Vận nước đôi khi không hẳn là chuyện của người, kể cả người vĩ đại. Nhưng bao giờ cũng vậy và ở đâu cũng vậy, anh hùng là người không những không bỏ lỡ thiên thời mà còn biết kết hợp thiên thời với địa lợi và nhân hòa để làm nên lịch sử, góp phần cải thiện đời sống quốc gia và dân tộc mình, thậm chí không chỉ riêng dân tộc mình và tổ quốc mình. Xét trên góc độ này, Vladimir Ilich Lênin (22-4-1890-24-1-1924) chính là một vĩ nhân như thế.
Chân dung V.I.Lênin.
Mặc dù thời cuộc đã thay đổi đến mức gần như đảo ngược ở nước Nga, nhưng cho tới hôm nay, vẫn đang còn rất nhiều người tin rằng, V.I. Lênin chính là con người vĩ đại. Theo một cuộc thăm dò xã hội ở Nga, có tới ba phần tư số người đứng tuổi ở nước này vẫn kính trọng V.I. Lênin như vị lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới. Bằng hoạt động thực tế và các tác phẩm lý luận cách mạng của mình, V.I. Lênin đã để lại dấu ấn khó mờ phai trong tiến trình phát triển của nước Nga và thế giới. Và không những thế, Người còn là tấm gương sáng như một nhân vật lịch sử kiệt xuất chứa đựng đầy đủ những phẩm chất của một thủ lĩnh thời loạn, và cả những nét tính cách đời thường mà ta có thể dùng câu châm ngôn mà Karl Marx đã thích “Không có gì thuộc về con người mà xa lạ với tôi”. Chính sự kết hợp nhuần nhuyễn những yếu tố đã tạo cho Lênin tầm cỡ một vĩ nhân chi phối được dòng chảy của thời đại theo những tiêu chí nhân văn mà Người hằng tin tưởng.
Sinh ra để cải tạo thế giới - đó có thể coi là sứ mệnh cao cả nhất của cuộc đời V.I. Lênin. Và có lẽ ngay từ khi còn trẻ, V.I. Lênin đã xác định một cách đầy ý thức về con đường mà nước Nga cần đi để thoát khỏi những bất công và lạc hậu, để người dân trong đế chế giàu tài nguyên và tiềm năng này có thể ngẩng mặt nhìn thế giới xung quanh. Alexandra Kolontai (1872-1952), nhà ngoại giao Xôviết lừng danh, đã nhận xét: “Có những cá nhân – hiếm thấy trong lịch sử loài người – là sản phẩm của một chuyển biến lớn lao đã chín muồi, đã tô đẹp cho cả một thời đại. Trong số những người vĩ đại về tinh thần và ý chí đó là Vladimir Ilich Lênin... Như ở một tiêu điểm, Người đã tập hợp vào trong mình tất cả những cái gì của Cách mạng là nghị lực, là hùng mạnh, không ủy mị trong phá bỏ cái cũ và rất kiên quyết trong xây dựng cái mới”.
Chủ nghĩa Marx luôn coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhưng không bao giờ quên vai trò cực kỳ quan trọng của các cá nhân vĩ đại. Con thuyền nào cũng cần có người cầm lái, một cuộc cách mạng muốn thành công luôn cần tới những nhà lãnh đạo thích ứng. Cách mạng vô sản Nga những năm đầu cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX đã có một nhà lãnh đạo tương xứng với sứ mệnh của mình là V.I. Lênin. Và chính V.I. Lênin cũng tự ý thức được vai trò của mình trong phong trào cách mạng Nga và thế giới. Và Người đã sống và làm việc theo một phong độ đúng như một vị thủ lĩnh cách mạng cần phải có. Nhà văn vô sản lớn Maxim Gorky đã nhận xét, tràn ngập trong đời sống và công việc của V.I.Lênin là “tinh thần hy sinh khắc khổ, thường thấy ở người cách mạng trí thức Nga trung thực, tin tưởng sắt đá vào khả năng thiết lập sự công bằng trên trái đất, tinh thần anh hùng của con người đã từ bỏ mọi niềm sung sướng trên đời để hiến mình cho hoạt động gian khổ vì hạnh phúc của mọi người”. V.I.Lênin là người có tính nguyên tắc rất cao. Tư tưởng của Người, cũng theo nhận xét của M. Gorky, “giống như cái kim địa bàn, bao giờ cũng chỉ về lợi ích giai cấp của nhân dân lao động... Điều đặc biệt vĩ đại ở Lênin chính là lòng căm thù quyết liệt, không bao giờ tắt trước sự bất hạnh của mọi người, niềm tin chói lọi của đồng chí rằng sự bất hạnh không phải là nền tảng không thể tiêu diệt được của cuộc đời, trái lại nó là điều xấu xa, nhơ nhuốc mà mọi người có thể và cần phải quét sạch đi”.
