Vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra trên địa bàn thị trấn Chư Sê (tỉnh Gia Lai) vào rạng sáng ngày 7/5, khiến 13 người thiệt mạng thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về trật tự ATGT. Đáng nói, đây không phải lần đầu xảy ra TNGT thảm khốc khiến nhiều người chết và bị thương, nhưng xem ra các cơ quan chức năng vẫn chưa có được giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn triệt để.
Vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại thị trấn Chư Sê (tỉnh Gia Lai) vào rạng sáng ngày 7/5.
Hiện, người ta chỉ mới xác định được chiếc xe tải (BKS: 77C-139.37, do Võ Ngọc Quý điều khiển) gây tai nạn chưa được cấp phép kinh doanh nhưng vẫn hoạt động vận tải. Còn nguyên nhân vì sao lái xe lạng lách đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu, đi vào đường một chiều để rồi đâm vào xe khách ngược chiều thì đến bây giờ vẫn chưa có lời giải.
Các cơ quan chức năng bằng “trực quan” cho rằng một người bình thường khi lái xe sẽ không có những “biểu hiện bất thường” như Quý đã làm rồi gây tai nạn, nên tập trung theo hướng tài xế này có sử dụng chất ma túy.
Song, “lạ” là khi xét nghiệm mẫu máu của lái xe Võ Ngọc Quý lại không phát hiện được dấu hiệu sử dụng chất ma túy, hay thậm chí là rượu bia. Với cái sự lạ này, người ta nghĩ rằng có lẽ các thiết bị máy móc xét nghiệm lần đầu chưa đủ hiện đại nên kết quả mẫu máu của Quý mới âm tính với ma túy. Và thế là người ta nghĩ đến chuyện xét nghiệm lần 2, không loại trừ cả lần 3... X
ét nghiệm bao nhiêu lần cũng không phải là vấn đề quan trọng vì nó chỉ tốn kém thêm nhân lực và tiền bạc thôi, song vấn đề ở chỗ, nếu cả những lần xét nghiệm sau mà mẫu máu của Quý vẫn âm tính với ma túy thì các cơ quan chức năng cũng nên xem xét các nguyên nhân khác.
Cũng có thể đặt giả thiết rằng chiếc xe tải do Quý điều khiển vào thời điểm đó bị mất phanh không thể kiểm soát được nên lái xe này mới lao thẳng qua trạm soát vé, lạng lách đánh võng trên đường rồi đi vào đường một chiều và gây tai nạn?
Hoặc giả lái xe Võ Ngọc Quý có “máu anh hùng xa lộ”, thích thể hiện ngông cuồng nên đã điều khiển phương tiện vi phạm hàng loạt các quy định của luật, để rồi khi gặp xe khách ngược chiều thì không còn kịp khống chế nên mới lao thẳng vào đầu xe khách? Và còn rất nhiều câu hỏi tại sao nữa mà các cơ quan chức năng cũng cần nhanh chóng có câu trả lời về nguyên nhân dẫn đến TNGT thảm khốc này.
Khi và chỉ khi các cơ quan chức năng chỉ ra được căn nguyên, nguồn gốc sâu xa dẫn đến hành vi “bất thường” của lái xe Võ Ngọc Quý, để rồi dẫn đến thảm cảnh đau lòng là 13 người thiệt mạng, 32 người bị trọng thương, thì lúc đó ngõ hầu mới có thể đưa ra được biện pháp, giải pháp hữu hiệu ngăn chặn sự việc tương tự tái diễn.
Dư luận cho rằng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nghiêm túc xác định “làm chuồng” từ lúc chưa mất bò, chứ đừng để phải chạy theo giải quyết hậu quả sau mỗi lần xảy ra các vụ TNGT khủng khiếp cướp đi nhiều sinh mạng và không ít người phải mang thương tật suốt đời, trở thành gánh nặng xã hội.
