Mấy ngày qua, dư luận xã hội xôn xao bàn tán câu chuyện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước (chủ đầu tư gói thầu cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Phước) đã “tuyên” nhà thầu bỏ mức giá cao nhất thắng thầu, chứ không phải các doanh nghiệp bỏ giá thầu thấp. Có lẽ vì đây là lần đầu tiên một địa phương quyết định chọn nhà thầu bỏ giá cao nên không khỏi khiến dư luận băn khoăn.
Giờ mà khẳng định quyết định của chủ đầu tư dự án (gói thầu cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua Bình Phước) là đúng hay sai thì còn quá sớm. Tuy nhiên, về nguyên tắc, việc tổ chức đấu thầu là để chọn phương án thi công tốt nhất cho công trình, với mức chi phí thấp nhất có thể. Trong các dự án được đấu thầu công khai, thì doanh nghiệp đưa ra phương án thi công tốt nhất, thời gian nhanh nhất, bảo hành lâu dài, với kinh phí thấp nhất sẽ được chủ đầu tư dự án ưu tiên lựa chọn.
Chiếu theo lý thuyết trên, việc Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (Tập đoàn Sơn Hải) phản ứng khi bị loại khỏi gói thầu (cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua Bình Phước) dù bỏ giá thầu thấp nhất, thời gian bảo hành dài nhất (10 năm) là điều dễ hiểu. Song, chủ đầu tư dự án này lại cho rằng các nhà thầu bỏ giá thấp (trong đó có Tập đoàn Sơn Hải) “không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu” nên cần loại bỏ. Bên nào cũng có lý lẽ của riêng mình, chỉ có cơ quan chuyên môn vào cuộc mới phân xử được.
Tuy nhiên, dư luận xã hội vẫn thắc mắc: Theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp chỉ có thể tham gia đấu thầu dự án khi đã nộp hồ sơ đầy đủ và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, công nhận đủ năng lực cạnh tranh thầu, nếu không sẽ bị loại bỏ từ... “vòng gửi xe”. Vậy thì vì sao các nhà thầu (Công ty CP tập đoàn Cienco4, Tổng Công ty Vinaconex, Công ty CP Xây dựng Đèo Cả, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải...) đã được tham gia đấu thầu rồi lại bị coi là “không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu”?
Chưa hết, các doanh nghiệp như Cienco4, Vinaconex, Công ty CP Xây dựng Đèo Cả... đều là những “ông lớn”, “có máu mặt”, có tiềm lực kinh tế và bề dày kinh nghiệm trong việc thi công các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Số doanh nghiệp này từng thi công những công trình có số vốn đầu tư, cũng như đòi hỏi về phương tiện máy móc lớn hơn dự án này, nhưng họ vẫn hoàn thành khá tốt. Vậy thì việc chủ đầu tư dự án khẳng định những nhà thầu này “không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu” liệu có khiên cưỡng?
Nói như vậy không có nghĩa ám chỉ việc chủ đầu tư dự án (gói cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua Bình Phước) loại các nhà thầu trên khi họ bỏ giá thấp là sai hay đúng. Song, dù xét về mặt lý thuyết cạnh tranh, hay về quy định của pháp luật thì cũng phải là ưu tiên cho các nhà thầu có năng lực tốt, bỏ giá thấp, thi công nhanh, bảo hành dài hạn... sẽ tiết kiệm nhiều cho ngân sách, không gây thất thoát, lãng phí. Lẽ nào năng lực nhà thầu như nhau, chủ đầu tư dự án lại chọn nhà thầu bỏ giá cao để “mua sự yên tâm”?
Điều đáng nói là từ sự phản ứng của Tập đoàn Sơn Hải trong việc đấu thầu dự án trên, cơ quan chức năng sẽ phải vào cuộc xem xét, xử lý để các bên có liên quan phải “tâm phục, khẩu phục”. Song, điều đó cũng có nghĩa dự án (cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua Bình Phước) dù đã có doanh nghiệp trúng thầu cũng vẫn chưa thể triển khai ngay được mà phải chờ cho đến khi “ngã ngũ” ai sai, ai đúng. Như vậy, vô hình trung chỉ vì một quyết định gây tranh cãi đã làm chậm tiến độ của công trình quan trọng này.
Mới đây thôi, cho ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan đến đầu tư công, Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh đến bất cập của việc đấu thầu: Riêng quy trình đã mất cả năm, mấy tháng mở thầu, mấy tháng chọn thầu, thế thì làm gì còn thời gian để thực thi nữa. Trong dự án này, riêng việc thực hiện quy trình theo luật đã tốn thời gian như vậy, nay lại phải “tranh cãi”, “phân xử” ai đúng ai sai thì dự án trọng điểm sẽ phải chờ đến bao giờ?