Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, đầu tư vào nông nghiệp chỉ dưới 1%. Vậy, nguyên nhân chính là gì? TS Đào Thế Anh-Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực-Cây thực phẩm kiêm GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp đã trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
TS Đào Thế Anh.
PV:Là một nước có nền kinh tế nông nghiệp là trọng yếu, nhưng lại chỉ có 1% số DN đầu tư vào nông nghiệp, ông nhận định thế nào về con số này, thưa ông?
TS Đào Thế Anh: Đây đúng là một con số đáng phải suy ngẫm. Song, tôi nghĩ con số đầu tư vào nông nghiệp sẽ thay đổi nếu chúng ta nhìn nhận lại cụ thể hơn vấn đề đầu tư vào lĩnh vực này. Chúng ta phải nhìn vào cả chuỗi giá trị nông nghiệp. Đầu tư trực tiếp vào sản xuất thì ít, do những cản trở về đất đai. Ví dụ Vingroup rất mạnh về tài chính và họ tự phát triển rau an toàn, trong thời gian gần đây họ đi đến tỉnh nào cũng kiếm 100 - 200 ha.
Nhưng cho đến nay họ đã buộc phải thay đổi chiến lược: không đơn phương nữa mà hợp tác với các hợp tác xã (HTX). Vừa rồi Vingroup bày tỏ nhu cầu muốn hợp tác với 1.000 HTX.
Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến mô hình liên kết giữa DN và HTX, trong mô hình này, HTX tự sản xuất, còn DN đầu tư vào khâu sau thu hoạch, chế biến và phân phối. Nếu nhìn như vậy, tôi nghĩ con số DN đầu tư vào nông nghiệp sẽ khả quan hơn, chứ không chỉ dưới 1% như báo cáo nói trên nêu ra.
Viện chúng tôi đang nghiên cứu thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị nông sản. Nếu không có chuỗi giá trị nông sản, nông dân không bán được hàng, làm ra sản phẩm chất lượng cao lại mang ra chợ truyền thống thì không thể bán được và cuối cùng lại mang ra chợ bán.
Trong chuỗi giá trị này, DN nên nằm ở mắt xích nào là hợp lý?
- Cần DN sản xuất là một phần thôi, cần nhất là DN tham gia ở khâu sau thu hoạch. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có 280 chuỗi giá trị nông sản. Chúng tôi khảo sát trên toàn quốc thì có nhiều chuỗi rất tốt.
Các siêu thị lớn như Coop Mart, Big C hay Lotte đã “lặn lội” lên tận Lâm Đồng liên kết với các HTX mở các trung tâm thu gom. Các DN này bỏ tiền vào đầu tư, và nhờ các HTX quản lý, thu hút các nguồn sản xuất, bán cho thị trường TP HCM. Cái đấy người ta gọi là hội nhập theo chiều dọc. Tức là, cung phải kết nối được với cầu.
Như TP Hồ Chí Minh hiện nay, tiêu dùng rất lớn, sự chuyển đổi từ chợ truyền thống sang siêu thị cũng đang diễn ra khá nhanh chóng. Kéo theo sự chuyển động này, các siêu thị cũng phải cạnh tranh với nhau để giành khách hàng và giành vùng sản xuất vì hiện nay các HTX không nhiều.
Như vậy, phát triển của các chuỗi đó sẽ thúc đẩy kinh doanh ở nông thôn. Trong đó, vai trò của DN lôi kéo trong chuỗi giá trị từ khâu sau thu hoạch, phân phối, tiếp cận thị trường tôi nghĩ rất quan trọng để tạo sự liên kết. Nhưng liên kết chỉ thành công khi chúng ta sản xuất những sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng đặc thù. Chính vì vậy, các hợp đồng liên kết đều dựa trên tiêu chuẩn đặc thù.
Theo ông, hiện lĩnh vực nào trong nông nghiệp nào được DN quan tâm đầu tư lớn nhất?
- Tôi cho rằng, hiện nay, thủy sản vẫn là lĩnh vực được nhiều DN quan tâm nhất. Sau đó là đến cà phê, lĩnh vực lúa gạo rất ít DN đầu tư, mà chủ yếu là hộ nông dân và HTX.
Ông vừa nói trong trồng lúa chủ yếu là hộ nông dân và HTX làm. Nhưng nhiều năm trước, chúng ta đã thấy có DN Nhật Bản vào Việt Nam đầu tư để sản xuất gạo bán cho người Nhật và Đông Nam Á. Tại sao DN mình không làm như vậy?
- DN Nhật Bản vào Việt Nam sản xuất chủ yếu là DN nhỏ, dạng trang trại. Cái khó của chúng ta hiện nay là không có nhiều đất nên tiền thuê đất rất cao. Ví dụ ở An Giang có một DN Nhật làm lúa, thuê nông dân làm, nhưng giờ họ cũng phải ký hợp đồng với các HTX vì rất khó khăn về đất đai.
Tại Đà Lạt, một DN Nhật Bản đã hợp tác với các HTX và mạng lưới thương lái để phát triển vùng nguyên liệu. Hiện phương án hợp tác với nông dân này khá phù hợp. Chỉ riêng Lâm Đồng có một dự án dành ra 300ha để thu hút DN nước ngoài đầu tư trực tiếp vào sản xuất. Nhưng làm rau thì chỉ cần ít diện tích. Cái này có Jica hỗ trợ vườn ươm cho DN nhưng chúng ta thừa hiểu rằng, để sản xuất, làm nông nghiệp mà chỉ có khoảng 300 ha là quá ít.
Lĩnh vực nông nghiệp của nước ta vẫn chủ trương ưu tiên bà con nông dân là chính, ít thu hút đầu tư nước ngoài. Tôi nghĩ cái này là phải thay đổi. Thực tế, chúng ta đã biết, sản xuất nông nghiệp có tính rủi ro rất cao. Bởi vậy, chúng ta nên thu hút DN nước ngoài vào khâu sau chế biến thì phù hợp hơn, vì họ có công nghệ, có thị trường. Như Israel, họ không đầu tư trực tiếp cho sản xuất, chỉ bán công nghệ, chủ yếu là công nghệ tưới và các loại giống mới. Tại sao chúng ta không tận dụng?
Nói về vấn đề dồn điền đổi thửa để có diện tích đất lớn. Tại sao cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa làm thành công, thưa ông?
-Dồn điền đổi thửa tùy thuộc vào từng lĩnh vực, hiện chủ yếu là trong lĩnh vực sản xuất lúa ở ĐBSCL. Chủ trương dồn điền đổi thửa được Bộ NN&PTNT dựa trên việc sản xuất lúa ở ĐBSCL. Dồn điền đổi thửa đòi hỏi phải kết hợp giữa các HTX. Vì đối với lúa gạo của Việt Nam vấn đề lớn hiện nay là làm thế nào nâng cao được chất lượng, không phải năng suất.
Muốn vậy, dồn điền đổi thửa thôi thì chưa đủ. Cần phải có đơn vị quản lý về quy trình kỹ thuật, làm giống gì để bán cho thị trường phù hợp và giảm được chi phí sản xuất.
Thế nhưng, vấn đề hiện nay của chúng ta là sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc trừ sâu và quá nhiều giống, những điều này khiến chi phí rất cao mà không hiệu quả, tăng ô nhiễm môi trường. Thách thức giờ là giảm đầu vào, giảm chi phí sản xuất, tăng được lãi, giảm ô nhiễm môi trường. Những việc này, vai trò của HTX kiểu mới là rất quan trọng.
Trân trọng cảm ơn ông!