Đại dịch Covid-19 sẽ không kéo dài mãi vì ngay cả khi không thể tiêu diệt hoàn toàn virus, khả năng miễn dịch của con người sẽ được cải thiện và cuối cùng thế giới có thể chung sống với Covid-19. Để làm được điều đó, chúng ta phải sử dụng tốt những “công cụ” có thể chấm dứt đại dịch.
Chiến lược toàn cầu
Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý với một tương lai “sống chung” với Covid-19. Ông Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia, Vương quốc Anh cho biết: “Phần lớn các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đều cho rằng, virus SARS-CoV-2 sẽ tồn tại cùng con người”. Ông nói: “Thế hệ con cháu của chúng ta vẫn sẽ bị nhiễm virus. Nhưng Covid-19 sẽ trở thành một phần lịch sử của chúng ta khi sự lây nhiễm biến thành một nguyên nhân gây bệnh cảm lạnh thông thường”.
Tuy nhiên, có một câu hỏi lớn vẫn cần được trả lời: Thế giới phải chờ bao lâu nữa mới đến thời điểm đó? Và câu trả lời không phụ thuộc vào may mắn, nó nằm trong tay chúng ta. Các đại dịch sẽ biến mất dần do những nỗ lực của con người như phát triển vaccine, truy vết tiếp xúc, phân tích bộ gene, các biện pháp ngăn chặn và hợp tác quốc tế. Đó chính là bộ công cụ để có thể chấm dứt đại dịch. Nhưng vấn đề là đã trải qua 20 tháng, những công cụ đó vẫn chưa được sử dụng một cách tốt nhất. Bà Andrea Taylor - Trợ lý Giám đốc chương trình tại Viện Y tế Toàn cầu Duke cho biết: “Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một kế hoạch nào ở cấp độ toàn cầu”.
Một số quốc gia có kết quả tốt hơn so với những quốc gia khác khi đối mặt với Covid-19. Nhưng để đẩy nhanh quá trình kết thúc đại dịch, nhiều chuyên gia, trong đó có cả bà Taylor đang kêu gọi một cách tiếp cận toàn cầu mới, đặc biệt khi nói đến vaccine, phương pháp điều trị và chia sẻ thông tin.
Họ nói rằng, nỗ lực như vậy là cách tốt nhất để chấm dứt đại dịch một cách nhanh chóng và chỉ khi nó xảy ra, mọi người dân trên thế giới mới có thể sống dưới một đám mây Covid cho đến năm 2022 và xa hơn nữa.
“Vũ khí” quan trọng
Giới chuyên gia khẳng định, “vũ khí” quan trọng nhất để chấm dứt đại dịch Covid-19 chính là vaccine. Ông Roberto Burioni - giáo sư vi sinh vật học và virus học tại Đại học San Raffaele ở Milan , Ý, cho biết: “Công cụ đầu tiên mà chúng tôi có là vaccine”.
Trước đây, các nhà khoa học phải mất tới 4 năm để phát triển một số loại vaccine có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn bệnh nặng và sự lây lan của virus, nhưng đại dịch Covid-19 đã phá vỡ mọi kỷ lục và thiết lập lại “tiêu chuẩn vàng” trong lĩnh vực này.
Có thể dễ dàng thấy tầm quan trọng của những mũi tiêm đối với việc ngăn ngừa Covid-19. Ông Hunter nói: “Về mặt lý thuyết, khi có nhiều người bị nhiễm bệnh, tiêm chủng và tái nhiễm, mức độ nghiêm trọng của bệnh tật sẽ giảm dần vì khả năng miễn dịch đã được tích lũy”. Tuy nhiên, chỉ đơn giản có vaccine là chưa đủ, nó phải được tiêm cho càng nhiều người và nhiều lần theo khuyến cáo càng tốt.