Tại cuộc họp khẩn với Ủy ban ATGT quốc gia, Công an huyện Chư Sê cho rằng nhiều người bị hất văng ra xa trong vụ tai nạn chứng tỏ họ không thắt dây bảo hiểm. Và từ suy luận này, người ta mới lại đề nghị phải nhanh chóng quy định bắt buộc thắt dây an toàn đối với các xe khách, nhất là xe khách giường nằm.
Theo nhiều người có kinh nghiệm trong ngành GTVT, nếu hành khách, nhất là hành khách xe giường nằm thắt dây an toàn trong suốt thời gian hành trình thì khi có va chạm tổn thất về người sẽ không quá nhiều, quá nặng như những vụ TNGT thời gian qua. Song, buồn ở chỗ đây lại chỉ là giả thuyết của các chuyên gia chứ chưa được thực hiện trong thực tế.
Còn nhớ cách đây đã 3 năm, vào tháng 6/2014, tại một hội nghị ATGT, Thượng tướng Lê Quý Vương- Thứ trưởng Bộ Công an đã đề nghị Bộ GTVT cần sớm đưa vào Luật Giao thông đường bộ quy định bắt buộc thắt dây an toàn trên xe khách, nhất là xe khách giường nằm.
Tướng Vương đưa ra lập luận: Người đi ô tô 4 chỗ, đi máy bay đều phải thắt dây an toàn, trong khi đó xe khách, xe giường nằm chứa vài chục người lại không có dây an toàn. Khi có va chạm mạnh, hành khách sẽ bị xô ngã, va đập trên xe, thậm chí bị văng ra ngoài...
Kể từ khi Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu ý kiến trên tới nay đã 3 năm trôi qua, song lời “tiên đoán” của ông về hậu quả thảm khốc khi xảy ra tai nạn vẫn còn nguyên “giá trị thời sự”. Cái việc tưởng như “tất lẽ dĩ ngẫu” phải thực hiện ấy lại chưa được các cơ quan chức năng có nhiệm vụ quản lý nhà nước về GTVT để tâm, để rồi cứ “dăm bữa nửa tháng” là xã hội lại “nóng” lên với thông tin ở đâu đó vừa xảy ra một vụ TNGT khủng khiếp khiến nhiều người thiệt mạng.
Và đương nhiên là sau mỗi một thảm cảnh đau lòng đó thì người ta lại bắt đầu lại từ đầu quy trình đi tìm hiểu nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan...
Còn nữa, sau vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng ở Gia Lai, người ta lại tiếp tục nghi ngờ về chất lượng đào tạo và sát hạch lái xe tại các trung tâm. Thật tiếc vì sự nghi ngờ quá trễ, nếu không muốn nói là quá muộn.
Trong xã hội ai cũng biết (trừ các cơ quan chức năng) rằng, có rất nhiều người được cấp bằng lái xe mà chưa từng biết “mặt ngang, mũi dọc” quyển Luật Giao thông đường bộ ra sao, nó màu gì, kích thước như thế nào, để rồi ra đường không biết các biển báo có ý nghĩa gì, phải chấp hành ra sao.
Rồi quy định bắt buộc khám sức khỏe khi xin cấp bằng lái xe cũng bị người ta ngó lơ, làm chiếu lệ, thậm chí làm vì tiền, để rồi có không ít tỉnh, thành phố khi rà soát đã phát hiện tới vài chục phần trăm lái xe mắc nghiện.
Vậy nên, dư luận xã hội hy vọng và kỳ vọng các cơ quan chức năng sau vụ TNGT thảm khốc ở Gia Lai sẽ đưa ra được giải pháp hữu hiệu, thực tế để ngăn chặn thảm cảnh thương tâm tái diễn.
Ngày 9/5, Trung tá Trần Ngọc Anh, Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Gia Lai cho biết đã chính thức ra quyết định khởi tố vụ án vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê (Gia Lai) làm 13 người chết, 32 người bị thương. Phạm Hưởng |