Nghề chài lưới đã để lại một dấu ấn khó phai, với những sắc thái khá phong phú trong các địa danh ở Nam Bộ. Qua các địa danh này, chúng ta có thể hình dung được lịch sử của các cộng đồng dân cư, cách thức mưu sinh, thế ứng xử với thiên nhiên của các cư dân nơi miền đất mới.
Nhà thờ Tắt Rỗi.
Xóm Vạn Chài có miếu Phú Hòa Vạn (miếu Nổi, quận Bình Thạnh, TP HCM) thờ bà Thủy Long. Năm 1972, miếu này bị đổi chủ, trở thành nơi thờ Tứ phủ. Đình Phú Hòa Vạn (4 Trần Quang Khải, quận 1), gần cầu Bông, đối diện miếu Phú Hòa Vạn (quận Bình Thạnh) thờ thần Thành hoàng, có bài vị “Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị thánh nương”, vốn là miếu thờ thần sông biển của dân xóm Vạn Chài, đánh cá sông, gốc ở làng Chơn Sảng (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) di cư vào sau năm 1859 từ khi Pháp đánh chiếm Đà Nẵng. Đến khoảng năm 1900, không rõ vì sao lại biến thành đình.
Nhà túc bên cạnh đình Bình Hòa (quận Bình Thạnh) thờ Tứ vị Thánh nương, thần bảo hộ nghề sông nước gốc từ cửa Cờn (Nghệ An). Đình Phú Nhuận thờ Mala Cẩn Thành hoàng chi thần, tức Đại Càn, vị thần Chăm. Xưa đình Phú Nhuận được dựng ở bờ rạch Thị Nghè, ở rạch này có Phú Hòa vạn ở đầu cầu Bông – miếu Nổi (quận 1 và Bình Thạnh) và các xóm từ sau rạp Văn Hoa đến chùa Vạn Thọ (cầu Kiệu) được gọi là xóm Chài.
Miếu Bà Ngũ Hành ở xóm Đáy (ấp 1, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP HCM), lập trên 100 năm, được dời từ ngoài vàm vô đây 20 năm. Ngoài ban thờ 5 bà Ngũ Hành, Phật Bà Quan Âm, am thờ Ông Hổ, còn có một am nhỏ thờ Cậu Hai. Cậu Hai đây chính là “cậu” trong tín ngưỡng Bà Cậu của người dân làm nghề hạ bạc ở xóm đáy này. Ngoài ra ở thành phố Hồ Chí Minh còn có xóm Đáy ở xã Phong Phú (huyện Bình Chánh), rạch Đáy ở huyện Cần Giờ, bản đồ năm 1885 đã thấy có tên rạch này.
Một xóm Đáy khác ở gần chợ và cầu Phú Xuân (thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè) được lập từ thập niên 1940, đến những năm 1989-1990 mới dẹp các sở đáy này do không còn nhiều cá tôm như trước.
Rạch Đáy ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Ba Đáy là con rạch ở xã An Thới Đông (huyện Cần Giờ, TP HCM), chỉ những cái đáy đánh cá hình ống to và dài, có cọc giữ miệng lưới đặt tại rạch này. Bến Đáy ở cửa Cổ Chiên, xã Mỹ Long, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh). Bến Đáy là “nơi có nhiều người đặt đáy bắt cá”.
Xóm Chài thuộc khu vực 3, phường Hưng Phú, có bến phà (qua bến Ninh Kiều bên nội ô thành phố Cần Thơ), có chợ Hưng Phú, dân cư đa số là dân lao động hoặc mua bán nhỏ, một số sống với nghề chở khách du lịch bằng những loại thuyền nhỏ và vừa, hầu như chẳng còn mấy ai sống bằng nghề chài lưới nữa.
Cần Thơ có xóm Chài, ngày xưa bên kia sông Cần Thơ, nay vừa qua cầu Quang Trung là tới. Ở đây hàng năm vào ngày Rằm tháng Giêng có diễn ra lễ cúng miễu Bà Xóm Chài và tống bè chuối lớn (lễ Tống ôn). Ngày trước dân ở đây làm nghề hạ bạc và phần lớn là người tứ chiếng dạt về ở. Xóm Chài là xóm nghèo hay xóm trộm cắp.
Xóm Chài, gồm 61 hộ, chuyên sống bằng nghề đánh cá ven sông tại ngã ba kinh Đôi và rạch Bà Tàng, thuộc phường 6 (quận 8, TP HCM). Xóm Chài ở ấp 3, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh (TP HCM). Xóm Chài ở thành phố Vĩnh Long. Xóm Bà Chài ở gần biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang). Bà Chài vì ở đây có xóm Nhà Chài, vài bà vợ các ông chài sinh sống nên có tên trên.
Xóm Câu xưa ở làng Tân Châu, nay thuộc phường 1, quận 5 (TP HCM), chuyên sống bằng nghề chài lưới. Xóm Câu ở xã Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc (Long An). Hiện nay họ vẫn hành nghề trên khúc sông Hàn ở huyện này.
Rạch Nò ở xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, từ cánh đồng ruộng chảy qua đường Huỳnh Tấn Phát, đổ vào rạch Phú Xuân, dài khoảng 1.000 m. Cầu Rạch Nò bắc qua rạch Nò. Ba Nò là địa danh ở huyện Gò Công Tây (Tiền Giang). Tại đây có 3 ngọn rạch nhỏ, đầu mỗi ngọn được đặt một cái nò. Xóm Bãi Nò ở cách trung tâm thành phố Hà Tiên (Kiên Giang) khoảng 2km, nằm bên chân núi Đèn Rọi, cũng gọi là bãi Trước. Bãi Nò là nơi định cư của những người chuyên sống bằng nghề đặt nò bắt cá. Nò là loại lờ có nắp vĩ, đặt dưới nước, khi cá vô ăn mồi thì vĩ sập xuống.
