TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đón chúng tôi bằng cơn mưa rào nhẹ vào một ngày cuối tháng 7. “Những cơn mưa nhẹ vào dịp này được xem như là “đặc sản” của Đà Lạt” - cậu lái xe taxi chở chúng tôi từ sân bay Liên Khương về thành phố đã nói ví von như vậy. Cậu còn dặn chúng tôi một cách chân tình: “Vào dịp này tiết trời Đà Lạt lạnh, các cô chú nhớ chuẩn bị áo ấm nhé”, để mới thấy sự quan tâm của người Đà Lạt với du khách phương xa.
Đúng là tiết trời Đà Lạt mát đến lạnh thật, mấy nghệ sĩ của đoàn Hội Điện ảnh Hà Nội chúng tôi cùng ồ lên, có ai đó đã thốt lên: “Kiểu thời tiết này không khác gì tiết trời đầu đông Hà Nội”. Cảm giác chút lạnh đầu đông ở Hà Nội chợt ùa về xao xuyến bởi chỉ cách đây chừng ba tiếng thôi chúng tôi vừa “tạm xa” cái nóng 36 - 37 độ C của Thủ đô.
Ngồi trong căn phòng nhỏ của Nhà sáng tác Đà Lạt lại có cảm tưởng như đang ở Thủ đô vậy. Chỉ đến khi tôi nhìn qua ô cửa sổ thấy mưa bay bay làm rung rung những cành thông thì mới thực sự biết rằng, mình đã tới Đà Lạt.
Ngày làm việc đầu tiên, đoàn chúng tôi về thăm huyện Lâm Hà. Đón chúng tôi ở thị trấn Nam Ban là ông Thái Văn Mai, người đàn ông vốn quê ở huyện Đông Anh, Hà Nội nở nụ cười rạng rỡ đón đồng hương. Ông Mai tươi cười ra tận cửa xe bắt tay từng người một. Trong câu chuyện kể, ông Mai cho biết: “Lâm Hà là tên ghép từ hai địa danh Lâm Đồng và Hà Nội, mà những người dân Hà Nội khi vào khai phá vùng đất mới này đặt tên rất sâu sắc để gắn kết hai vùng quê hương của họ với quyết tâm cao sinh sống và khai phá vùng đất với biết bao điều hứa hẹn”.
Quả là sâu sắc, người Hà Nội dù đã sống xa quê những mấy chục năm ngỡ tưởng đã phai phôi ký ức nhưng khi gặp được đồng hương thì kỷ niệm cùng nỗi nhớ Hà Nội lại trở về vẹn nguyên.
Ông Mai cho biết thêm: “Về đất đai, Lâm Hà là một trong 4 địa phương có quy mô diện tích lớn (Di Linh, Bảo Lâm, Lạc Dương và Lâm Hà). Toàn huyện có tổng diện tích khoảng 93.000 ha; trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 58.500 ha; diện tích đất lâm nghiệp 23.000 ha, còn lại là đất phi nông nghiệp, đất ở nông thôn, đất ở đô thị và đất chưa sử dụng. Đặc biệt, với đất phù sa và bazan màu mỡ chiếm diện tích lớn toàn huyện, do đó, thích hợp trồng các cây công nghiệp dài ngày, rau hoa và cây ngắn ngày”.
Câu chuyện của ông Mai phần nào đó đã nói lên niềm tự hào về mảnh đất mà những người con của Hà Nội đã và đang ngày đêm chung tay xây dựng cuộc sống ấm no. Và nói như nhà thơ Trần Ngọc Trác, một người tuy không phải là người Hà Nội nhưng có nhiều năm gắn bó với huyện Lâm Hà thì: “Hiện ở đây (huyện Lâm Hà) người nông dân lại trở nên giàu có hơn những người kinh doanh buôn bán”. Nghe đến thế chúng tôi đều phấn khởi và cũng lắm ngỡ ngàng.
Nhờ có khí hậu ôn hòa và đất đai màu mỡ, hầu hết là đất đỏ bazan phủ trên nhiều xã trong huyện, vì vậy, Lâm Hà là địa phương thuộc nhóm huyện sản xuất nông nghiệp đa cây, đa con nhất tỉnh Lâm Đồng với quy mô hàng hóa; rất thích hợp trồng nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Chúng tôi vào thăm nhà nông dân Nguyễn Đắc Trị, ở khu phố Bạch Đằng, thị trấn Nam Ban. Ông Trị cho biết: “Năm 1978 tôi vừa rời quân ngũ trở về làng được vài tháng thì xung phong đưa cả gia đình đi kinh tế mới Lâm Đồng. Cũng xác định được nhiệm vụ nên cả nhà tôi đều hăng hái lắm. Lên xe đi một mạch vào đây và định cứ ở vùng quê mới này từ đó tới nay”.
