Ủng hộ những chính sách hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao của chính phủ, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng việc tiếp cận gói tín dụng 100 ngàn tỷ đồng cho vốn vay nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh rất khó khăn vì vướng quá nhiều thủ tục.
Ảnh minh họa.
Phát biểu tại phiên thảo luận về KT-XH tại nghị trường sáng nay (9/6), đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho biết: Trong một năm qua, sự ra đời Nghị quyết 35 của CP đã tạo ra sự chuyển biến tích cực; song cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn mong muốn quyết tâm của Chính phủ phải được thực hiện nhanh hơn, quyết liệt hơn.
Đại biểu cũng nêu thực trạng, ở một số nơi sự chuyển biến chưa thật sự tích cực, chưa thật sự đồng hành cùng DN. Một số DN làm ăn chân chính quan tâm việc đầu tư bảo vệ môi trường thường xuyên phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra.
Một DN chế biến mủ cao su của tỉnh Bình Phước bị phạt buộc phải đóng cửa dây chuyền 3 tháng chỉ vì một lý do thay đổi dây chuyển xử lý chất thải không đúng quy định, dù dây chuyền hiện đại hơn. Sau đó chính đơn vị này hủy bỏ quyết định do DN phản ứng dữ dội. Thiệt hại của DN nhiều khi do quy định tùy tiện đó.
Chúng ta được xếp hạng 82/189 quốc gia về môi trường kinh doanh. Hơn 39.000 DN thành lập mới nhưng lại có hơn 3.000 DN đóng cửa, giải thể. Như vậy, 10 DN ra đời thì có gần 9 DN khác rời khỏi thị trường.
Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh: Chúng ta xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế nhưng thời gian qua trụ đõ ấy yếu dần; điều đó cho thấy, hiệu quả sản xuất và đời sống của người dân thấp do. Chúng ta phải giải cứu nông sản, hết dưa hấu, chuối thời gian gần đây lại đến thịt heo.
Khắc phục tình trạng này chỉ có nông nghiệp công nghệ cao nhưng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao thì cần nhiều vốn và sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.
“Khi chúng tôi tiếp xúc cử tri và đi khảo sát tại một số DN tỉnh Bình Phước, DN cho biết: Để đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cần 6 - 15 tỷ đồng, tùy mô hình sản xuất, hiện chưa có quy định về quyền xác lập tài sản, nên DN có khó khăn trong quyền sử dụng đất; vì thế việc vay vốn ngân hàng có khó khăn”.
Chính phủ đã dành gói tín dụng 100 ngàn tỷ đồng cho vốn vay nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh. Đây là chủ trương đúng và cần được đẩy nhanh. Tuy nhiên, việc này lại có sự tiếp cận khó khăn vì vướng quá nhiều thủ tục. Chẳng hạn, DN phải được chứng nhận là DN nông nghiệp công nghệ cao; mà muốn thế đòi hỏi DN phải đang sản xuất trong vùng nông nghiệp công nghệ cao.
Như vậy phải giải quyết nhiều vấn đề, đó là việc tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn cho DN, liên kết giải quyết việc làm cho người nông dân; phân phối lợi ích giữa nông dân và DN; xác định tiêu chuẩn công nghệ cao phù hợp, kết nối giữa DN và ngân hàng.
Cần sớm có quy định xác định quyền sở hữu tài sản là quyền sử dụng đất đối với các trang trại công nghệ cao để làm căn cứ cho DN thế chấp vốn vay; thời gian hỗ trợ lãi suất vốn vay bởi thời gian đầu tư nông nghiệp công nghệ cao cần rất nhiều vốn để xây dựng cơ bản; giao qũy đất cho DN công nghệ cao làm ăn chân chính. và phải có chính sách với DN làm ăn nghiêm túc.
Khuyến khích đầu tư cho DN khởi nghiệp đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao; tạo kênh thông tin cho dn cập nhật tình hình thị trường, đồng thời thường xuyên đánh giá đúng thị trường trong nước và quốc tế để tránh tình trạng đầu tư tràn lan, cung vượt cầu….
Cử tri Bình Phước mong muốn để ổn định nguồn thu ngân sách không nên dùng giải pháp khai thác dầu lửa, tài nguyên, mà để dành cho thế hệ sau, thay vào đó là việc phải thúc đẩy sản xuất trong nước, hỗ trợ DN mở rộng đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xử lý nghiêm tổ chức cá nhân gây khó khăn cho nhà đầu tư, DN.