Đầu tư cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng lên tới 15.000 tỷ đồng, huy động từ đâu?

Lê Khánh 21/12/2021 16:30

Dự án Cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng có vai trò rất quan trọng song việc huy động vốn đầu tư cho dự án này đang gặp nhiều khó khăn.

Quốc lộ huyết mạch nối Bắc Kạn - Cao Bằng quá tải, xuống cấp

Hai tỉnh miền núi Bắc Kạn và Cao Bằng, là khu vực này có địa hình bị chia cắt mạnh, đồi núi cao, hệ thống sông suối có độ dốc dọc lớn, mạng lưới giao thông chủ yếu là đường bộ, bên cạnh đó, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng đường còn thấp ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đặc biệt, Bắc Kạn và Cao Bằng là hai tỉnh miền núi, nằm trong vùng chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh, là căn cứ địa cách mạng của chiến khu Việt Bắc.

Tuyến đường QL3 qua Cao Bằng và Bắc Kạn đang rơi vào tình trạng quá tải - Ảnh minh họa.

Theo đó, hạ tầng giao thông của hai tỉnh này hiện chủ yếu là giao thông đường bộ. Trong đó, người dân chủ yếu lưu thông qua tuyến QL3. Tuyến đường QL3, không chỉ được coi là trục xương sống của 2 địa phương này mà còn là, tuyến giao đường giao thông duy nhất kết nối trục hành lang kinh tế quan trọng Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội với các tỉnh Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Quảng Tây của Trung Quốc.

Đáng nói, do lượng phương tiện lưu thông qua QL3 hiện đã bị quá tải và rơi vào tình trạng hư hỏng, xuống cấp. Dù tuyến đường này đã được đầu tư nâng cấp nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật còn chưa cao. Với mặt đường nhỏ hẹp, quanh co, nhiều đèo cao nguy hiểm, tốc độ xe chạy trung bình khoảng 40 km/h nên hiệu suất không cao.

Theo đó, cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng nằm trong tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay, đường cao tốc từ Hà Nội đến Bắc Kạn đã xong với 2 tuyến Hà Nội – Thái Nguyên và Thái Nguyên – Chợ Mới. Chỉ còn duy nhất đoạn Bắc Kạn đến Cao Bằng đến nay chưa được đầu tư.

Đầu tư cao tốc lên tới 15.000 tỷ đồng

Vừa qua, Bộ GTVT có văn bản trả lời cử tri tỉnh Bắc Kạn về việc hoàn thiện đầu tư, phát huy hiệu quả toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng.

Qua khảo sát, đánh giá sơ bộ tuyến cao tốc này cần cần số vốn đầu tư lên tới gần 15.000 tỷ đồng. Do vậy, UBND hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn đã kiến nghị Trung ương bố trí ngân sách khoảng 9.000 tỷ đồng trong 9.600 tỷ đồng để làm cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng. Số còn lại là 600 tỷ đồng cho chi phí giải phóng mặt bằng sẽ do 2 tỉnh tự bố trí ngân sách.

Muốn làm cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng sớm, địa phương phải huy động nguồn lực- Ảnh minh họa.

Theo đó, tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng được quy hoạch với chiều dài khoảng 90km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030. Quyết định phê duyệt quy hoạch cũng xác định, đối với các dự án quy hoạch đầu tư sau năm 2030, trường hợp các địa phương có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển KT-XH và huy động được nguồn lực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư sớm hơn.

“Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, nếu các địa phương có nhu cầu phát triển KT-XH và có khả năng huy động được nguồn lực (bao gồm cả nguồn vốn ODA), đề nghị UBND tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng đánh giá hiệu quả đầu tư dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sớm triển khai thủ tục đầu tư tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng.

Bộ GTVT sẽ phối hợp để triển khai đầu tư xây dựng dự án nhằm hoàn thiện kết nối theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được phê duyệt, phát huy hiệu quả khai thác tuyến cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới - Bắc Kạn”, Bộ GTVT thông tin.

Điều này đồng nghĩa với việc nếu hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn nếu huy động được nguồn lực đầu tư từ địa phương hoặc xã hội hóa thì cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng sẽ có khả năng làm trước năm 2030. Bởi điều kiện đầu tiên về “nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” hiện đã có sẵn.

Bộ GTVT cũng khẳng định, trong giai đoạn tuyến cao tốc chưa có điều kiện đầu tư sẽ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN có kế hoạch bảo trì, sửa chữa QL3 kết nối hai tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng để đảm bảo điều kiện đi lại, vận tải thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Hoàng Xuân Ánh – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng chia sẻ, hiện nay tỉnh Cao Bằng đang triển khai cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh. Đây là dự án được triển khai theo hình thức đối tác công – tư (PPP) trong đó tỉnh Cao Bằng là đối tác công. Chính bởi vậy, nguồn lực hiện tại của Cao Bằng là gần như không có vì đã dồn hết cho dự án này.

“Chúng tôi biết ngân sách Nhà nước đang khó khăn nên mới triển khai theo hình thức PPP để giảm gánh nặng ngân sách. Nhờ đó dự án mới triển khai sớm được” – Hoàng Xuân Ánh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đầu tư cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng lên tới 15.000 tỷ đồng, huy động từ đâu?