Viện Kinh tế Xanh, Hiệp hội Bất động sản TP HCM đồng loạt gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ xoay quanh việc đấu giá đất gây tranh cãi tại Thủ Thiêm.
Viện Kinh tế Xanh (GEI), cơ quan thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ bày tỏ quan điểm về việc đấu giá đất công tại Khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP HCM).
Theo GEI, giá trúng đấu giá không phải do Nhà nước quy định mà thực ra đây là “giá đấu” do các doanh nghiệp đưa ra và Nhà nước công nhận giá cao nhất. Nhà nước không có vai trò định giá trúng đấu giá mà chỉ có vai trò công nhận giá cao nhất của doanh nghiệp trúng đấu giá.
Thay vì so sánh giá bất động sản tại Thủ Thiêm với các bất động sản xung quanh, mà đặt trong bức tranh về mạng lưới các bất động sản siêu sang của khu vực, GEI cho rằng sẽ thấy giá bất động sản Thủ Thiêm vẫn còn rất rẻ so với các thị trường xung quanh như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore hay Thái Lan,...
Bất động sản tại Thủ Thiêm nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn còn giữ được một sức bật rất tốt và sức cạnh tranh tương đối trong dài hạn nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì, và bất động sản các nước châu Á khác đã trở nên đắt đỏ khi quá trình tăng giá mạnh đã diễn ra sớm từ hơn một thập niên trước đó.
Ngoài ra, GEI cho rằng, bán đấu giá thành công là cơ hội tốt nhất cho TP. Hồ Chí Minh thu về số tiền đủ lớn trong thời điểm hậu Covid-19, là cơ hội vàng để Thành phố có ngân sách lớn giải quyết an sinh xã hội và phát triển quỹ nhà cho người thu nhập thấp. Về bản chất ngay tại thời điểm hiện tại, Thủ Thiêm cũng đã là vùng đất không phải là nơi dành chỗ ở cho người có thu nhập thấp, và cũng không nên phát triển bất động sản cho người thu nhập thấp tại đây.
Trong báo cáo đánh giá tác động của phiên đấu giá đất tại Thủ Thiêm vừa trình Thủ tướng, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) chỉ ra hai nhóm tác động tích cực và tiêu cực đến thị trường bất động sản và nền kinh tế.
Về mặt tích cực, các phiên đấu giá đất thành công ngày 10/12 sẽ bổ sung thêm cho ngân sách thành phố 37.346 tỷ đồng. Đấu giá quyền sử dụng đất sẽ dần trở thành phương thức chủ yếu để lựa chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư, góp phần rất quan trọng để xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh nếu có hành lang pháp lý chặt chẽ.
Hiện cả 4 nhà đầu tư trúng đấu giá đều đã ký Hợp đồng mua bán tài sản ba bên với thành phố nên đã xác lập quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Nhưng vẫn cần thêm thời gian để xác định các mốc thanh toán tiền đảm bảo.
Theo đó, trong vòng 30 ngày kể từ ngày Cục Thuế phát hành văn bản yêu cầu thanh toán tiền trúng đấu giá, nhà đầu tư phải nộp ngân sách nhà nước số tiền bằng 50% giá trúng đấu giá (bao gồm tiền đặt trước) và sau 90 ngày phải nộp đủ 100% số tiền trúng đấu giá.
Tuy nhiên, theo HoREA, các tác động tiêu cực của phiên đấu giá đất tỷ USD tại Thủ Thiêm vừa qua có thể lớn hơn việc thành phố thu được hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách, thậm chí về lâu dài sẽ gây bất lợi cho thị trường bất động sản và nền kinh tế.
Giá đất quá cao được xác lập tại Thủ Thiêm dẫn đến giá nhà lên đến ngưỡng 500-600 triệu đồng một m2 trên bán đảo này. Điều này có thể tác động ngược trở lại khu vực trung tâm quận 1, có lợi cho các dự án siêu sang hiện hữu và sắp triển khai. Khi đó, tạo cảm giác về mức giá bán căn hộ siêu sang tại quận 1 ở mức nửa tỷ đồng một m2 hiện nay trở thành bình thường.
Giá đất quá cao thoát ly giá trị thực không phù hợp với quy luật giá trị, đi ngược lại với quy luật cạnh tranh, mâu thuẫn với quy luật cung - cầu và không phù hợp với thực tiễn của thị trường bất động sản. Khi đó giá đất đấu giá lập đỉnh có thể trở thành "dao hai lưỡi" vừa thiệt hại cho người tiêu dùng vừa có nguy cơ khiến hàng tồn kho tăng cao.