Ai đó coi là bất ngờ nhưng thực ra từ không chỉ một năm nay, Svetlana Alexievich, đã có tên trong danh sách những ứng cử viên có nhiều cơ hội được nhận giải Nobel văn chương nhất. Năm nay, thậm chí bà còn là một trong hai người đứng đầu danh sách đó, bên cạnh nhà văn người Nhật Murakami Haruki… Mặc dù quan điểm xã hội của bà không giống như nhiều người dân cùng tổ quốc Balarus nhưng những gì bà đã làm được trong lĩnh vực văn học vẫn khiến cho đồng bào của nữ văn sĩ này cảm thấy tự hào khi bà đượ
Nhà văn Belarus,Svetlana Alexievich, giải Nobel văn học 2015.
Trong thông báo của Ủy ban Nobel, Svetlana Alexievich được nhận giải Nobel văn chương 2015 nhờ “những sáng tác đa thanh của bà, đài tưởng niệm cho đau khổ và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta”.
Svetlana Alexievich sinh năm 1948 tại Stanislav, vùng đất hiện nay đang thuộc về nước cộng hòa Ukraina. Bà là người Belarus và viết văn bằng tiếng Nga. Những tác phẩm nổi tiếng nhất của bà trong thể loại văn xuôi tư liệu là “Chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ”, “Những chàng trai trong hộp kẽm”, “Lời cầu nguyện Cherbobyl”, “Thời second - hand”. Sách của Svetlana Alexievich chủ yếu nói về cuộc sống trong giai đoạn cuối của Liên bang Xôviết và thời hậu Xôviết, được đánh giá là thấm đẫm sự đồng cảm và chủ nghĩa nhân văn.
Để bạn đọc có thể hiểu hơn về thế giới tinh thần của Svetlana Alexievich, xin trích giới thiệu một số suy tư mà nữ văn sĩ đã từng thổ lộ trên tạp chí Nga Ogoniok.
Về công việc
Tôi làm gì trong suốt 30 năm qua? Tôi viết biên niên sử tài liệu nghệ thuật: Con người bình dân và sự Không tưởng vĩ đại. Đó là 100 năm lịch sử Nga – Xôviết. Lịch sử của tâm hồn Nga – Xôviết. Tôi quan tâm tới nhân vật mà Ortega y Gasset (nhà văn Tây Ban Nha) đã nói tới, đó là con người quần chúng. Về việc con người ấy đi thế nào theo dòng lịch sử và thời gian. Hoặc nói đúng hơn, về việc thời gian và lịch sử đi thế nào qua con người ấy. Tôi lựa chọn những người đã gắn bó sống chết với thời gian, hòa nhập vào nó như lũ bướm ăn sâu vào xi măng. Họ đã đặt dấu bằng giữa cuộc đời mình và tư tưởng.
Khi tôi viết, tôi có hai góc độ: Con người theo thời gian và con người trong vũ trụ. Cuộc kiếm tìm cái vĩnh cửu trong “hiện tại” đen tối còn chưa được thấu hiểu hết. Văn học bắt đầu khởi nguồn từ đó. Chính bản thân tôi trong từng cuốn sách cần phải thoát ra khỏi vòng ôm chặt chẽ và ham hố của thời gian, ít nhất cũng để có thể tách sang bên một chút. Có lẽ chỉ ở trong tình yêu và ở kề bên cái chết con người mới có thể thoát ra khỏi vòng vây đó. Và tôi đã theo dõi những khoảnh khắc ấy...
Về bí mật cuộc sống
Tôi nghĩ rằng hiện nay sự bí ẩn trong cuộc sống của mình mà chúng ta không đủ sức giác ngộ, đang khiến chúng ta bị hấp dẫn và lôi cuốn mạnh hơn bất cứ một ý tưởng nào. Rất thú vị khi được sống một cách kỳ quặc, khó hiểu và vật vã. Có cái gì đó giống như một cuộc du lịch lớn với những trò phiêu lưu mạo hiểm đầy huyền hoặc. Trong nền văn hóa của chúng ta không có nhiều những kinh nghiệm như thế vì đó là nền văn hóa của tranh đấu và trải nghiệm. Viết ra những cuốn sách khủng khiếp nhất về chiến tranh cũng còn dễ viết hơn về tình yêu.
