Đấu thầu bến phà An Bình (Vĩnh Long): Có khuất tất?

Lê Quốc Khánh 01/10/2016 08:28

Bà Trần Thị Lăng (67 tuổi, ngụ tại xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Bến Tre) có đơn tố cáo Hội đồng đấu thầu bến phà An Bình đưa khách từ thành phố Vĩnh Long sang cồn An Bình, huyện Long Hồ có nhiều khuất tất, làm sai luật trong qúa trình đấu thầu, gây thiệt hại quyền lợi cho bà.

Đấu thầu bến phà An Bình (Vĩnh Long): Có khuất tất?

Bến phà An Bình-TP Vĩnh Long, có mức giá hơn 26 tỷ đồng.

Theo đơn của bà Lăng, chúng tôi tìm hiểu vấn đề, được biết, chiều ngày 30/8/2016, trên đường đến nộp đơn và tiền ký quỹ dự thầu khai thác bến phà An Bình, người nhà của bà Lăng có điện thoại đến Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Long Hồ để hỏi về thủ tục nộp tiền ký qũy có thể nộp bằng tiền mặt thay thế cho chứng thư bảo lãnh của ngân hàng được không thì một cán bộ trực điện thoại của Phòng Kinh tế-hạ tầng huyện Long Hồ trả lời có thể nộp tiền mặt thay cho chứng thư bảo lãnh.

Tuy nhiên, khi bà Lăng đến nơi thì lãnh đạo nơi đây lại khẳng định không nhận tiền mặt. Bà Lăng tức tốc chạy ra ngân hàng nộp tiền để lấy chứng thư bảo lãnh. Tuy nhiên với số tiền của gói thầu này trị giá hơn 26 tỷ đồng, quy định ký quỹ tương đương 3%, tức là 782 triệu đồng nên việc đếm tiền của ngân hàng mất nhiều thời gian, không kịp ra chứng thư bảo lãnh ngay trong buổi chiều nên ngân hàng hẹn sẽ giao chứng thư bảo lãnh vào lúc 7h30 hôm sau (tức ngày 31/8/2016).

Bà Lăng nộp toàn bộ hồ sơ cho Hội đồng đấu thầu, thiếu chứng thư bảo lãnh. Theo thông báo, thời gian mở thầu vào lúc 9h ngày 31/8/2016. Sáng ngày 31/8/2016, bà Lăng đến ngân hàng lấy chứng thư bảo lãnh, nộp bổ sung cho Hội đồng đấu thầu trước khi tiến hành mở thầu.

Luật sư Hà Văn Vĩnh cũng xuất trình chứng chỉ hành nghề và giấy ủy quyền thay mặt bà Lăng về mặt pháp lý trong việc lập thủ tục đấu thầu. Cả hai việc: Nộp chứng thư bảo lãnh và giấy ủy quyền đều được Hội đồng đấu thầu chấp thuận, cho phép luật sư Hà Văn Vĩnh tham gia phiên đấu thầu.

Khi tiến hành mở thầu, Hội đồng đấu thầu cho biết có tất cả ba hồ sơ tham gia gồm: ông Nguyễn Chí Dũng (chủ cũ, hiện đang khai thác bến đò An Bình – TP Vĩnh Long), ông Lâm Minh Hùng và bà Trần Thị Lăng.

Theo quy định, phiên đấu giá được tiến hành qua nhiều vòng: Giá khởi điểm của vòng một là 26.080.000.000 đồng (thời hạn hợp đồng 5 năm 2016-2021). Ở mỗi vòng đấu tiếp theo, giá sàn được tính bằng giá cao nhất của vòng trước cộng với bước giá là 260 triệu đồng (tương đương 1%); Người đưa ra giá cao nhất ở vòng đấu cuối cùng sẽ là người trúng thầu.

Trong mức giá được ba nhà thầu đưa ra cho vòng đấu đầu tiên thì ông Nguyễn Chí Dũng cao nhất: 26.150.000.000 đồng; bà Trần Thị Lăng và ông Lâm Minh Hùng cùng có giá 26.081.000.000 đồng. Hội đồng đấu thầu công bố ông Nguyễn Chí Dũng thắng vòng đầu tiên và tiến hành vòng đấu tiếp theo.

Thế nhưng bất ngờ, một thành viên Hội đồng đấu thầu yêu cầu kiểm tra hồ sơ kỹ thuật của cả ba nhà thầu rồi mới tiến hành đấu tiếp vòng hai. Hồ sơ của ông Lâm Minh Hùng không đạt. Hồ sơ của bà Lăng đạt nhưng Hội đồng cho rằng hồ sơ của bà Lăng không có chứng thư bảo lãnh của ngân hàng trong phong bì nên loại ra, mặc dù trước khi mở thầu bà Lăng đã bổ sung và được chấp nhận cho tham gia vòng đấu giá đầu tiên.

Bà Lăng bức xúc trình bày: Như vậy là Hội đồng đấu thầu gói thầu trên có sai sót trong quá trình điều hành, cũng như áp dụng luật, quy định, quy chế, cố ý làm trái luật để lọai tôi ra. Khi luật sư Hà Văn Vĩnh-đại diện pháp lý cho bà Lăng có ý kiến thì ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ, Chủ tịch Hội đồng đấu thầu không cho phát biểu và mời ra ngoài. Trái khoáy hơn, khi trả hồ sơ gốc, Hội đồng đấu thầu buộc bà Lăng phải ký cam kết không được khiếu nại, tố cáo (?).

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chánh Thanh tra huyện Long Hồ, thành viên Hội đồng đấu thầu nhận định: Việc không cho bà Lăng cũng như luật sư Hà Văn Vĩnh khiếu nại là sai quy định của pháp luật. Việc không cho luật sư phát biểu ý kiến tại phiên đấu giá là sai tiếp theo của Hội đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đấu thầu bến phà An Bình (Vĩnh Long): Có khuất tất?