Những nhà cách mạng đích thực trưởng thành trong ngọn lửa đấu tranh giai cấp thực sự quyết liệt nên bản năng gốc của họ luôn là trung thực và dũng cảm. Họ biết mình không có quyền nuôi dưỡng những ảo tưởng, bởi làm thế là tự sát. Hơn bất kỳ ai, V.I. Lênin lúc nào cũng nhìn và kêu gọi mọi người cùng nhìn vào sự thật, dù khắc nghiệt đến mấy, của cuộc đấu tranh một mất một còn với những kẻ thù tư tưởng và giai cấp. Ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất, Người vẫn không bao giờ tỏ ra núng chí trước những thử thách mới xuất hiện, dù chúng có to lớn đến mấy. Nhà văn Boris Polevoi, tác giả “Người Xôviết chúng tôi” từng được phổ biến rộng cả ở nước ta, viết về V.I.Lênin như sau: “Là người gan dạ và chính trực, đồng chí bao giờ cũng nhìn thẳng vào sự thật. Dù sự thật đôi khi cay đắng và thậm chí khủng khiếp đến thế nào đi nữa, đồng chí cũng không bao giờ giấu giếm mọi người xung quanh, không bao giờ giấu giếm đông đảo đám đông”. Đọc lại những bài tranh luận cũng như những hồi ký về cách ứng xử của Người trong những tình huống đầy khó khăn và phức tạp của cách mạng Nga, mới thấy khâm phục tính bộc trực (nhưng luôn luôn sâu sắc) của người chiến sĩ bẩm sinh này. V.I. Lênin luôn gọi sự vật bằng đúng tên của nó và Người không bao giờ tỏ ra nhụt chí khi phải đưa ra những quyết định vào những thời điểm nước sôi lửa bỏng nhất. Mọi hành động của Người đều xuất phát được từ ý thức sâu sắc về trọng trách của mình trước sự nghiệp chung. Người, nói theo lời của nhà văn hóa A. Lunacharsky (1875-1933), biết rất rõ về việc cách mạng là một sự nghiệp không thể “nhân tạo”, mà thường là phải dựa vào “thiên thời”, nhưng lại rất quán triệt quan điểm rằng, cuộc cách mạng nào cũng có nguy cơ trở nên “hỗn quân hỗn quan” nếu không được sự dẫn dắt một cách có tổ chức của một lực lượng giác ngộ nhất, đủ tầm và tài trở thành đội quân tiền phong. Và V.I. Lênin cùng với chính đảng của giai cấp vô sản Nga đã làm hết sức mình để tiến hành thành công một cuộc cách mạng vĩ đại, tạo bước ngoặt to lớn cho lịch sử không chỉ riêng nước Nga và châu Âu mà còn của cả thế giới. Việc sau hơn 70 năm tồn tại Liên bang Xôviết bị tan rã vì vô số những lý do chủ quan và khách quan không hề làm giảm ý nghĩa của những bậc tiền bối của cách mạng Nga, đã góp tay xây dựng nước Nga từ chỗ chỉ là mắt xích yếu nhất trong hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới trở thành một siêu cường quy mô toàn cầu, mà chỉ làm nổi bật lên kích cỡ và vai trò của những vĩ nhân cách mạng như V.I.Lênin.