Về cuộc tìm kiếm mô hình cuộc sống
Chúng ta hiện không có cả thế giới quan lẫn cơ cấu của cả quá khứ, hiện tại lẫn tương lai. Cơ cấu cũ, được xây dựng trên máu và pháp thuật đen, đã đổ vỡ còn cơ cấu mới thì lại chưa xuất hiện. Chúng ta đang sống trong cái thế giới của những giả thuyết và sao chép. Chúng ta đã cố sao chép mô hình Mỹ mặc dù có thể chúng ta thích hợp hơn với mô hình Pháp. Hay mô hình của vùng Scadinavia, nơi con người được bảo vệ tốt hơn nhiều về mặt xã hội. Với chúng ta thì không chỉ tương lai mà cả quá khứ cũng đều bất định…. Tôi đã từng sống một thời gian ở phương Tây và đã hiểu ra rằng, chúng ta không sao chép phương Tây mà chỉ có những cách hình dung về nó. Những ảo tưởng của chính mình.
Về hiện tại bi thảm
Văn hóa phục vụ cho con người bình dân. Giải trí, an ủi, ru ngủ. Sống trở nên khủng khiếp ở khắp mọi nơi: Ở cả Moskva lẫn New York, cả ở Barcelona. Giờ thì không thể nỗi sợ hãi tới những vùng ngoại vi như nước Nga, vùng Balkan hay châu Phi nữa. Cái ác đã tràn tới khắp nơi và càng trở nên khó lý giải so với trước kia. Dưới những mặt nạ mới đang mở ra những vô đáy trừu tượng mà không ai chuẩn bị đón nhận cả.
Về sự trốn trách nhiệm của tinh hoa trí tuệ
Thế giới tinh hoa trí tuệ của chúng ta đi đâu mất rồi? Họ rốt cuộc cũng cần phải lên tiếng. Tạo ra những suy tư, ý tưởng nào đó về việc chúng ta đang ở đâu và chuyện gì đã xảy ra với chúng ta. Phải bắt đầu đối thoại với xã hội. Theo tôi, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nga giới tinh hoa đã tự rời bỏ sứ mệnh của mình. Thói phi chính trị và bợ đỡ đã trở thành món hàng thông thường và rẻ tiền. Người ta bỗng nhiên quỵ lụy quyền lực và túi tiền một cách điềm nhiên. Mới đây tôi nghe thấy một nhà văn trẻ nói: “Giá của tôi cao lắm”. “Giá sách của anh ư?” – “Không, giá dịch vụ chính trị. Chỉ cần biết chọn đúng đội hình”. Trước đây một nhà văn Nga lương thiện chọn cái gì đó khác.
Về phương pháp sáng tác
Flauber từng nói về mình: “Tôi là người – bút”. Còn tôi là người – tai. Tai tôi luôn ở gần cửa sổ, lắng nghe phố phường. Tôi phát hiện, tìm thấy những giai điệu mới, âm thanh mới. Âm nhạc mới. Tôi xin nhắc lại: Ở ngoài phố xa cuộc sống thú vị hơn, khủng khiếp hơn, tức cười hơn, nhân bản hơn so với các cuộc gặp gỡ thượng lưu của chúng ta, nơi văn học sống chỉ bằng văn học, chính trị tồn tại cũng chỉ bằng chính trị. Ngoài đó là một cuộc sống mới, hoàn toàn không giống như trước kia.