Ngay cả ở các nước phát triển, khả năng miễn dịch cũng sẽ dần suy giảm nếu các mũi tiêm không được triển khai diện rộng. Việc liên tục xuất hiện các biến thể mới và còn nhiều người hoài nghi vaccine đã cho thấy rõ rằng, cần phải có tỷ lệ bao phủ cực cao để ngăn chặn các đợt lây nhiễm. Cùng với những nỗ lực không ngừng để khuyến khích những người chưa được tiêm chủng liều đầu tiên, các nước giàu hơn hiện có hai kế hoạch chính: đảm bảo trẻ em trong độ tuổi đi học được tiêm chủng và thực hiện các mũi tiêm nhắc lại, những biện pháp được chứng minh là cần thiết để nâng cao mức bảo vệ.
Nhưng đây chỉ là trường hợp ở các khu vực phát triển trên thế giới. Và thế giới đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy, Covid-19 sẽ vẫn là một mối đe dọa ở bất cứ đâu cho đến khi nó được kiểm soát ở tất cả mọi nơi. Các chuyên gia cảnh báo rằng, cần phải có những hành động mạnh mẽ để đạt được mục tiêu đó.
Phân phối vaccine công bằng
Sự xuất hiện của biến thể Omicron ở một số nước châu Phi, nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp, một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược tiêm chủng cho các quốc gia nghèo. Tuy nhiên, bà Taylor cảnh báo: “Hiện trạng này không chỉ đơn giản là khả năng tài chính, bởi châu Phi có tỷ lệ bao phủ vaccine quá thấp”.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ít hơn 8% người dân ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19. Trong khi đó, 63,9% người dân ở các nước có thu nhập cao đã được tiêm ít nhất một mũi. Còn tỷ lệ ở Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ là khoảng 70%.
Hậu quả tiềm ẩn của sự chênh lệch đã quá rõ ràng: Các biến thể mới nguy hiểm hầu hết được phát hiện lần đầu tiên ở những nơi trải qua các đợt bùng phát lớn, không được kiểm soát, nơi tỷ lệ bao phủ vaccine thấp như: Alpha xuất hiện ở Anh vào tháng 12 năm ngoái, Delta ở Ấn Độ vào tháng 2, và Omicron ở châu Phi hồi tháng 11.
Ông Michael Head, một nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton cho biết: “Sự bất bình đẳng về vaccine sẽ kéo dài đại dịch. Cách tốt nhất để bảo vệ mình là cung cấp vaccine cho toàn thế giới”. Cùng với đó, bà Taylor cũng cho rằng, nguồn cung vaccine cần phải đến một cách ổn định, chứ không phải theo kiểu “no dồn, đói góp”. Đồng thời, “nguồn cung phải đi đôi với hỗ trợ tài chính để đảm bảo rằng những liều thuốc đó có thể đến tận tay người dân”, bà nói thêm.
Hơn nữa, với kinh nghiệm nghiên cứu về nguồn cung cấp vaccine ở Ghana trong năm qua, ông Head cho biết, khi vaccine được chuyển đến qua chương trình COVAX, chúng thường gần hết hạn sử dụng và không được kèm theo tủ đông lạnh hoặc thiết bị cần thiết để bảo quản.
Ông Head kêu gọi thành lập các trung tâm sản xuất vaccine mới ở châu Phi để thiết lập một dòng tiêm chủng đáng tin cậy hơn chứ không thể phụ thuộc vào một số ít cơ sở sản xuất hiện tại của Johnson & Johnson hay AstraZeneca ở Ấn Độ như hiện nay. Điều đó có thể làm mất an toàn đối với tiến độ phân phối toàn cầu.
Cả ông Head và bà Taylor đều đồng ý rằng, các quốc gia giàu có hơn cũng nên tài trợ cho nghiên cứu và trợ giúp cho các quốc gia không được phân phối vaccine nhanh chóng.
Ông Ana García, giáo sư về y tế dự phòng và sức khỏe cộng đồng tại Đại học Valencia ở Tây Ban Nha, cho biết: “Mỗi cá nhân nên tiếp tục bảo vệ bản thân và những người xung quanh thông qua khẩu trang, khoảng cách xã hội và tiêm chủng. Nhưng nó phải được kết hợp với một chiến lược toàn cầu để tăng tốc trên chặng đường kết thúc đại dịch”.