V.I. Lênin xứng đáng được tụng ca không chỉ trên phương diện một nhà hoạt động chính trị xuất sắc, viết được, nói được và làm được những công việc lớn lao. Người còn là tấm gương sáng chói về bản lĩnh làm một con người đời thường theo đúng nghĩa của từ này. Đam mê sự sống là bản chất của V.I. Lênin. Làm công việc gì Người cũng hết lòng. Cũng chính M. Gorky nhận xét, “hăng say là bản tính đồng chí, nhưng đó không phải là niềm hăng say vụ lợi của kẻ chơi bạc, mà nó bộc lộ ở Lênin một sức mạnh tinh thần hiếm thấy, chỉ vốn có ở người nào tin tưởng sắt đá vào sứ mệnh của mình, cảm thấy một cách toàn diện và sâu sắc mối liên hệ của mình với thế giới và hiểu rõ triệt để vai trò của mình trong cảnh hỗn loạn của thế giới: vai trò kẻ thù của sự hỗn loạn. Làm bất cứ công việc gì Lênin cũng biết đem vào đó một niềm say mê như nhau: dù là chơi cờ, xem “Lịch sử y phục”, tranh luận hàng giờ với đồng chí đồng đội, câu cá, đi dạo trên các nẻo đường đá nhỏ hẹp, nóng bỏng dưới ánh nắng phương Nam ở Capri, hay ngắm những bông kim tước vàng óng và những chú bé chài lưới lem luốc...”. Người thích soi rọi mọi sự trên đời bằng “ánh sáng đẹp” của trí tuệ để làm bật ra bản chất của mọi vấn đề. Và cũng chính vì thế nên, theo lời kể của B. Polevoi, V.I. Lênin “thực sự không thể chịu được những kẻ nói văn hoa, trống rỗng những kẻ hay dùng lời lẽ hoa hòe hoa sói để che giấu sự nghèo nàn về tư tưởng và sự thiếu sáng kiến. Chỉ một câu châm biếm, đồng chí có thể cho họ cụt hứng ngay lập tức”.
Ngay cả khi đã lên tầm lãnh tụ, V.I. Lênin vẫn có tác phong gần gụi với cuộc sống của quần chúng. Người không nói thành lời điều này nhưng quả thực Người luôn tự coi mình là “công bộc” của nhân dân lao động. Cũng Boris Polevoi đã kể lại: “Lênin có biệt tài lắng nghe người nói chuyện với mình, thấu hiểu nỗi lo âu của người đó và khiến người ta có thiện cảm với mình. Khi một công nhân, nông dân hoặc một chiến sĩ Hồng quân vào phòng làm việc của Lênin, rụt rè e ngại vì bỡ ngỡ trước hoàn cảnh khác thường, vì biết mình được chính Lênin tiếp, thì Vladimir Ilich thường rời khỏi bàn, bước tới, nói nhanh mời khách: “Mời đồng chí ngồi!”, rồi tự mình ngồi vào chiếc ghế bành đối diện, chứ không phải ở bàn, chủ khách ngồi gần nhau đến nỗi đầu gối hai người gần như chạm sát vào nhau”.
Trên thế giới hiện đang tồn tại rất nhiều câu hỏi lớn về con đường đi tiếp của nhân loại trong hành trình gian khó hướng tới tương lai công bằng, dân chủ và an toàn hơn. Và mặc dù chúng ta vẫn biết rằng không có những công thức bất di bất dịch cho sự phát triển của lịch sử, nhưng việc nghiên cứu và thấu hiểu những luận điểm cách mạng và xã hội của V.I. Lênin trên tầm cao của tư tưởng thế kỷ XXI vẫn vô cùng hữu ích.