Đau khổ là tất cả của cải
Vốn liếng chính yếu của chúng ta là đau khổ. Đó là thứ duy nhất mà chúng ta thường xuyên khai thác. Không phải dầu mỏ, không phải khí đốt mà là đau khổ. Tôi đồ rằng, chính nó ở trong các cuốn sách của tôi mới thu hút mới tách lìa, mới làm ngạc nhiên độc giả phương Tây. Bởi đó chính là sự dám sống, bất chấp mọi điều. Hiện giờ thì lòng dũng cảm đó cần thiết ở khắp mọi nơi.
Và xuất hiện câu hỏi vĩnh cửu. Đâu là ý nghĩa của những đau khổ mà chúng ta phải chịu? Nó dạy chúng ta điều gì nếu mọi sự rồi sẽ lặp lại y như cũ?
Về việc đó thì tôi cũng thường xuyên tự hỏi mình. Đối với nhiều người, đau khổ chính là một giá trị tự thân. Là công việc chính của họ. Nhưng từ nó thì đàng nào cũng chẳng sinh ra sự tự do. Tôi không có câu trả lời. Tôi phải trung thực thú nhận điều này. Nhưng tôi đã bị chấn thương từ ngày nhỏ vì chủ đề cái ác và cái chết, vì tôi đã lớn lên tại một ngôi làng Belarus sau chiến tranh, nơi người ta đã chỉ nói về chuyện đó. Chỉ tưởng nhớ về chuyện đó.
Đi lên và rơi xuống
Trong chiến tranh… Trong nhà giam… Con người biến thành súc vật rất nhanh. Người ta thậm chí còn chỉ ra cho tôi thời hạn, chỉ trong ba ngày thôi. Tôi nghiên cứu con đường nhân thế đó: Bay lên tới bầu trời và rơi xuống cùng con vật. Nhưng trong các câu chuyện về tình yêu, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi con người lắng nghe tiếng nói nội tâm một cách chăm chú hơn, tôi đã tìm ra và thấu hiểu rằng, cái chất con vật ở trong con người còn là cái mà ta vẫn gọi là thân xác, đó là thứ rất thú vị, đúng là một không gian bí ẩn, ít được nền văn hóa của chúng ta tìm hiểu. Nền văn hóa của chúng ta kênh kiệu lắm, chỉ quan tâm tới tinh thần thôi, nhưng cái chất con vật mà chúng ta vẫn khinh miệt, đè nén và giấu diếm ở trong mình lại bỗng nhiên bật ra từ cõi vô pháp và hiển hiện, nó vừa quái gở vừa tuyệt vời! Và chúng ta sẽ nhận biết ở trong mình nhiều điều bất ngờ. Thấp kém và cao cả. Chẳng lẽ có thể viết một cuốn sách về tình yêu mà không quan tâm và kính trọng cái bản chất súc vật đen tối của chúng ta ư? Mỗi người trong chúng ta đều có điều bí ẩn của mình.
Về hạnh phúc
Hạnh phúc, đó là cả thế giới. Ở đó có vô số những góc cạnh, cửa sổ, cửa ra vào, chìa khóa. Vô số những gian khó chứa đồ. Đó là một thế giới đáng kinh ngạc mà tôi với các bạn mới chỉ có được một sự hình dung hết sức mơ hồ. Một chàng trai trở về từ Afghanistan đã kể với tôi: “Khi con tôi sinh ra, tôi đã hít hà cái tã mãi không thỏa.Tôi đã ba chân bốn cẳng chạy về nhà để được thấm cái mùi tã đó. Đó là mùi của hạnh phúc”. Chỉ khi người ta yêu... Hay khi thần người ra nghĩ về hạnh phúc thì mới bắt đầu không phải là sự tồn tại mà là sự sống. Và ta mới chạm được vào cái vĩnh cửu. Và ta muốn cười và khóc. Tôi lắng nghe, tôi quan sát con người đang chấn động, đối với tôi đó là phương tiện giao tiếp vũ trụ đường xa. Dù sao cũng muốn, dẫu đó là việc vô vọng, biết, chúng ta có mặt ở trên đời này là để làm gì? Tại sao chúng ta lại khóc cay đắng và cầu kinh như thế? Và tìm kiếm ngôn từ...