Ngày 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
ĐB Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) bày tỏ đồng tình cao với việc ban hành dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Bà Chung cho biết, năm 2008 tỉnh Nghệ An đã thực hiện thí điểm cấp biển số thông qua đấu giá đối với ô tô mà mô tô. Việc triển khai thực hiện trên cơ sở đề xuất của Công an tỉnh để tạo nguồn thu cho Quỹ Vì người nghèo. Lần đấu giá đó rất thành công, số tiền thu được hơn 4 tỷ đồng.
“Qua đấu giá thấy dư luận rất đánh giá cao vấn đề này. Tuy nhiên sau đó do chưa đủ điều kiện về cơ sở pháp lý nên việc đấu giá dừng lại. Do đó lần này Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá là rất cần thiết, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời đảm bảo khai thác hiệu quả kho số, tăng thu cho ngân sách”-bà Chung cho hay, và cho rằng “biển số xe ô tô không phải tài sản mà là quyền sử dụng. Kho số thuộc tài sản của Nhà nước”.
Tuy nhiên bà Chung băn khoăn về việc thí điểm trên phạm vi toàn quốc. Thí điểm là làm thử rút kinh nghiệm, do đó nên giới hạn phạm vi tại một số tỉnh. Vì việc đăng ký cấp biển số xe thực hiện tại Công an nơi đăng ký thường trú (đối với cá nhân), hoặc nơi có trụ sở (đối với cơ quan tổ chức). Mỗi tỉnh có đầu số riêng, ví như Nghệ An đầu số là 37, còn Hà Nội là 29. Khi chuyển nhượng xe sang các tỉnh phải thực hiện thủ tục đăng ký chuyển vùng. Khi đăng ký chuyển vùng thì biển số sẽ bị thu hồi về hệ thống đăng ký. “Do đó nên giao cho các tỉnh thực hiện thí điểm đấu giá thì sẽ thuận lợi cho sau này khi đấu giá thành công và sử dụng xe. Nếu giao cho công an các tỉnh triển khai về sau tổng kết việc thí điểm nếu thấy hiệu quả có thể nhân rộng ra phạm vi toàn quốc. Như vậy sẽ hợp lý hơn”-bà Chung bày tỏ.
Cùng chung quan điểm, ĐB Võ Thị Minh Sinh, Chủ tịch MTTQ tỉnh Nghệ An cho rằng, chính sách quản lý sử dụng tiền thu được sau đấu giá thì Bộ Công an đề xuất 70-30 ở trung ương và địa phương. Còn Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội đề nghị về hết ngân sách trung ương.
Bà Sinh không đồng tình việc về hết ngân sách trung ương vì mỗi địa phương đều bị ảnh hưởng về môi trường, do đó nên có phần để lại cho địa phương và trung ương.
Về biển số đẹp, theo bà Sinh có những số chúng ta nghĩ là đẹp nhưng người dân chưa chắc coi là đẹp. Đẹp với họ có thể là gắn với ngày sinh của họ, hay trùng với số điện thoại của họ. “Như Ngân hàng thì ai có số điện thoại thế nào họ cho mình dùng số tài khoản như thế. Do đó cần coi “biển số đẹp” là số mà người muốn đấu giá coi là đẹp. Và hàng tháng, hoặc hàng quý thực hiện việc đấu giá”-bà Sinh nêu quan điểm.
ĐB Huỳnh Thành Chung (đoàn Đồng Nai) cũng cho rằng, biển số xe là tài sản công. Và khái niệm “số đẹp” là rất rộng. Vì với người này số “tứ quý 8” là đẹp nhưng với người khác thì số ngày tháng năm sinh, hoặc số căn cước công dân mới là đẹp. Do đó việc nhận diện số nào là số đẹp để đưa ra đấu giá nên giao cho Chính phủ thực hiện. Như việc các Ngân hàng đã có số tài khoản trùng với số căn cước công dân. "Tôi có bấm thử xem số tài khoản trùng với số căn cước công dân của tôi thì số đó có giá 700 triệu đồng"-ông Chung nói.
Ông Chung cũng cho rằng, nên duy trì số tự chọn và số không tự chọn. Không tự chọn là cái chúng ta đang quy định và người dân bấm biển ngẫu nhiên. Còn số tự chọn thì phải trả phí thông qua đấu giá.