Hỏi chuyện gia đình, chúng tôi được ông Trị cho hay: “Gia đình tôi vào đây ban đầu được cấp 1.200m2 đất. Cả nhà chúng tôi cùng bản nhau khai hoang thêm cho đến nay đã có trên 1,6 ha đất canh tác. Thôi thì trồng đủ thứ nhưng sau thì chốt lại mà tập trung vào trồng cây cà phê, chừng hơn 8 sào các anh chị ạ. Ngoài ra thì dành 2.000m2 để đào ao nuôi cá. Kinh tế cũng khá. Các cháu đều phương trưởng cả”.
Nhớ lúc gặp gỡ ban đầu chúng tôi đã được ông Thái Văn Mai cho hay: “Lâm Hà là địa phương có tính chất đa văn hóa các dân tộc, dân tộc gốc Tây Nguyên và dân tộc gốc Tây Bắc, đa văn hóa của người dân từ mọi miền đất nước hội tụ về đây. Đặc biệt, văn hóa của dân cư gốc Hà Nội ngàn năm văn hiến là nét văn hóa rất riêng của huyện Lâm Hà so với các huyện khác không chỉ ở Lâm Đồng mà còn phạm vi cả nước. Đến năm 2021, dân số Lâm Hà khoảng 145.552 người; trong đó, dân gốc Hà Nội là 87.670 người, chiếm gần 61%, đây là nét văn hóa riêng có nhiều tiềm năng cần khai thác trong các hoạt động văn hóa, du lịch đối với huyện Lâm Hà.
Đấy là ông Mai còn chưa nói hết chứ chúng tôi biết, khi xét về văn hóa, Lâm Hà được coi là trung tâm kết nối tình nghĩa quê hương rất sâu đậm, từ đó tạo nền tảng vừa truyền bá phát triển văn hóa vừa thu hút đầu tư và phát triển kinh tế cho huyện nhà. Nhìn chung, tuổi trung bình dân số của Lâm Hà còn trẻ; tuổi trẻ có nhiều khát vọng, ý chí phấn đấu học tập là cơ sở quan trọng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tạm biệt Lâm Hà, mấy giờ đồng hồ chợt nắng hiếm hoi cũng qua mau. Tiết trời trở lại mưa lạnh như vốn có. Những giọt mưa rơi tí tách trên những vạt đồi bạt ngàn cây cà phê, rơi tí tách trên những chiếc lá cây bơ. Giống bơ ở nơi đây khá tốt tươi về màu lá, khá bụ bẫm về những trái bơ.
Nhớ bữa chúng tôi ghé vào chợ Đà Lạt, ngay ở đầu chợ đã thấy những gian hàng bán đầy những quả bơ vừa to dài lại vừa bắt mắt. Mấy chị em trong đoàn ghé tai nhau thầm thì, họ đang hẹn nhau đến khi về kiểu gì cũng phải mua mấy cân bơ về Hà Nội làm quà cho con cho cháu.
Sáng nay, không hẹn mà nên, chúng tôi quyết định gọi xe taxi để tới thăm làng hoa Hà Đông, gọi là để thăm những gia đình đồng hương đã vào Đà Lạt từ dạo cuối những năm 30 của thế kỷ 20. Gần một trăm năm đã đi qua nhưng cũng như ở huyện Lâm Hà, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi người dân làng hoa Hà Đông, nay là phường 7 thành phố Đà Lạt, vẫn còn giữ được giọng Hà Nội cùng những phong cách sống của người Hà Nội.
Ông Vũ Nhuần - Trưởng làng hoa Hà Đông, vui vẻ dẫn chúng tôi đi “thăm ruộng” của gia đình mình. Khoát tay chỉ một vòng rộng ra khắp cánh đồng, ông Nhuần cho biết: “Hiện gia đình tôi canh tác quanh năm với 5.000m2 đất. Nhà tôi chuyên trồng hoa, cũng có một chút trồng rau. Làm quanh năm các anh chị ạ”.
Hiện gia đình ông Nhuần cùng các gia đình trong làng hoa Hà Đông vẫn giữ nghề trồng hoa và thu hoạch sản phẩm từ cây hoa như ngày xưa. Ông Nhuần cho hay: “Gia đình hiện tập trung vào trồng cây Phúc bồn tử để chưng cất lấy nước cốt xuất bán khắp cả nước”. Đấy là ông Nhuần còn chưa nói đến chuyện chính ông là người đem công nghệ nhà kính đầu tiên lên mảnh đất Đà Lạt.
Phải nói rằng nhờ canh tác theo công nghệ nhà kính mà sản lượng rau hoa quả tăng lên cao gấp nhiều lần canh tác theo lối truyền thống. Mỗi năm cũng đem lại thu nhập cho mỗi hộ gia đình cũng đến cả tỷ đồng. Thật đúng như nhà thơ Trần Ngọc Trác đã nói lúc đầu: “Người nông dân ở Đà Lạt nói riêng, ở Lâm Đồng nói chung đều thành triệu phú”.
Mưa vẫn tí tách rơi, chút se lạnh làm chúng tôi xích lại gần nhau. Đâu đó trong lòng đang dâng lên những cảm tình mới mẻ.