Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ hỗ trợ 150 triệu USD để giúp các nước Mỹ Latinh và Caribe trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh do virus Zika gây ra. Trong một tuyên bố ngày 18/2, WB cho biết khoản hỗ trợ này sẽ được giải ngân ngay lập tức và dựa trên nhu cầu tài chính hiện tại của các nước.
Ngày 20/2, Chính phủ Brazil đã ra thông báo yêu cầu
công khai và báo cáo cho cơ quan chức năng mọi trường hợp nghi nhiễm virus Zika.
Hỗ trợ của WB sẽ tài trợ cho một loạt các hoạt động đối phó Zika, bao gồm điều tra và kiểm soát vật lây nhiễm bệnh, xác định các đối tượng dễ bị tổn thương, chăm sóc và theo dõi sản phụ trong và sau thời gian mang thai.
WB ước tính đợt bùng phát virus Zika lần này có thể gây thiệt hại 3,5 tỷ USD cho nền kinh tế khu vực trong ngắn hạn, tương đương 0,06% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), song một số quốc gia phụ thuộc nhiều vào ngành du lịch có thể chịu tổn thất lên tới 1% GDP.
Chủ tịch WB Jim Yong Kim nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hành động kịp thời để ngăn chặn sự lây lan của loại virus nguy hiểm đang hoành hành khắp châu Mỹ và bảo vệ sức khỏe của người dân tại các nước bị ảnh hưởng.
Một phần trong nỗ lực đối phó với virus Zika, các chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ và Brazil cùng ngày đã khởi động một chương trình hợp tác nghiên cứu nhằm tìm kiếm vắcxin chống virus Zika.
Bên cạnh nội dung chính này, Bộ trưởng Y tế Brazil Marcelo Castro cho biết trong phiên làm việc kéo dài 2 ngày các chuyên gia cũng sẽ tập trung nguồn lực để xây dựng các biện pháp xét nghiệm Zika cũng như diệt muỗi hiệu quả hơn.
Các nhà khoa học đến từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ, Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC), Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ và Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ sẽ có các cuộc trao đổi với chuyên gia đến từ các cơ quan nghiên cứu y sinh học hàng đầu của Brazil.
Trong khi đó, Bộ Y tế Panama cùng ngày thông báo dịch Zika ở nước này đã lan rộng ra ngoài phạm vi khu vực Comarco ven biển Caribe, với tổng số ca nhiễm bệnh hiện lên tới 65 trường hợp. 64 ca nhiễm trước đó đều ở Comarco song người bệnh mới nhất được phát hiện tại thủ đô Panama City. Hiện các cơ quan chức năng đang tìm kiếm nguồn lây bệnh của đối tượng này. Trước đó, trong tuần này, Panama đã ban hành cảnh báo y tế toàn quốc đối với dịch Zika.
Virus Zika lây nhiễm qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes. Triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm virus là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban. Đối với phụ nữ có thai, virus có thể để lại dị tật thai nhi với chứng teo não.
Hiện chưa có vaccine phòng ngừa virus Zika. Loại virus này đầu tiên được phát hiện ở những con khỉ Rhesus trong rừng Zika ở Uganda từ năm 1947. Các đợt bùng phát virus Zika từng được ghi nhận tại khu vực châu Phi, Đông Nam Á, các quần đảo ở Thái Bình Dương và một số nước ở châu Mỹ. Đến nay dịch bệnh do virus Zika đã lan sang 44 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chủ yếu ở khu vực châu Mỹ Latinh. Thái Lan đã công bố có dịch. Vì vậy, biện pháp phòng chống dịch được thực hiện như phòng chống dịch sốt xuất huyết (diệt lăng quăng, bọ gậy; diệt muỗi Aedes, phòng tránh muỗi đốt).
Việt Nam bổ sung kịp thời kinh phí Trước tình trạng dịch bệnh do virus Zika gây nên có thể xâm nhập vào Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế chủ động, phối hợp, hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý dịch theo quy định; thực hiện chế độ giám sát, báo cáo dịch theo thẩm quyền; nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc bổ sung danh mục dịch bệnh truyền nhiễm. Bộ Tài chính có trách nhiệm bổ sung kịp thời kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do virus Zika gây nên trong trường hợp dịch lan rộng. Bộ Y tế cho biết, bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi Aedes (muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết) gây ra, có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày. 80% trường hợp nhiễm virus Zika không biểu hiện triệu chứng, nếu mắc bệnh thường hồi phục hoàn toàn. Hiện nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Zika. |