Dù chưa ghi nhận ở Việt Nam, nhưng loại virus gây bệnh viêm gan cấp tính (còn gọi là virus gây viêm gan bí ẩn) đang thực sự đe dọa sự an toàn của trẻ em. Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế các địa phương tăng cường giám sát phát hiện sớm ca viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân, trong bối cảnh 20 nước ghi nhận trẻ mắc bệnh này.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay đã có hơn 200 trường hợp trẻ em bị viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân được ghi nhận tại khoảng 20 nước châu Âu, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương..., trong đó có 4 ca đã tử vong.
Theo BS Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP HCM, phần lớn các nghiên cứu hiện nay đều cho rằng gây ra căn bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em là do adenovirus, đây là một hiện tượng mới, không thể gây thành dịch được. Điều này hoàn toàn trùng hợp với nghiên cứu của WHO cho rằng hiện adenovirus đang được xem là nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan cấp ở trẻ em. Tuy nhiên không loại trừ các tác nhân khác vẫn đang được điều tra.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng (Đại học Y dược TP HCM) cho biết thêm, một số giả thuyết khác cũng được đặt ra, đó là khi trẻ cùng bị nhiễm Covid-19 và adenovirus, từ đó có hiện tượng trao đổi gene và khiến adenovirus dễ đột biến hơn.
Có giả thuyết này là do việc đa số trẻ được phát hiện nhiễm viêm gan bí ẩn đều sống ở vùng trước đây từng chống chọi với dịch Covid-19.
Tại Việt Nam, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đang theo dõi sát sao và có biện pháp đáp ứng nhanh khi có ca bệnh xâm nhập. Các bác sĩ lưu ý phụ huynh đưa trẻ đi khám nếu có một trong các triệu chứng như sốt cao, rối loạn tri giác; nước tiểu vàng sậm, phân màu xám, nhợt nhạt; vàng mắt và da, ngứa da.
Các dấu hiệu khác cảnh báo bệnh viêm gan chưa thể lý giải này là trẻ cảm thấy mệt mỏi bất thường mọi lúc; cảm thấy không khỏe; ăn mất ngon, đau bụng, tiêu chảy, ói mửa; đau cơ và khớp.