cương vị biên kịch của Hãng phim, ông cặm cụi tìm kiếm phát hiện đề tài, đi thực tế và đặt nền móng cho những bộ phim mà sau này trở thành kinh điển của điện ảnh Việt. Còn ở cương vị của người lãnh đạo chịu trách nhiệm về nội dung phim, ông nâng đỡ, khuyến khích để Hãng I có những sản phẩm xuất sắc như phim “Lưới trời” của đạo diễn Phi Tiến Sơn từng gây xôn xao một thời vì là bộ phim đầu tiên làm về đề tài chống tham nhũng đến cấp trung ương.
Nhớ về nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cảm nhận: Ông nho nhã, nhỏ nhẹ, kiệm lời, mỗi khi cất tiếng đều nói những điều sâu sắc. Nhưng ông là một người tình cảm, luôn quý mến, trân trọng những người làm được việc. Thỉnh thoảng tôi được đi công tác với ông vào TPHCM và các tỉnh phía Nam thì lấy làm vinh hạnh lắm. Vì ông là người tài năng và có uy tín nên lực lượng nghệ sĩ, người làm điện ảnh phía Nam rất kính trọng.
Bà Ngát cũng kể lại kỷ niệm: Lần đó, tôi và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ được hãng cho đi thực tế ở phía Nam. Đúng lúc đó, đoàn phim “Một thời đã sống” làm theo kịch bản đầu tay của tôi do NSƯT Xuân Sơn làm đạo diễn cũng đang tá túc ở đó. Có buổi tối, đoàn quay cảnh bộ đội lái xe Trường Sơn ở sân, tôi được đọc lại kịch bản phân cảnh của đạo diễn. Đọc xong, tôi không còn nhận ra kịch bản văn học của mình, nhưng tôi không nói gì với đạo diễn vì e ngại mình là “lính” mới, được đưa kịch bản vào làm phim là may mắn lắm rồi.
Tôi chạy xuống phòng nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ để “than” với ông. Nhìn vẻ mặt đau khổ của tôi, ông cười, bảo: “Anh rất thông cảm vì tên biên kịch nào có kịch bản đầu tay bị sửa, tâm trạng cũng giống nhau. Nhưng mãi rồi cũng sẽ quen thôi, sau này mà có kịch bản được vào sản xuất là phải quên đi luôn, phó thác cho đạo diễn. May gặp được đạo diễn giỏi thì mình được nhờ, dở thì phải chịu”. Tôi nhớ mãi lời khuyên của ông.
Với nhiều người yêu điện ảnh Việt Nam, cái tên Hoàng Tích Chỉ như một "thương hiệu". Không chỉ để lại nhiều tác phẩm, ông còn để lại cho thế hệ hậu sinh kinh nghiệm quý báu về nghề viết, cách mà một người trân trọng nghề viết của mình như thế nào. Sự khiêm nhường, tận tụy với nghề. Điều này nói ra thì dễ, nhưng thực hiện rất khó. Người làm nghệ thuật ai cũng muốn chứng minh sự tồn tại và toả sáng của cá nhân người sáng tạo.
Ẩn mình đi để làm việc là một thách thức không nhỏ. Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ khiêm nhường cả trong lúc làm việc, trong đời sống hàng ngày, và cả trong quan hệ bạn bè. So với nhiều nhà biên kịch khác cùng thời, thậm chí so với cả thế hệ biên kịch sau ông như chúng tôi, ông có vẻ là người không quảng giao, cũng không biết tự PR bản thân, lại càng không bao giờ chủ động "nhô ra" để tìm kiếm vinh quang hào nhoáng.
Sau khi về hưu, ông vẫn cầm bút sáng tác. Gia đình vẫn nhớ mãi về một người chồng, người cha luôn âm thầm làm việc, chưa bao giờ ngừng tận tâm với nghề, ít nói nhưng luôn quan sát, không bỏ lỡ một tin tức thế sự nào. Cô Hoàng Thị Hoa, con gái thứ hai của nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ chia sẻ: Về sau ông vẫn vậy, chưa bao giờ ngừng trăn trở với mọi biến động của đất nước.
Như lời của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, Hoàng Tích Chỉ là người lặng lẽ và có danh vị nghề nghiệp vững chắc, nhưng ông đã dám bước ra khỏi vùng an toàn đó để thử sức mình trong cương vị đạo diễn phim truyện, biên kịch và đạo diễn phim tài liệu với tâm niệm là nếu mình không làm, ai sẽ là người dò đường, dù cho mọi thử nghiệm có thể mang tới thất bại, thậm chí thân bại danh liệt. May mắn trong những cuộc thử sức ấy, ông đã không bại trận.
Năm 2012, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật cho các kịch bản phim truyện (mà ông là tác giả hoặc đồng tác giả): “Trên vĩ tuyến 17”, “Biển gọi”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Mối tình đầu” và kịch bản phim tài liệu “Thành phố lúc rạng đông”.
Tên ông gắn với nhiều bộ phim kinh điển của Việt Nam như: “Biển gọi” (Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ I, 1970); “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (1973, Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ II, 1973); “Em bé Hà Nội” (Bông sen vàng LHP Việt Nam lần thứ III,1975, Giải đặc biệt của ban giám khảo tại LHP quốc tế Matxcơva, 1975); “Mối tình đầu” (1977, Bông sen bạc LHP phim Việt Nam lần thứ V, 1980, giải Chiếc thu-yền bạc LHP Hiện thực mới tại Ý, 1981); “Thành phố lúc rạng đông” (1975, giải Bồ Câu Vàng đặc biệt, LHP Leipzig - CHDC Đức)…