Ngày khai giảng cận kề, bên cạnh những khoản tiền bắt buộc phải chi như sách vở, đồng phục… thì các khoản thu đầu năm học mới 2024-2025 cũng là mối bận tâm lớn của phụ huynh.
Khoản thu "đến hẹn lại lên"
Thời điểm này, các trường đã tổ chức gặp mặt học sinh và phụ huynh, trong đó một số trường đã triển khai, thông báo các khoản thu cho năm học mới đến phụ huynh.
Ngoài các khoản thu như: tiền ăn bán trú, tiền nước uống, ấn phẩm, các khoản thu hộ gồm bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể…, phụ huynh cho biết còn nhiều khoản thu tự nguyện khác phải nộp vào buổi họp đầu năm như: quỹ lớp, cơ sở vật chất, bảo dưỡng điều hòa… khiến không ít gia đình thêm áp lực tài chính.
Chị Nguyễn Thu Hường – phụ huynh có con học lớp 4 một trường tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội cho biết, lớp con chị vừa họp phụ huynh đầu năm học 2024-2025, trong đó đã thống nhất quỹ lớp đầu năm tạm thời thu là 900.000 đồng/học sinh.
Tuy nhiên, ngoài số tiền này, phụ huynh lớp được kêu gọi đóng thêm 500.000 đồng/học sinh để sửa chữa điều hòa, trong khi trước đó vào đầu tháng 8, mỗi học sinh cũng đã đóng 200.000 đồng tiền sửa chữa một điều hòa khác. Như vậy, riêng về tiền cơ sở vật chất, phụ huynh phải nộp 700.000 đồng cho con (số tiền này được thu tách ra khỏi tiền quỹ lớp).
Theo chị Hường, trong số phụ huynh của lớp, có người đề xuất mua điều hòa mới cho các con thay vì sửa chữa vì chi phí mua mới cũng tương đương. Tuy nhiên, do chưa thỏa mãn về khoản thu tự nguyện này nên hiện phụ huynh trong lớp con chị Hường mới chỉ đóng tiền quỹ lớp.
Chị Hường thắc mắc, sửa chữa trang thiết bị trong lớp có nằm trong danh mục các khoản thu của ban phụ huynh lớp? Nếu lớp trang bị điều hòa mới cho các con thì sang năm, khi lên lớp 5, các con có được đem theo hay không?
Các khoản thu đầu năm học luôn là mối bận tâm lớn của phụ huynh khi vấn nạn lạm thu vẫn luôn tái diễn mỗi dịp đầu năm học mới.
Khoảng giữa tháng 8/2024, dư luận bức xúc khi một học sinh lớp 12 bị Trường THPT Ngô Quyền (Đông Anh, Hà Nội) dừng đào tạo khi bố của học sinh này thay mặt một số phụ huynh gửi câu hỏi và làm việc với nhà trường về việc thành lập lớp chất lượng cao và việc học phí sẽ tăng.
Sau phản ánh của báo chí, Sở GDĐT Hà Nội đã vào cuộc yêu cầu Trường THPT Ngô Quyền - Đông Anh có trách nhiệm bố trí, sắp xếp học sinh vào các lớp bảo đảm đúng quy định.
Sở cũng yêu cầu nhà trường thông tin công khai theo quy định trong đó có thu, chi tài chính của nhà trường.
8 khoản tiền Ban phụ huynh không được thu của học sinh
Việc xã hội hóa để có kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm những trang thiết bị dạy học hiện đại... là điều thực sự cần thiết và đối tượng hưởng lợi chính là con em mình. Tuy nhiên, việc minh bạch các khoản thu là yêu cầu cần thiết được đặt ra.
Bên cạnh các khoản tiền nhà trường được phép thu như học phí, bảo hiểm y tế, tiền ăn chăm sóc bán trú, tiền đồng phục, tiền nước uống… thì theo quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT, Ban đại diện phụ huynh không được quyên góp của người học và gia đình người học những khoản ủng hộ không tự nguyện và không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban.
Bao gồm 8 khoản thu sau: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường; bảo vệ an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Thông tư 55 cũng quy định, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu 2 khoản, gồm: Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác; kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường trích từ kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo đề nghị tại cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học.
Trước thềm năm học mới, Bộ GDĐT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung chuẩn bị cho năm học 2024-2025.
Trong đó, Bộ GDĐT đề nghị các địa phương triển khai các giải pháp tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước để thực hiện đúng quy định quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi ngay từ đầu năm học.