Rạch Tắt Rỗi.
Bến Rớ được chép trong sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí: “Phía đông cầu này có một con kinh tục gọi Bến Rớ, rộng 10 tầm, nước lên sâu 1 tầm, nước xuống sâu 3 thước”. Xóm Rớ ở làng Bình Hòa (Thạnh Bình), nay thuộc quận 8 (TP HCM), nơi tập trung dân cư làm nghề đánh bắt bằng rớ. Bến Rớ là con tắt ở cạnh rạch Xóm Củi và rạch Gò Nổi, được ghi trong bản đồ tỉnh Gia Định năm 1902, nay thuộc huyện Bình Chánh (TP HCM). Tắc Bến Rớ là rạch ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, nối rạch Xóm Củi với rạch Cây Khô, dài khoảng 1.500 m. Tắc Bến Rớ nay ở vị trí cầu Tắc Bến Rô, chạy từ cầu Phạm Hùng qua khu dân cư T30. Ngã ba Bến Rớ là nơi gặp nhau của sông Ba Tri Cá Trại và rạch Bần Quỳ, thuộc xã Châu Hòa, huyện Ba Tri (Bến Tre), nơi đây ngư dân có dựng một số rớ giàn để đánh bắt tôm cá. Rớ là dụng cụ đan bằng chỉ gai, hình vuông, lớn gấp nhiều lần cái vó mà ngư dân dùng để đánh bắt cá trên sông rạch. Ở Nha Trang có hòn Rớ nằm trong vịnh Nha Trang.
Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí ghi về con rạch Tắt Rỗi: “Tới phía trước 600 tầm, bờ bên nam có con sông, tục gọi là Tắt Rỗi”. Tắc Rổi là rạch ở phường Tân Thuận Đông, quận 7, bắt đầu từ xóm Tắc Rổi chảy ra sông Sài Gòn, dài khoảng 2.000 m.
Con rạch Tắt Rỗi (phường Tân Thuận Đông, quận 7) là con đường thông thương của những chiếc ghe bầu từ miền Trung vào mua bán với Sài Gòn. Ghe của Quảng Ngãi, Bình Định và nhiều nhất vẫn là Bình Thuận chở cá mắm từ Phan Thiết, chỉ sơ dừa từ Quảng Ngãi vào và mua gạo, các mặt hàng gia dụng ra. Vào tháng 2 những chiếc ghe này đã có mặt ở đây, mỗi chuyến đi kéo dài vài tháng, cho đến khi bán hết hàng.
Ngày xưa ghe thuyền sau khi vào sông Soài Rạp, qua ngã ba Đèn Đỏ, đến đậu ở vàm rạch Kỳ Hà (gần cầu Phú Mỹ nay), chờ nước lớn, theo rạch Tắt Rỗi để đi tiếp vào sông Sài Gòn, rút ngắn được 2km và an toàn hơn so với đi ngoài sông lớn. Một nhà thờ nhỏ, có tuổi đời trăm năm cũng được dựng bên cạnh cầu Đình. Giáo xứ Tắc Rỗi do người em thứ tư của thánh Lê Văn Gẫm là ông Lê Văn Bằng (thương gia chuyên buôn hàng từ Singapore và Penang) mua toàn bộ khu đất ruộng, cù lao dọc sông Nhà Bè này vào năm 1860. Năm 1991, khu chế xuất Tân Thuận được xây dựng thì nhà thờ cũng được dời về gần chợ Tân Mỹ (phường Tân Phú, quận 7). Gần ngã ba kho 18, đường vào cảng Tân Thuận là địa danh "bờ Tắt Rỗi" hồi còn xe đò Sài Gòn - Phú Xuân, vẫn nghe lơ xe gọi tên khi đến đây. Tắt là dòng nước để đi tắt; rổi là những người đi bán cá tôm bằng ghe. Vì tắt chảy từ nơi sinh sống của những người làm nghề lái rổi nên có tên này. Tắt rổi hay bị viết nhầm là “tắc rổi”.
Ở ấp An Phước, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ (TP HCM) cũng có rạch Tắc Rổi, nối liền tắt Dinh Cậu với sông Giữa ở ngã tư Đuôi Cá, dài 3.200 m.
Rạch Cá Bè ở huyện Cần Giờ (TP HCM). Cá Bè là “cá lồng, cá được nuôi trong lồng đặt ở dòng sông”.
Cái Vạn là địa điểm ở xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai). Cái Vạn là “rạch xóm chài”. Nơi đây có di chỉ khảo cổ học nổi tiếng được khai quật vào năm 1978 với những dấu tích của cư dân thời tiền sử.
Ngã ba Đầm Chít ở xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành (Kiên Giang). Đầm Chít có âm gốc là đầm chích là “nghề bắt cá theo chằm nò. Nghề chài lưới” (theo Huỳnh Tịnh Của)
Chợ tạm Phan Bội Châu (phường 2, thành phố Vũng Tàu) còn gọi là chợ Xóm Lưới đối diện tượng Trần Hưng Đạo, họp xôm tụ nhất vào lúc 5-6 giờ chiều, đặc biệt vào những ngày cuối tuần thì không thiếu bất cứ hải sản gì.